Thương nhớ đến vô cùng: từ Tiếng vọng hồn sông núi

(VOV5) - Tác giả Trương Hòa Bình hàng ngày gánh trách nhiệm với công việc bề bộn của một vị lãnh đạo trong chính phủ - Phó Thủ tướng thường trực; nhưng trong thế giới tinh thần ông vẫn giữ nét phong phú đầy sắc màu và trong sáng của mình. 

Thương nhớ đến vô cùng” là câu thơ rút trong tập thơ “Tiếng vọng hồn sông núi”.

Mạch tình cảm thương nhớ đó, đúng hơn là lý tưởng thẩm mỹ của tác giả xuyên suốt cả tập thơ như những mao mạch từ một nguồn động mạch chảy theo nhịp đập của một con tim tràn đầy tính nhân văn và khát vọng. Dường như bài thơ nào cũng nằm trong quỹ đạo thống nhất này, bất kể đó là một bài thơ về chủ đề quê hương, tình yêu hay huyền thoại. Tác gửi gắm, trang trải vào những vần thơ tiếng lòng sâu nặng của mình đối với mảnh đất Long An nói riêng, mở rộng ra là Tổ quốc Việt Nam muôn phần tươi đẹp, nhưng đầy gian truân và bão tố.

Thương nhớ đến vô cùng: từ Tiếng vọng hồn sông núi - ảnh 1

Nhà thơ Xô viết nổi tiếng Ilia Erenburg có viết rằng: “Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào đại trường giang Volga, sông Volga xuôi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu xóm làng quê, trở nên lòng yêu Tổ quốc”. Thước đo của tình yêu Tổ Quốc không phải là việc thể hiện một cách búa lớn, đao to về niềm tự hào núi cao, biển rộng, mà nó hiển hiện bằng tình cảm cụ thể, gần gũi nhất, đó là sự gắn bó với ruộng đồng, mái nhà tranh, ngõ xóm quê nhà, bạn bè, hương, những người thân yêu ruột thịt.

Tập thơ “Tiếng vọng hồn sông núi” chúng ta có thể gọi nó bằng một tên khác, đơn giản là “Tình yêu Tổ quốc Việt Nam”.

Trải dọc suốt tập thơ là những bài viết về những dòng sông. Chủ đề này dường như một phản xạ tự nhiên về mạch cảm xúc, bởi tác giả của nó sinh ra ở miền sông nước Nam Bộ. Những dòng sông gắn bó hữu cơ với cuộc sống thường ngày, những buồn vui từ thuở ấu thơ đến tuổi trưởng thành, như những chứng nhân đi suốt cuộc đời qua bao thăng trầm và biến cải không chỉ của riêng ông mà của cả mọi vùng quê đất nước. Trên chặng hành trình hàng mấy chục năm, bất cứ nơi nào, gặp những con sông, dù là miền Bắc, miền Trung, hay miền Nam, thậm chí ở nơi cách xa Tổ quốc hàng vạn dặm, trong lòng tác giả đều trỗi dậy một tình yêu tự nhiên và đằm thắm. Nhưng chắc chắn tình yêu lớn nhất, máu thịt nhất, tác giả dành cho dòng sông Vàm Cỏ, miền sông nước Long An, nơi ông đã sinh thành. Những câu thơ ông miêu tả vùng quê nghèo, giống như bức tranh vẽ nên làng quê đậm đà chất Nam Bộ, lời thơ như phong vị câu ca:

Quê tôi đất mặn đồng chua

Nước ròng nước lớn hai mùa nắng mưa

Ngày xưa làm ruộng một mùa

Cò bay thẳng cánh gió đùa lang thang

Sáng trăng vằng vặc không gian

Tiếng chày giã gạo nhịp nhàng vang xa

Sông Vàm Cỏ ánh trăng ngà

Con đò bến cũ đưa Qua sang bờ

Thương cho con Sáo bơ vơ

Qua sông Sáo đậu thẫn thờ Bậu ơi

Thuyền tình không bến chơi vơi

Thương hồ xuôi ngược cuộc đời lênh đênh  

Sóng xô con nước dập dềnh

Mải mê chèo chống bập bềnh uổng công

Anh đi em nhớ em mong

Thân cò lặn lội em trông anh về…

(Vàm Cỏ Phước đông miền Hạ Long An)

Hầu như nhà thơ nào ở Việt Nam cũng có một hoặc vài bài viết về con sông quê hương, ai cũng muốn gửi gắm vào đó kỷ niệm êm đềm của tuổi ấu thơ, của tình yêu đôi lứa; nhưng những dòng sông trong tập thơ “Tiếng vọng hồn sông núi” ngoài những nét chung ấy, còn bao quát cả một truyền thống đất Phương Nam, toát lên phong thái và văn hóa đặc sắc của người dân Nam Bộ. Cho dù không đọc tên bài thơ đi chăng nữa, nhưng qua hình ảnh được thể hiện trong những câu thơ đó, người đọc cũng hiểu ra rằng, đó là miền Nam, nó mang hồn của Đồ Chiểu, của Trương Định, của Nguyễn Trung Trực… quật cường, lẫm liệt.

Những dòng sông trong tập thơ “Tiếng vọng hồn sông núi” là dòng chảy của nguồn mạch tự nhiên, nhưng cũng là dòng chảy của suối nguồn yêu thương trong trẻo của tâm hồn tác giả. Sự chân thành, không lên gân cốt, không cường điệu, nhưng không hề thô mộc là những yếu tố chủ đạo đã dệt nên tấm tình chân chất, quê kiểng của người cầm bút.

Căn cứ theo ngày tháng, địa danh, biết rằng tác giả tập thơ đã đến rất nhiều miền quê Tổ quốc, mỗi một bài thơ của ông giống như những trang nhật ký hành trình. Những trang nhật ký đó không coi nặng về tháng ngày, sự kiện, những biến thiên thời sự hay những mảng miêu tả hoặc ghi chép ngổn ngang. Mà nó là nhật ký của những cung bậc tâm hồn. Khi tác giả viết về “Rừng núi trắng một màu -Hồn nhiên và trinh bạch”, là người đọc đã thấy trước mắt mình hình ảnh rất gợi cảm về bản Mường miền Tây Bắc:

Mùi hương xôi nếp đầy phong vị

Cá suối, cơm lam, tình chứa chan

Ánh lửa rừng khuya miền biên giới

Ché rượu liêu xiêu tim rộn ràng.

(Điện Biên mùa chớm thu)

Hơi thở ngất ngây của núi rừng, hương vị đậm đà của của cuộc sống sinh hoạt núi rừng nơi đây được thể hiện một cách thật tinh tế.

Cổ nhân nói rằng “Thi trung hữu họa”, trong thơ có họa, có những khổ thơ trong tập thơ, người đọc như được thưởng ngoạn cảnh trời mây, non nước, chẳng khác nào được xem một bức tranh sống động với hai bảng phối màu chủ đạo “trắng phau” và “xanh biếc” của vùng biển Đà Nẵng:

Sóng biển dập duềnh tung bọt nước

Xa xa thấp thoáng bóng con tàu

Lừng lẫy Hải Vân quan xanh biếc

Hòn Chỏ, Sơn Trà đá trắng phau

(Đà Nẵng đêm pháo hoa)

Phải chất chứa trong lòng một niềm tự hào và tình yêu đất nước đến nhường nào, thì mới có những câu thơ nặng tình như vậy, nó không phải là cái nhìn của du khách thoáng qua, hờ hững mà là kết quả của sự rung động đến thẳm sâu trong một trái tim đa cảm.

Có những bài thơ dẫn dắt người đọc đi từ sự thưởng lãm hội họa đến tư duy trí tuệ làm cho người đọc có cảm giác sau khi cảm nhận được bức tranh thiên tạo, lại đắm chìm vào miền suy tưởng. Bài thơ “Lên đỉnh Langbriang” có cái nhìn bao quát từ vị trí đỉnh cao như “khai môn kiến sơn” mở tầm mắt thấy hết chiều sâu rộng của thành phố, của làng mạc, của núi rừng, và như nhà phê bình văn học Nga V.G. Belinxi có nói giúp cho “sự thanh lọc cả tâm hồn”:

Linh Sơn cổ tự như vang vọng

Tiếng mõ cầu kinh bóng tịch tà

Giọt còn đọng lại trên thềm vắng

Gió lạnh mùa sương lãng đãng xa

Điểm theo ngày tháng được đề trên tập thơ, ta thấy rằng, cuộc hành trình của tác giả có thể ví là “trên từng cây số”, dọc theo chiều dài đất nước cũng như ở nước ngoài. Rất nhiều địa danh, nhiều tỉnh thành khắp cả nước đều có mặt trong tập thơ với sự miêu tả rất đặc sắc. Những bài thơ đều được viết ra như do “kiến cảnh, sinh tình” được bắt nguồn từ những nguồn cảm hứng bất chợt dâng trào và say đắm. Tác giả giống như một Đại sứ của thiên nhiên, đi nhiều nơi, mang theo tình yêu vẻ đẹp, trân trọng những gì tạo hóa ban cho trái đất này. Vì thế đằng sau những câu thơ mượt mà vẽ nên những bức tranh thủy mạc, là thông điệp cháy bỏng về lẽ sống, tình yêu và hòa bình. “Shanggri la” là một trong những bài thơ rất đẹp, trong trẻo và tinh khiết nhất, nó hòa hợp cả khối không gian ba chiều làm một, giữa đất, trời và tác giả; có đủ đầy âm thanh, sắc hương và nắng gió:

Trên ngàn đảo Philippines trầm mặc

Nơi đây Boracay bình minh

Trong vườn ai rộn rã tiếng chim

Những giọt sương mai long lanh trên lá

Sóng cất tiếng thì thầm cùng biển cả

Lời tự tình cho những nụ hôn

Bờ cát trắng mịn màng ôm ấp

Bàn chân em bước nhẹ

Gió vẫn hát giữa nắng vàng thơm ngát

Mùi hương nào lan tỏa không gian

Ngày Xuân mới mặt trời trưa lặng lẽ

Ru anh vào giấc ngủ khơi vơi

Rồi hoàng hôn tím ngát chân trời

Không thể liệt kê hết những khổ thơ hay, những dòng thơ ấn tượng trong cả tập thơ, bởi vì nếu dừng lại suy ngẫm, thưởng thức giống như trong trà đạo, sau vị đắng chát, lạ thường  khi đọng lại, người sành điệu sẽ cảm nhận ra vị ngọt và hấp dẫn của mỗi mỗi thứ danh trà.

Điều làm ngạc nhiên và hấp dẫn đối với độc giả là trong tập thơ “Tiếng vọng hồn sông núi” có khá nhiều bản trường ca lịch sử và huyền sử được viết ra bởi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chiều dọc tư duy người viết sử và chiều ngang tâm hồn một thi nhân. Trong suốt gần ba thế kỷ qua, rất nhiều truyện thơ nôm được truyền tụng, gắn liền với tiến trình phát triển văn học và chữ viết của dân tộc như “Nhị độ mai”,“Phạm Tải Ngọc Hoa”, “Tổng Trân Cúc Hoa”, “Thạch Sanh”,  “Sơ kính tân trang”… và các truyền thuyết dân gian như “Nàng Tô thị”, “Chàng Lía”…Những tác phẩm đó có sức sống bất chấp thời gian, tồn tại trong dân gian như một dòng chảy tự nhiên suốt từ Bắc chí Nam.

Trong tập thơ “Tiếng vọng hồn sông núi” đã có gần chục bài được viết dựa trên những truyền thuyết tương tự, hay những câu chuyện cổ tích vùng miền mà tác giả nghiên cứu hoặc sưu tầm. Những bài về Hòn Vọng Phu, Trương Chi, Thác Bản Giốc, Nguyễn Hữu Cảnh, Hoa Dã quỳ, Suối cá thần…, tác giả đã vượt qua sự tường thuật, tự sự thông thường, phổ vào đó chất thơ truyền cảm, mang tính sáng tạo và dấu ấn phong cách của mình.

Tác giả không dễ dãi với mình khi khai thác đề tài lịch sử, trung thành với những huyền thoại đã ăn sâu vào trong tiềm thức dân tộc, không hư cấu một cách chủ quan, nên công chúng độc giả nhiều lứa tuổi, nhiều vùng miền dễ tiếp nhận.

Về thiên diễm tình Trương Chi – Mị Nương, từ xưa tới nay có nhiều nhà thơ đã viết lại trên cơ sở cốt truyện đó dưới lăng kính chủ quan của mình, và cũng đã có nhiều bản nhạc được thể hiện bằng thể loại cải lương, chèo, tuồng, thậm chí có nhiều bức vẽ minh họa rất sinh động. Tác giả “Tiếng vọng hồn sông núi” cũng đã mạnh dạn, nói đúng hơn là dũng cảm,viết lại bằng bút pháp trữ tình của riêng mình, không hề làm biến dạng cốt truyện và bố cục, cũng không dẫm lại vết chân người đi trước. Những câu thơ diễn tả cảnh sầu vắng, cô quạnh của Mị Nương trong đêm nghe tiếng sáo của Trương Chi được viết bẳng thể lục bát mang hơi thở của dòng thơ Nôm trong quá khứ:

Cấm cung nàng ở một mình

Đêm khuya giấc mộng hương trinh ngọt ngào

Bỗng nghe tiếng hát vút cao

Hoà trong tiếng sáo đưa vào lầu Tây

Cung sầu ai oán đường mây

Cung thương trầm bổng gió lay lạnh lùng

Lời ca đứt ruột não nùng

Mơ ngày mai buổi tương phùng được chăng

Một niềm ao ước gối chăn

Tơ duyên giấc mộng xích thằng se dây

Biết ai tâm sự giãi bày

Để thương để nhớ tháng ngày nỉ non…

Từ cổ chí kim, thơ ca dù cho viết về thiên nhiên, vạn vật, đến cả tôn giáo, pháp quyền, chung quy cũng chỉ viết về con người, về nhân thế. Người đọc soi thấy trong “ý tại ngôn ngoại” của thi ca, đặng tìm ra triết lý nhân sinh, hiểu được tấm lòng bác ái và lý tưởng cao cả hướng tới việc giải phóng con người. Những bài thơ dù trau chuốt, đúng niêm luật, vần điệu đến đâu mà đứng ngoài nỗi thống khổ của con người, không cùng đập nhịp với nhân quần, không phản ánh được tâm tư, khát vọng của con người thì chắc chắn rằng, nó sẽ trở nên vô nghĩa, sẽ nhanh chóng thui chột và bị độc giả quay lưng. Có thể lấy câu thơ sau đây của nhà thơ Chế Lan Viên như là một tuyên ngôn, định hướng đối với nhà thơ:

Nếu nhà thơ không cao, không lý tưởng

Không như vầng trăng nhìn ngắm bởi trăm nhà

Mà chỉ là ngọn khói phất phơ trên mái xám

Thì nhà thơ ơi, ai cần anh nữa

Khách qua đường sẽ bỏ đi qua

 

Cuộc sống đánh vào thơ anh trăm nghìn lớp sóng

Chớ trong phòng ngăn bọt bể anh ơi

Tâm hồn anh là của đời một nửa

Một nửa kia, lại cũng của đời.

Với tác giả của tập thơ: “Tiếng vọng hồn sông núi” trăm nghìn lớp sóng của cuộc sống thường ngày vẫn không nguôi dội vào những câu thơ viết về nỗi gian truân của người lao động, về niềm vui hạnh phúc, về tình yêu của con người. Từ đầu đến cuối tập thơ, dù trong những bài thơ vịnh cảnh, hay trong các câu chuyện, truyền thuyết, và nhất là trong những bài thơ tình, tình yêu đôi lứa, tình yêu con người luôn hiện ra khi thì cận cảnh, khi thì xa xôi, khi thì mờ ảo, nhưng bao giờ cũng đẹp và cũng đáng trân trọng. Tác giả phổ vào trong đó nhịp đập của trái tim mình, nói hộ niềm khát khao cho lứa tuổi thanh xuân trong sáng và đầy nhiệt huyết. Những câu thơ viết về tình yêu trong tập thơ không hề bợn chút nào ủy mị, kể cả khi viết về sự chia lìa, mất mát, vì thế nó luôn ấp áp và tỏa sáng niềm lạc quan hy vọng.

Có những khổ thơ không một chút tô điểm màu mè, công thức hay khẩu hiệu, nhưng  nó bênh vực tình cảm tự nhiên của con người, tạo nên yếu tố biện minh hiện thực, cao hơn mọi barie nhân danh đạo đức:

Em ngồi cạnh bên tôi

Mái tóc em mượt mà

Bờ vai gầy thon thả

Đêm rừng khuya yên ả

Lắng đọng vị ngọt ngào

Hương thơm người con gái

Hơi thở nhẹ nhàng sao

Hình như là gấp gáp

Hình như ngọn lửa hồng

Tại sao phải cầm lòng

Khi tạo hoá cho ta

Niềm đam mê cháy bỏng

(Chuyện ngày xửa ngày xưa)

Vị men say của một chữ Tình có mặt trong suốt hàng chục bài thơ, tạo thành một mạch ngầm về chủ đề, không lẫn vào ai khác.

Cũng cần phải nói thêm rằng, trong tập thơ Tiếng vọng hồn sông núi, thể lục bát được vận dụng nhiều nhất, như là một sở trường của tác giả. Tác giả đã dường như góp phần tôn vinh sự uyển chuyển, mượt mà như những lời ru, điệu hò cho ca dao Nam Bộ truyền thống:

          Trời xanh xanh thẳm khôn cùng
          Một lời xa cách vạn trùng vẫn nghe
          Ai ơi biển lúa hồn quê
          Đất trời trải rộng nhớ về Long An
          Một vùng Đồng Tháp minh mang
          Quê hương miền thượng gió ngàn nắng hanh

                              (Láng Sen – Miền thượng)

Nhưng nhiều khi do mạch cảm hứng đẩy lên cao trào, không thể dừng lại được, như “một chú ngựa hoang” (Exenhin) trên đồng cỏ, tác giả đã phóng túng trong việc thả thơ, nên dung lượng, nhất là những bài mang sắc thái trường ca, đi sâu quá nhiều vào chi tiết nên hơi bị dàn trải. Đó cũng là căn bệnh phổ biến của những người làm thơ có niềm say mê, hứng khởi mãnh liệt mà người ta gọi là cảm hứng thánh thần.

Tôi được biết rằng, tác giả coi thơ như là một thứ nhật ký tâm hồn sau một ngày công việc bạn rộn, đầy áp lực, sáng tác để ngâm ngợi, vui thú, gửi gắm tâm sự của mình tới bạn bè, tri kỷ; chứ không phải sáng tác để đăng đàn hay xuất bản, nên trong tập thơ có một số bài dường như thiếu vắng sự trau chuốt, cắt gọt mài giũa kỹ lưỡng. Mặc dù vậy, những lời thơ vẫn có cái đẹp mộc mạc tự nhiên, còn cấu tứ của bài thơ vẫn không vì thế  mà thiếu chặt chẽ và rời rạc.

Ranh giới giữa ba phần Dặm đường thiên lý, Linh thiêng Việt Nam và Những ngọn gió đam mê trong tập thơ được phân chia dường như rất mong manh, bởi cả ba phần trong tập thơ là một thể thống nhất, sự sắp xếp chỉ như những mảng màu liên kết hữu cơ trong một bức tranh vậy.

Trước khi tập thơ “Tiếng vọng hồn sông núi” được in ra, tôi có gửi bản thảo cho một bạn thơ đọc, nhưng không cho biết tên tác giả. Tôi chỉ nói với anh rằng, tập thơ này là kết quả của một quá trình lao động nghệ thuật đầy sáng tạo nguồn cảm hứng say mê và không mệt mỏi của một tín đồ thi ca.

Sau khi đọc xong tập thơ, anh điện thoại cho tôi rằng, chắc tác giả cũng là đồng nghiệp của tôi trong Hội Nhà Văn Việt Nam, chỉ có điều chắc chắn, tác giả là dân Nam Bộ.

Thương nhớ đến vô cùng: từ Tiếng vọng hồn sông núi - ảnh 2

Tôi trịnh trọng cho anh biết, tác giả là Ông Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam. Lặng đi một hồi, anh ta mới thốt lên: “Tôi ngạc nhiên quá!”

Anh ta cũng như tôi và công chúng độc giả, cầm tập thơ này cũng sẽ rất ngạc nhiên khi biết tác giả tập thơ “Tiếng vọng hồn sông núi” là một chính khách, một người được đào tạo chuyên ngành khoa học kỹ thuật và luật học, không hề được đào luyện về văn chương, thi phú. Nhưng kiến thức văn học, nghệ thuật là tặng vật thiêng liêng mà tạo hóa ban cho những ai có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, có lòng nhân ái và phụng thờ cái đẹp, mà người đời gọi đó là tài năng bẩm sinh. Tác giả tập thơ là một người như vậy!

Có thể hình dung ra con người tác giả Trương Hòa Bình giống như một tờ giấy có hai trang, một trang là cuộc sống với công việc bề bộn hàng ngày của một vị lãnh đạo trong chính phủ; còn một trang khác là thế giới tinh thần phong phú đầy sắc màu và trong sáng của ông.

Tập thơ “Tiếng vọng hồn sông núi” tựa như một tấm gương soi phản chiếu thế giới tinh thần thanh cao đó.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác