(VOV5) - Khi điểm lại những tác giả, tác phẩm giàu bản sắc của nền văn học đương đại nước ta, có thể nhận ra rất nhiều tác giả xuất thân là người lính, nhiều tác phẩm viết về người lính và Tổ quốc.
Nghe âm thanh bài tại đây qua giọng đọc PTV Kim Phượng:
Trong khuôn khổ hội thảo “Văn học nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam – 80 năm đồng hành sáng tạo” do Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam và Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật tổ chức mới đây, một số tham luận, ý kiến đã đi vào các tác giả, tác phẩm thơ viết về người lính và chiến tranh Cách mạng. Trong đó có những tác giả đã và đang công tác trong quân đội cũng như những người tâm huyết với đề tài đặc thù này.
Nhà thơ Hữu Thỉnh |
Nhà thơ Hữu Thỉnh, những năm 1960 từng tham gia binh chủng tăng thiết giáp. Ông có nhiều trang thơ viết về hiện thực chiến tranh, cuộc sống và tâm tình của người lính. Hơn ai hết, nhà thơ Hữu Thỉnh cảm nhận thấm thía những đóng góp của các nhà thơ đồng thời là chiến sĩ trong việc xây dựng diện mạo của thơ ca nước ta những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Ông kể tên các tên tuổi thời chống Pháp tiêu biểu như nhà thơ Chính Hữu, Nguyễn Đình Thi, Vũ Cao, Quang Dũng, Tố Hữu. Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, các nhà thơ thời chống Pháp vẫn tiếp tục sát cánh bên đội ngũ sáng tác lớp mới như Phạm Tiến Duật, Nguyễn Đức Mậu, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Duy. Họ là những người trực tiếp chiến đấu ở các mũi nhọn đồng thời cầm bút và đem lại những thành tựu đầu tiên cho thơ ca kháng chiến chống Mỹ.
Thuộc thế hệ người sáng tác trưởng thành sau chiến tranh, những trang thơ viết về người lính và cuộc chiến đấu của dân tộc được nhà thơ Ngô Đức Hành cảm nhận khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Từ thuở ấy, trong ông đã nhen nhóm niềm tự hào khi nghĩ về những năm tháng gian lao, những kỷ niệm trong chiến tranh thông qua những bài thơ gây xúc động mạnh mẽ với thế hệ của mình. Ông tâm đắc với câu thơ “Vóc dáng nhà thơ ngang tầm chiến lũy” của nhà thơ Chế Lan Viên. Quả thực hai cuộc kháng chiến giữ nước của dân tộc đã sản sinh ra thế hệ nhà thơ – chiến sĩ và đó là “binh chủng” đặc biệt tạo nên diện mạo văn học trong chiến tranh.
Để tạo nên diện mạo, tinh thần của dòng thơ ca viết về người lính và chiến tranh Cách mạng, chúng ta không thể quên sự đóng góp của các nhà thơ xuất thân là người dân tộc thiểu số. Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Huyền điểm lại những người con của bản làng mà theo chị đã có những tác phẩm về đề tài Tổ quốc, chiến tranh, Cách mạng được công chúng hôm nay đón nhận, khẳng định giá trị qua thời gian. Đó là các nhà thơ Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Triều Ân, Y Phương, Y Điêng, Mai Đình Thu, Mã A Lềnh, Triệu Kim Văn, Kim Nhất, Mai Liễu, Hà Thị Cẩm Anh, Nông Thị Ngọc Hòa, Bùi Thị Như Lan…
Những sáng tác thơ ca giàu sức nặng về người lính và cuộc chiến đấu giữ nước anh dũng của dân tộc luôn có một chỗ đứng trong đời sống hôm nay và đặc biệt hơn là khi được cất lên trong những hoàn cảnh, không gian đặc biệt. Nhà thơ Ngô Đức Hành đã được tham gia một số trại sáng tác về đề tài người lính và chiến tranh Cách mạng và đã được đi công tác Trường Sa. Khoảnh khắc đứng trên tàu kiểm ngư lênh đênh trên mặt biển tham gia các sinh hoạt văn nghệ, khi nghe bài hát về người lính phổ từ thơ Nguyễn Việt Chiến cất lên, trong mỗi người trào lên nhiều cảm xúc. Và nhà thơ Ngô Đức Hành cũng nhìn nhận những nhà thơ tiếp nối thành tựu trong sáng tạo của các thế hệ thời chống Pháp và chống Mỹ. Đó là sự tiếp nối của nhà thơ Trần Đăng Khoa, các nhà thơ Nguyễn Bình Phương, Đoàn Văn Mật, Nguyễn Thị Kim Nhung…
Với bộ phận tác giả trẻ là người dân tộc thiểu số, Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Huyền cũng nhận ra những sáng tạo có tính đột phá hòa cùng với tinh thần tiếp nối mạch nguồn sáng tác về đề tài người lính và chiến tranh Cách mạng hôm nay. Chị kể tên các nhà thơ Lý Hữu Lương, Hoàng Chiến Thắng như những đại diện tiêu biểu.
Khi điểm lại những tác giả, tác phẩm giàu bản sắc của nền văn học đương đại nước ta, có thể nhận ra rất nhiều tác giả xuất thân là người lính, nhiều tác phẩm viết về người lính và Tổ quốc; cả về lực lượng và sáng tạo đều có những thành tựu đáng ghi nhận. Nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng đó là một điểm nhấn của nền văn học hiện đại và đương đại nước ta. Thời gian đã chứng tỏ sức sống của những tác phẩm này và những thành tựu của thơ ca kháng chiến và viết về người lính sẽ là hành trang tinh thần không thể thiếu của thế hệ hôm nay khi bước vào kỷ nguyên mới.
Hội thảo khoa học Văn học nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam 80 năm đồng hành sáng tạo |
Mạch nguồn sáng tác thơ viết về thời hậu chiến hoặc tìm về với ký ức một thời khó quên của dân tộc vẫn đang được tiếp nối. Một số tác giả trẻ chuyên chú với đề tài này cũng như tác giả trong lực lượng vũ trang mà gần đây nhất có thể kể tên tác giả Trần Việt Hoàng đang là học viên Trường Sĩ quan Chính trị. Anh mới ra mắt tập thơ đầu tay được đặt nhan đề “Ngày chưa sương vội”. Trần Việt Hoàng cũng vừa được Tạp chí sông Hương tặng thưởng Tác phẩm hay năm 2024 cho chùm thơ ba bài đã đăng tải trong năm. Bên cạnh đề tài chiến tranh, người lính truyền thống đã xuất hiện trong lịch sử thơ ca mấy chục năm qua, công chúng vẫn đón đợi những trang thơ viết trên thao trường hôm nay, về câu chuyện đời lính thời bình.