(VOV5) -Nhà văn nổi tiếng của văn học Séc đương đại Alena Mornštajnová vừa có buổi giao lưu với bạn đọc Việt Nam, nhân sự kiện Những ngày văn học châu Âu 2024 (diễn ra từ 4-19/5 tại Hà Nội và TPHCM).
Nghe âm thanh tại đây qua giọng đọc PTV Hải Yến:
Buổi giao lưu do Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Hà Nội phối hợp với Trung tâm Séc tại thủ đô Praha và NXB Phụ nữ Việt Nam tổ chức.
Tại đây, tác giả chia sẻ về tiểu thuyết “Bác Hana” - cuốn tiểu thuyết đến nay đã phát hành được hơn 1 triệu bản (trong khi dân số CH Séc chỉ trên 10 triệu người), được dịch sang gần 20 ngôn ngữ, và 7 nước khác mua bản quyền.
“Bác Hana” đã đến với bạn đọc Việt Nam qua bản chuyển ngữ của dịch giả tài năng Bình Slavická.
Đại sứ Cộng hòa Séc tại Việt Nam, ông Hynek Kmonicek phát biểu tại buổi giao lưu. - Ảnh: Phạm Ngọc Lan |
Tại buổi giao lưu, Đại sứ Cộng hòa Séc tại Việt Nam, ông Hynek Kmonicek chia sẻ: “Alena Mornštajnová là một tác giả mới ở nền văn học Séc. Bà cũng là một hiện tượng rất nổi bật trong văn học Séc.
Nếu bạn là một tác giả nổi tiếng ở Séc, phải may mắn lắm mới có thể xuất bản được khoảng tầm 1 vạn bản/năm. Nhưng với nhà văn Alena Mornštajnová, cuốn sách của bà đã in tới 1 triệu bản. Một phép so sánh nhỏ như thế để bạn đọc có thể hiểu về tầm ảnh hưởng, sự nổi tiếng của bà trong làng văn chương Séc.
Nhà văn Alena xuất bản cuốn sách đầu tiên của bà vào năm 2013, khi 50 tuổi, cái tuổi mà thường chúng ta đang ở đỉnh cao của sự nghiệp hoặc cũng có thể là đã ở giai đoạn thoái trào, nhưng với Alena là khởi đầu của hành trình viết lách. Và bà đã rất thành công. Chỉ trong vòng 5 năm, bà đã thực sự có thành tựu trong lĩnh vực văn chương và đã trở thành một cái tên rất nổi bật trong làng văn chương Séc.”
Quang cảnh buổi giao lưu với nhà văn Alena Mornštajnová tại Viện Goethe Hà Nội. Từ trái qua: nhà văn Alena Mornštajnová, TS Quyên Nguyễn, Giám đốc NXB Phụ nữ Việt Nam Khúc Thị Hoa Phượng. |
Tại buổi giao lưu với bạn đọc Việt Nam, nhà văn Alena Mornštajnová cho biết “Bác Hana” không phải là một cuốn sách về đề tài nạn diệt chủng holocaust, mà là một cuốn sách kể lại những thăng trầm của đời người trong những bối cảnh đặc biệt: "Bác Hana là tác phẩm đầu tiên tôi viết về quê hương của tôi, một thị trấn rất nhỏ ở Rumania, có một lịch sử khá thú vị. Khoảng 1954 quê hương tôi phải trải qua đại dịch thương hàn. Đó là một thảm họa rất lớn, vài trăm người đã ốm và qua đời trong đại dịch đó. Khi bắt đầu nghĩ về câu chuyện mình muốn viết, tôi vẫn mơ hồ cảm thấy rằng, cuốn sách này sẽ nói về cuộc sống của một bà bác với cô cháu gái, và cuộc sống ấy không hề dễ dàng bởi hai người quá khác nhau. Tôi bắt đầu tìm xem, nên có lý do gì.
Khi đọc về lịch sử thị trấn quê hương, tôi phát hiện có một cộng đồng Do Thái khoảng hơn 200 người đã từng sống ở thị trấn. Và năm 1942 họ bị đưa đến các trại tập trung, rồi chỉ có khoảng một, hai người sống sót trở về. Dựa trên chi tiết đó, tôi quyết định xây dựng lý do vì sao mà nhân vật bác Hana lại khác biệt, lại lạ lùng như vậy. Điều đó liên quan tới nạn diệt chủng, tới thời gian nhân vật chính phải trải qua ở trại tập trung.
Cuốn tiểu thuyết với bối cảnh bắt đầu từ năm 1954, cũng có góc nhìn của cô cháu gái của Hana. Cô bé cũng có những câu hỏi tương tự như độc giả: Vì sao mà bác mình lại kỳ quặc như vậy? Và cuốn tiểu thuyết thể hiện một hành trình khám phá của cô cháu gái liên quan đến câu chuyện đằng sau của người bác, hành trình tìm hiểu của hai người với nhau." - Nhà văn nói.
Nhà văn Alena Mornštajnová tại buổi giao lưu. - Ảnh: Phạm Ngọc Lan |
Dịch giả Bình Slavická từng tóm tắt về tiểu thuyết Bác Hana: “Những năm 1950, tại một thành phố nhỏ ở Séc, gia đình của cô bé Mira 9 tuổi đã phải chống chọi với một trận dịch thương hàn. Và chỉ trong một thời gian ngắn, Mira trở thành trẻ mồ côi sau khi bố mẹ và hai em qua đời vì dịch bệnh. Mira trải qua thời thơ ấu và tuổi thiếu niên của mình với người thân duy nhất là bác Hana – một người phụ nữ lập dị và mong manh. Dần dần, Mira khám phá ra sự thật chôn giấu về quá khứ của Hana và lịch sử bi thảm của chính gia đình cô – một gia đình Do Thái.”
Người dẫn chương trình giao lưu, tiến sĩ văn chương Quyên Nguyễn nhận xét: "Việc xây dựng một cuốn tiểu thuyết chia ra làm nhiều ngôi kể như thế, giúp cho độc giả có được cái nhìn toàn diện hơn, không chỉ là nhìn được nhân vật. Chúng ta nhìn nhân vật bác Hana từ ánh mắt của người ngoài và đến chương cuối lại có một cái nhìn từ chính Hana. Đấy là một kỹ thuật tiểu thuyết rất là điêu luyện từ phía nhà văn, để giúp cho mọi người nhìn được tất cả mọi thứ, sự kiện lịch sử không chỉ là một chiều mà còn nhiều chiều khác nhau."
|
Không sử dụng câu chuyện có thật, nhưng nhà văn đã chọn tên của hai nạn nhân đã qua đời trong nạn diệt chủng để đặt cho nhân vật của mình. Cái tên Hana trong tiếng Séc vừa mang ý nghĩa “nhân hậu”, “dịu dàng” lại vừa có nghĩa trong tiếng Séc còn có nghĩa là “nỗi xấu hổ”, “hổ thẹn”. Nhà văn cho biết, bà quyết định chọn cái tên này cho nhân vật chính vì: "đó là một cảm giác mà bác Hana đã phải sống cùng trong suốt cuộc đời của mình. Bà cảm thấy có tội vì bà là người sống sót, khi mà gia đình bà, bố mẹ bà, hàng xóm đều đã chết. Và khi bà quay trở lại thị trấn, một số những người ở thị trấn đã hỏi: vì sao bà lại ở đây, bố mẹ bà đâu, bà đã làm gì, lý do gì mà bà sống sót? Đối với Hana bà đã luôn mang một cảm giác rằng, lẽ ra là bà cũng phải chết, cũng nên chết."
Nói như người dẫn chương trình, tiến sĩ văn học Quyên Nguyễn thì: “Khi mọi người đọc tác phẩm này sẽ nhận ra, một trong những lý do bác Hana bán rất chạy cho đến giờ như thế, là nhờ vào các chi tiết, và các biến trong trong tiểu thuyết xảy ra một cách liên tục và dồn dập, để liên tục bắt độc giả phải lật trang để biết được về số phận của nhân vật. Đồng thời những nhân vật ở thế hệ trước lại có vai trò tương đối lớn ở thế hệ sau. Nó là một trong những yếu tố làm cho tác phẩm này cực kỳ hấp dẫn. Nó không chỉ là một tác phẩm viết về lịch sử, mà còn viết về những bi kịch của cá nhân, hành xử của những cá nhân có thể ảnh hưởng đến đời sống như thế nào.”
Alena Mornštajnová sinh năm 1963. Năm 2013 bà bắt đầu gây chú ý với cuốn tiểu thuyết Bản đồ trắng. Năm 2018, tiểu thuyết Bác Hana đã giành Giải thưởng Sách Séc, đưa Alena Mornštajnová trở thành một trong những nhà văn được yêu thích nhất của văn học Séc đương đại. Cùng với “Bác Hana”, Alena Mornštajnová đã cho ra đời sáu cuốn tiểu thuyết, là những tác phẩm được giới phê bình đánh giá cao, và luôn nằm trong danh sách sách bán chạy trong vòng 10 năm trở lại đây.
Là một giáo viên tiếng Anh, một dịch giả (như Alena Mornštajnová chia sẻ: dịch những cuốn “diễm tình” dễ đọc cho phụ nữ, những cuốn sách na ná giống nhau và không có chút ảnh hưởng gì đến việc viết lách của mình), bà bắt đầu sự nghiệp cầm bút khá muộn. Bắt đầu viết vào năm 2000, khi vừa 37 tuổi, nhưng phải đến tận năm 2013, sau hơn 10 năm, cuốn sách đầu tay của bà mới được xuất bản. Khi được hỏi về kinh nghiệm về việc viết lách, nhà văn nói, ở tuổi 50 cầm bút, người ta không còn viết truyện cổ tích, mà viết về những gì mình suy tư, trải nghiệm. Là phụ nữ, nên bà thích viết "về phụ nữ, về gia đình, trong những câu chuyện kể khác nhau, qua những góc nhìn khác nhau".