(VOV5) - Thêm tuổi, nỗi nhớ nhà quê ở đâu không biết bỗng nhiên xuất hiện. Mới đầu tưởng chỉ là vu vơ bất chợt. Càng thêm tuổi, hóa ra chẳng có gì là vu vơ bất chợt cả.
Nghe âm thanh tản văn tại đây qua giọng đọc PTV Thành Tuấn:
Ảnh: FP xomnhiepanh |
Tôi không sinh ở nông thôn. Mẹ tôi cũng không là nông dân.
Vậy mà tôi thấm đẫm đất đai, cây cỏ, ruộng vườn.
Trong máu mỗi người dân xứ mình, hình như đều có một người nhà quê?
Người nhà quê hay bị dè bỉu. Nhưng nếu người thành phố có một chút ký ức nhà quê, thì lại là niềm tự hào to lớn, để lâu lâu mang chút hiểu biết mọn về nhà quê ấy ra huyênh hoang, và hơn hớn khi được bạn bè kết cho một câu: “mày thật ma mọi, cái gì cũng biết!”.
Bạn tôi từ giã mảnh vườn quê, ra thành phố cưới vợ lập nghiệp. Nỗi nhớ quê mênh mông không dám thổ lộ với vợ và hai cô con gái nhỏ sinh ra, lớn lên giữa thành phố. Chỉ dám nhỏ to với bạn bè rằng tao muốn lắm, ra ngoại ô, tậu một khoanh đất, dựng một ngôi nhà, trồng những cái cây, thỉnh thoảng cuối tuần về đó nằm dài mà thương nhớ nhà quê...
Bạn tôi nữa, anh dũng hơn, không lo vợ sợ con, nối dài nhà mình hôm nay thêm một tí đất, ngày mai thêm một mảnh ruộng, ngày kia thêm một bờ suối, ngày kìa thêm một mặt ao... Không biết bạn có dừng lại ở đó không, hay tới khi không nối thêm được nữa vào ngôi nhà ven phố ấy, bạn sẽ tìm hẳn một chốn quê để thỏa sức với đất đai cây cỏ?
Lại bạn tôi nữa, về hẳn quê dựng nhà lập ấp sau bao nhiêu năm lang bạt qua bao xứ người, thỏa mãn với đêm đêm nghe tiếng ễnh ương bìa nhà, muỗi mòng vần vũ chui qua cửa sổ, một đôi khóm hoa luyênh loang đưa hương...
Thêm tuổi, nỗi nhớ nhà quê ở đâu không biết bỗng nhiên xuất hiện. Mới đầu tưởng chỉ là vu vơ bất chợt. Càng thêm tuổi, hóa ra chẳng có gì là vu vơ bất chợt cả.
Nhà quê giải thoát cho căn bệnh sợ không gian hẹp ở thành phố. Những luồng xe đan vào nhau trôi như sông người. Những gương mặt đăm chiêu căng thẳng vội vã. Những cửa hàng cửa hiệu san sát phô bày sự hào nhoáng làm mụ mị đầu óc. Những khoảng nắng chói chang nghi ngút hơi nóng bốc thành khói nhiễu loạn. Những nhu cầu không giới hạn.
Nhà quê thật sự bây giờ, nhiều nơi cũng không hẳn còn là nhà quê như trong hồi ức của bao người. Nhưng khi nghĩ về nhà quê, bao giờ cũng hiện lên sự trong trẻo mát lành, ngọt ngào, tinh khiết và khoáng đạt. Nơi có thể bốc lên mùi đất ẩm sau mưa. Nơi có thể thấy trăng mỏng mảnh treo trên đầu ngọn cỏ. Nơi có đàn chuồn chuồn ngô lao vùn vụt trên đường làng. Nơi có vài làn khói neo lên trời chiều nâu nhạt bao nhiêu là thương nhớ... Một cảm giác êm đềm nhè nhẹ không thể diễn tả, mà bình yên, mà bâng khuâng...
Lâu lâu không rời khỏi thành phố là người như lên cơn sốt, hầm hập, bứt rứt. Một sớm ở nơi xa xôi như cùng trời cuối đất, bước chân ra đường ngắm núi đồi và thảo nguyên, gặp hai mẹ con người Mông cắm cúi xuống chợ. Mẹ đi trước, con nhỏ riu ríu chạy gằn theo sau. Bất giác thèm niềm vui đơn sơ nở bừng trên những gương mặt ấy.
Và tự thấy lạ cho mình.
Ở chốn nhà quê thưa người ấy, người ta đi chợ để tìm nhau, để được chen vai thích cánh, được thấy người, được thấy mình giữa những con người. Còn người thành phố lại nhoai về nhà quê, để được đứng một mình, để được có cái cảm giác đơn côi nhỏ nhoi. Thế nên mới có chuyện một người không sinh ra ở nhà quê, không nhận mình là người nhà quê, vui sướng khi ra đường vào ngày thành phố vắng tanh vì người người đã về quê đón lễ, mừng rỡ kêu thành tiếng: Hà Nội đẹp nhất là ngày này.
Trong sâu thẳm, có phải mỗi con người là một khối cô đơn? Có nhu cầu cô đơn?
Ít tuổi, lao ra thành phố, tìm chốn đông người. Nhiều tuổi, quay đầu bước ngược. Bật cười. Hay khi mình bắt đầu nỗi nhớ nhà quê, là mình đã già!