(VOV5) - Trong xã hội hiện đại, yêu cầu đầu tiên là cải lương cần đổi mới đề tài, đổi mới thi pháp, đổi mới nội dung và hình thức nghệ thuật.
Vừa qua, nhằm kỷ niệm 100 năm hình thành nghệ thuật cải lương (1918 - 2018), Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Đài Tiếng nói Việt Nam, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nghệ sĩ Sân khấu thành phố, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, tổ chức Hội thảo khoa học “Một thế kỷ hình thành và phát triển của nghệ thuật Cải lương ở Việt Nam: Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển” và Công diễn vở cải lương “Thầy Ba Đợi” tại thành phố Hồ Chí Minh và Long An.
Ảnh: Thùy Dung/VOV-TPHCM |
Hội thảo cải lương đã thu hút gần 40 tham luận của các học giả và nghệ sỹ, chỉ rõ thực trạng và đưa ra các giải pháp để phát triển sân khấu Cải lương trong thời gian tới.
Hình thành cách đây 100 năm trên cơ sở Lễ nhạc, Nhã nhạc cung đình, ca Huế, nhạc Hát bội, Đờn ca tài tử, đến nay Cải lương vẫn bền bỉ tồn tại bất chấp những thăng trầm, những đổi thay của lịch sử và đời sống xã hội. Từ chỗ thịnh hành ở phương Nam, từ những gánh hát nhỏ, nghệ thuật Cải lương đã phát triển ra phía Bắc, hình thành những nhà hát, đoàn cải lương lớn để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng công chúng với nhiều thế hệ nghệ sỹ tài năng. Vở cải lương thầy Ba Đợi xuất hiện trong dịp này, cũng là một cách “ôn cố tri tân” đầy nghệ thuật, khi khắc họa một giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc thông qua hình ảnh nhân vật chính là Nhạc quan, Nhạc sư Nguyễn Quang Đại, người có công rất lớn đối với quá trình hình thành, phát triển buổi đầu của nghệ thuật Cải lương. Khi vị vua yêu nước Hàm Nghi bị thực dân Pháp bắt và lưu đày sang châu Phi, thầy Ba Đợi mang theo di sản quý báu là Lễ nhạc, Nhã nhạc cung đình Huế, kết hợp với nhạc Hát bội, Đờn ca tài tử tạo thành nghệ thuật Cải lương lưu truyền tới bây giờ.
Trong tham luận tại Hội thảo, ông Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã nêu rõ vai trò, thực trạng và định hướng phát triển của sân khấu Cải lương tình hình hiện nay: “Nếu như ở giai đoạn mới hình thành sáng tạo là đổi mới tuồng tích, đổi mới nghệ thuật hát ca, thì trong xã hội hiện đại, yêu cầu đầu tiên là đổi mới đề tài, đổi mới thi pháp, đổi mới nội dung và hình thức nghệ thuật, sao cho đáp ứng được nhu cầu tinh thần, thẩm mỹ ngày càng cao, càng đa dạng của công chúng, khán giả.”
Nhìn ở góc độ người sáng tác, soạn giả Minh Ngọc cho rằng, ngoài việc đầu tư cho kịch mục thì các đơn vị cũng cần phải định hướng cho khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ để họ hiểu và yêu Cải lương hơn. Bây lâu nay đội ngũ nghệ sỹ, những người làm sân khấu Cải lương thường hay nêu lên những khó khăn và kêu gọi đầu tư của nhà nước chứ cũng chưa bao giờ nhìn thẳng vào cách làm của mình đã thực sự hiệu quả để thu hút khán giả hay chưa: “Khi làm chúng tôi cũng phải làm sao để cải lương nó là một cái gì chân chất, hồn hậu, để khán giả trẻ sẽ yêu cải lương, phải làm sao để những khán giả thấy đây là chuyện của mình. Ví dụ tôi có những người bạn nước ngoài tới đây, họ nói, ơ Minh Ngọc ơi tại sao nói là muốn về miền Tây làm việc thì phải biết nhậu và biết hát cải lương? Thì bởi vì cái đó là văn hóa!”
Với quan điểm đến Hội thảo để nhìn nhận, đánh giá đúng thực trang của Cải lương hiện nay, họa sỹ, NSND Lê Huy Quang nói về một mặt hạn chế lớn của nghệ thuật Cải lương trong thời hiện đại. Ông cho rằng Cải lương là loại hình sân khấu kịch hát dân tộc nhưng từ trước tới nay thường thiên về lối trang trí tả thực, không phải tả ý nên chưa tạo được phong cách riêng cho mỹ thuật Cải lương. Sự lạm dụng theo lối tả thực của nhiều họa sỹ hiện nay đã không tạo được đất diễn cho người nghệ sỹ, triệt tiêu dần các yếu tố ước lệ vốn là đặc trưng của sân khấu kịch hát dân tộc: “Với tư cách là một họa sĩ và một tác giả đã làm nhiều về cải lương, thì tôi thấy thế này: Cái khuynh hướng thiết kỹ mỹ thuật sân khấu cải lương hiện nay là nghiêng về quá cảnh. Tức là có những vở cảnh đằng sau thì vẽ biển như thật nhưng đằng trước lại đưa cả cây thật lên sân khấu. Tóm lại cái phong cách trang trí mỹ thuật cải lương hiện nay là chưa hình thành một phong cách của sân khấu cải lương.”
Hầu hết các ý kiến của GS Hoàng Chương, PGS, TS Trần Trí Trắc, PGS, TS Tất Thắng, NSND Giang Mạnh Hà, TS Trần Minh Thu.v.v.., đều đi thẳng vào vấn đề và tạo được sự quan tâm lớn cho các học giả và nghệ sỹ làm nghề.
Vở cải lương Thầy Ba Đợi ra mắt dịp này đã thu hút sự chú ý của khán giả yêu cải lương. Ảnh: 4 nghệ sĩ đảm nhận vai thầy Ba Đợi với nghệ sĩ Quang Khải (thời trẻ), NSƯT Lê Tứ (trung niên), NSƯT Thanh Tuấn (về già) và NSƯT Xuân Vinh (sau khi qua đời)/ Bào Dân trí |
Cũng như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, Cải lương muốn tồn tại và phát triển, phải đứng vững trên nền tảng văn hóa dân tộc, hồn cốt dân tộc, nhưng cũng phải không ngừng đổi mới, “cải cách” để “lương truyền”…
Nói như ông Võ Văn Thưởng trong tham luận tại hội thảo: ”Trong bối cảnh hội nhập và cơ chế thị trường hiện nay, cũng như các loại hình nghệ thuật trình diễn khác, cải lương đang phải đối mặt với năng lực thẩm mỹ và nhu cầu giải trí của khán giả, họ có quá nhiều sự lựa chọn. Để tồn tại và phát triển, cho thấy kinh nghiệm của chính cải lương cho thấy giải pháp tối ưu có lẽ vẫn là sáng tạo, cách tân để phù hợp với công chúng. Đấy chính là thế mạnh của cải lương. Nhưng sáng tạo và cách tân như thế nào, để đừng có gieo vừng ra ngô như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1952 khi người đến thăm và làm việc với văn nghệ sĩ tại chiến khu Việt Bắc, là cả một vấn đề không đơn giản.”