Nghe âm thanh bài tại đây:
Cuốn sách Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925 - 1945 Khai sinh và tiến trình, của GS Bùi Xuân Bào (sinh 1916 – mất 1991), được PGS TS Phạm Xuân Thạch đánh giá là cuốn sách rất có ý nghĩa trong việc nghiên cứu văn học Việt Nam, đã từng có những ảnh hưởng nhất định trong giới nghiên cứu Sài Gòn trước đây (qua bản in nguyên bản tiếng Pháp tại Sài Gòn năm 1972). Lần đầu tiên, cuốn sách ra mắt bản dịch tiếng Việt do NXB Tri thức ấn hành, dịch giả Ngân Xuyên chuyển ngữ.
Ảnh: Thu Hồng |
Dịch giả Ngân Xuyên cho biết: Cuốn sách Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925 - 1945 Khai sinh và tiến trình nguyên là luận án thứ hai (phụ) mà tác giả Bùi Xuân Bào đệ trình cùng luận án thứ nhất (chính) để lấy bằng tiến sĩ văn chương quốc gia tại Đại học Sorbonne (Pháp) năm 1961. Năm 1972 luận án được in thành sách tại Sài Gòn, nguyên bản tiếng Pháp, trong tủ sách “Nhân văn Xã hội”, năm 1985 được in tại Paris trong tủ sách “Đường Mới”. Bản dịch lần này theo bản in năm 1985 tại Paris.
Tại buổi tọa đàm ra mắt Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925 – 1945: Khai sinh và Tiến trình, do Viện Pháp tại Hà Nội và Nhà xuất bản Tri thức vừa tổ chức, nhà văn Hoàng Minh Tường thuật lại: Chơi thân với con trai của GS Bùi Xuân Bào hàng chục năm, ông được con trai tác giả chia sẻ về cuốn sách nghiên cứu rất quan trọng này của Giáo sư, và cả nỗi niềm canh cánh của tác giả thuở sinh thời, muốn cuốn sách được dịch và in bằng tiếng Việt. Từ đó, cuốn sách đã được giới thiệu với dịch giả Ngân Xuyên.
Nhà văn Hoàng Minh Tường chia sẻ về sự ra đời của cuốn sách Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925 - 1945 Khai sinh và tiến trình bản tiếng Việt. - Ảnh: Thu Hồng |
"Tác giả Bùi Xuân Bào sinh ra trong một gia đình dòng dõi quý tộc, ông bố từng là Tú tài Hán học, bà mẹ là Tôn Nữ Ngọc Hòe của một vị Thượng thư, nên bà cụ có một vốn văn học dân gian Huế rất nhiều, đã dạy cụ Bùi Xuân Bào. Gia đình cụ Bùi Xuân Bào hiện nay vẫn ở Pháp. Khi cuốn sách đầu tiên được gửi sang Pháp, gia đình Giáo sư Bùi Xuân Bào gửi email cho tôi nói: Đọc sách của bố tôi dịch ra tiếng Việt còn thấm thía hơn đọc sách bản chính, tuy tôi qua Pháp hồi 15 tuổi và bây giờ 83 tuổi. - Đã ở Pháp 70 năm, nhưng khi đọc bản tiếng Việt, ông thấy thấm thía hơn, như vậy chứng tỏ tài năng của người truyền tải - dịch giả Ngân Xuyên, hai là tình cảm từ tiếng mẹ đẻ. Tôi nghĩ rằng tất cả con cái của cụ Bùi Xuân Bào vẫn tư duy bằng tiếng Việt là chính. Mặc dù tiếng Pháp rất giỏi, nhưng khi đọc tác phẩm của cha mình được viết bằng tiếng Việt thì gia đình vô cùng xúc động." - Nhà văn Hoàng Minh Tường chia sẻ.
GSTS Trần Đình Sử, chuyên gia hàng đầu về Lý luận văn học và Văn học Việt Nam, cho biết, tác phẩm của Bùi Xuân Bào là một công trình nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam hiện đại theo hai chủ đề: khai sinh và tiến trình với khả năng bao quát tài liệu khá phong phú. Tác giả đã lọc kỹ 39 tác giả, sưu tầm và đọc 149 tài liệu tham khảo tiếng Việt và tiếng Pháp, có đủ bề dày tạo nên sức thuyết phục của chuyên luận.
Về các giá trị của cuốn sách, theo GSTS Trần Đình Sử: “Thứ nhất, cuốn sách đã cung cấp một bức tranh khái quát, một lịch sử khá bao quát về tiểu thuyết của Việt Nam hiện đại, trong khoảng 20 năm đến 1945, nhưng không có tiểu thuyết lịch sử (vì trong bối cảnh văn hóa thời kỳ đó, tác giả không quan niệm đó là tiểu thuyết).
Hai là quan niệm của tác giả về khai sinh và tiến trình tiểu thuyết, với ba giai đoạn: 1925 - 1932 là 1 giai đoạn tiểu thuyết hình thành, khai sinh, 1932 - 1940 là giai đoạn phát triển rực rỡ, giai đoạn ba từ 1940 - 1945 là giai đoạn xã hội Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của Chiến tranh thế giới 2... Thứ ba, về phân loại, tác giả nghiên cứu vừa theo khuynh hướng lãng mạn và hiện thực, lại vừa theo thể loại.
Ý kiến kết luận của rất đáng quan tâm của tác giả là: "Tiểu thuyết Việt Nam ít phiêu lưu, ít hành động, các nhân vật thường có suy nghĩ, biểu lộ tình cảm nhiều chứ không có hành động. Nhân vật hành động vì cảm xúc mạnh nhiều hơn vì giằng xe nội tâm thực sự. Hai loại nhân vật được thể hiện nhiều nhất trong tiểu thuyết này là nông dân và phụ nữ Việt Nam. Nhà tiểu thuyết Việt Nam thiếu rất nhiều điều kiện để có thể cống hiến hết mình cho những tác phẩm dài hơi và có suy nghĩ sâu sắc."
Cũng theo GSTS Trần Đình Sử, "Tiểu thuyết là thể loại rất đặc biệt, không giống các thể loại khác, nên tất cả những ý đồ khoa học muốn phân loại tiểu thuyết thành các loại hình không mấy thành công. Nghiên cứu của Bùi Xuân Bào không đi sâu vào vấn đề thể loại, mà chủ yếu nghiên cứu nội dung, các chủ đề và sự thay đổi các chủ đề ấy qua các giai đoạn phát triển của tiểu thuyết. Tiểu thuyết là thể loại không quy phạm, không định hình, luôn biến đổi, nên tốt nhất, là nghiên cứu theo chủ đề. Đó chính là cách tiếp cận của Giáo sư Bùi Xuân Bào."
Nhấn mạnh điểm độc đáo của Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925-1945: Khai sinh và tiến trình, là "có tư tưởng xuyên suốt về mặt tiểu thuyết, mặt khác cố gắng mô tả được tính đa dạng cùa tiểu thuyết Việt Nam trong từng giai đoạn, qua đó, tác giả kể câu chuyện riêng của ông về tiểu thuyết" - PGS.TS Phạm Xuân Thạch, Trưởng khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: "Công trình này cũng như công trình của giáo sư Nguyễn Văn Trung, cho chúng ta hình dung lại giai đoạn mà người Việt Nam đã tiếp thu tư tưởng khai phóng của giáo dục đại học và khoa học Pháp, để viết về lịch sử văn học dân tộc mình."
Ở Việt Nam, nghiên cứu về tiểu thuyết Việt Nam hiện đại trong thời khai sinh và phát triển rực rỡ những năm trước 1945 không có nhiều. Theo PGS.TS Phạm Xuân Thạch, bên cạnh hai công trình cực kỳ quan trọng là Việt Nam văn học sử giản ước tân biên của Phạm Thế Ngũ và Bảng lược đồ văn học Việt Nam của Thanh Lãng, thì việc xuất bản cuốn sách của Bùi Xuân Bào ra tiếng Việt rất có ý nghĩa trong việc nghiên cứu lịch sử văn học Việt, khi mà cuốn của Phạm Thế Ngũ đã được xuất bản lại cuối những năm 90, nhưng tác phẩm của Thanh Lãng chưa tái bản.
Đặc biệt, nếu đặt cuốn của GS Bùi Xuân Bào với một nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại có tầm vóc lớn là bộ 2 cuốn Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại của GS Phan Cự Đệ, thì có những điểm giống nhau: "Cả hai đều nhận thấy cách chia lãng mạn và hiện thực không phản ánh hết được sự đa dạng của tiểu thuyết Việt Nam. Không có một tác giả Việt Nam nào chỉ đứng trong một phương pháp sáng tác. Vì vậy cả hai nhà nghiên cứu đều cố gắng nới khung lãng mạn, hiện thực thêm ra."
Tác giả Giáo sư Bùi Xuân Bào định nghĩa tiểu thuyết Việt Nam hiện đại “theo cách hiểu rộng nhất bao gồm tất cả các tác phẩm hư cấu bằng văn xuôi được thể hiện dưới hình thức tự sự và được viết bằng chữ quốc ngữ”. Như vậy, ông không nghiên cứu tiểu thuyết với tư cách là một thể loại riêng biệt mà như một thành tạo của một quá trình chuyển đổi tư tưởng văn hóa từ một xã hội truyền thống phương Đông sang một xã hội hiện đại theo kiểu phương Tây. Tiểu thuyết hiểu theo nghĩa như vậy là sản phẩm của thời nay, “đối lập với tiểu thuyết thời xưa gồm tất cả các truyện hư cấu viết trước thế kỷ XX”.
Cũng theo giáo sư Trần Đình Sử, “Trong cuốn sách này bao gồm rất nhiều tư liệu quý báu, những tác phẩm ngày nay ít biết, những câu trích dẫn rất đắt, những nhận định thỏa đáng của người đương thời, tất nhiên cũng khó tránh có những nhận định chưa thỏa đáng đối với nhà văn và tác phẩm nào đó, khác hẳn với những nhận định hiện thời, nhưng ta không quên, đây là một tài liệu lịch sử, đã ra đời cách nay đã hơn 70 năm. Chính vì tầm quan trọng của đề tài tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, những khác biệt trong quan niệm của tác giả mà cuốn sách là một tài liệu tham khảo quý dành cho những ai muốn tìm hiểu tiểu thuyết Việt Nam và đông đảo bạn đọc.”
Giáo sư Bùi Xuân Bào là một học giả văn học và nhà giáo có ảnh hưởng lớn tại Việt Nam và Pháp. Sinh vào ngày 1/1/1916 tại Quảng Nam, ông đã được nuôi dưỡng trong một gia đình có nền tảng văn hóa vững chắc và xuất sắc đỗ đầu kỳ thi dành cho học sinh xuất sắc nhất toàn Đông Dương. Du học Pháp vào năm 1948, tại đây ông đã tiếp xúc và say mê với văn học Pháp, tiếp tục nghiên cứu và nuôi dưỡng đam mê với văn chương. Sau khi trở về Việt Nam, ông tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của văn học và giáo dục, trước khi trở lại Pháp và giữ chức Cố vấn Văn hóa tại Sứ quán Việt Nam ở Paris. Bằng sự liêm khiết và tận tâm với nghiên cứu văn học cũng như vai trò trong giáo dục và ngoại giao, Bùi Xuân Bào đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử văn hóa của Việt Nam và Pháp.