(VOV5) - “Vũ trụ điện ảnh Nguyễn Nhật Ánh” cũng là cụm từ được các nhà làm phim nhắc đến với sự hào hứng, hé mở khả năng ra đời những bộ phim tiếp theo...
Nghe âm thanh bài tại đây:
Bắt đầu từ 2015 đến nay, điện ảnh nước nhà đã có 5 phim truyện được sản xuất từ nguyên tác của Nguyễn Nhật Ánh – một tên tuổi ăn khách của dòng văn học dành cho tuổi mới lớn. Đó là các phim: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (2015), “Cô gái đến từ hôm qua” (2017), “Mắt biếc” (2019). Riêng trong năm 2024 có 2 tác phẩm ra rạp, đó là “Ngày xưa có một chuyện tình” và “Kính vạn hoa: Bắt đền con ma”.
“Vũ trụ điện ảnh Nguyễn Nhật Ánh” cũng là cụm từ được các nhà làm phim nhắc đến với sự hào hứng, hé mở khả năng ra đời những bộ phim tiếp theo, hay một dòng phim chuyển thể từ văn xuôi Nguyễn Nhật Ánh. Song thực tế “vũ trụ” này có còn sức hút?
Năm 2024, điện ảnh Việt có hai tác phẩm phim truyện được chuyển thể dựa theo truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: “Ngày xưa có một chuyện tình” và “Kính vạn hoa: Bắt đền con ma”. Ê kíp làm phim, từ nhà sản xuất, đạo diễn đến diễn viên đều là những gương mặt trẻ trung, tài năng, có nhiều kinh nghiệm với dòng phim thương mại. Nếu các phim này thành công về doanh thu phòng vé chắc chắn sẽ nối dài “Vũ trụ điện ảnh Nguyễn Nhật Ánh” qua việc đàm phán với tác giả văn học để cho ra đời những kịch bản mới, những bộ phim mới.
Cảnh trong phim "Kính vạn hoa Bắt đền con ma" của đạo diễn Võ Thanh Hòa |
Ngay cách đặt tên phim “Kính vạn hoa: Bắt đền con ma” cũng là một ngụ ý về loạt phim chuyển thể từ bộ truyện Kính vạn hoa từng làm mê đắm bao thế hệ độc giả nhỏ. Điều này cũng không lạ, bởi thế giới đã có nhiều loạt phim đình đám chuyển thể từ tác phẩm văn học, mà Harry Potter là một dẫn chứng điển hình.
Nếu “Kính vạn hoa: Bắt đền con ma” thành công về doanh thu sẽ khơi nguồn cho các phần tiếp theo. Và biết đâu sẽ có một “tiểu vũ trụ” Kính vạn hoa trong lòng Vũ trụ điện ảnh Nguyễn Nhật Ánh, với những tác phẩm, sản phẩm phái sinh. Điều này vốn rất phổ biến trên thế giới. Thành công từ truyện đến phim đã đưa hình ảnh Harry Potter đến các lĩnh vực khác: truyện tranh, trò chơi điện tử, đồ lưu niệm, thời trang, du lịch… Một hệ sinh thái được xây dựng từ văn học, điện ảnh vẫn là điều mà những người làm công nghiệp văn hóa nước ta mong chờ.
Thời điểm “Kính vạn hoa: Bắt đền con ma” ra rạp, cũng có rất nhiều chờ mong. Bởi truyện dài “Kính vạn hoa” vốn là tác phẩm lớn nhất, được biết đến nhiều nhất, là nền tảng của thương hiệu Nguyễn Nhật Ánh. “Kính vạn hoa: Bắt đền con ma” lại là phim điện ảnh đầu tiên được triển khai từ nền tảng này, cầm trịch là đạo diễn, nhà sản xuất Võ Thanh Hòa, gương mặt trẻ tài năng gắn với nhiều phim thị trường đoạt doanh thu cao phòng vé như “Chị Mười Ba: ba ngày sinh tử”, “Chìa khóa trăm tỷ”, “Nghề siêu dễ”, “Siêu lừa gặp siêu lầy”. Chất hài hước vui nhộn cùng khả năng nắm bắt thị trường của Võ Thanh Hòa thể hiện qua các tác phẩm này đem đến niềm tin về triển vọng phòng vé của “Kính vạn hoa: Bắt đền con ma”. Trong các lần trả lời phỏng vấn báo chí, bản thân Võ Thanh Hòa cũng xác định làm phim hoàn toàn vô tư, vì tình yêu với những trang văn Nguyễn Nhật Ánh từ khi còn nhỏ.
Ra rạp vào dịp Noel và Tết dương lịch 2025, nhưng trong ba ngày đầu và cả tuần tiếp theo, “Kính vạn hoa: Bắt đền con ma” đã không đạt được như kỳ vọng của khán giả và nhà sản xuất cùng giới làm phim. Những nhận xét không mấy tích cực từ phía cộng đồng mạng đã ảnh hưởng nhiều tới số vé bán ra. Đạo diễn nhà sản xuất Võ Thanh Hòa phải lên facebook than thở về tình trạng hàng loạt bình luận tiêu cực tràn vào trang cá nhân của anh, tiếp đó anh phải khóa facebook một thời gian. Gần Tết nguyên đán, “Kính vạn hoa: Bắt đền con ma” lặng lẽ rời rạp với doanh thu vỏn vẹn hơn 6 tỉ đồng. Lá bài chốt sổ, kỳ vọng của điện ảnh Việt năm 2024, tác phẩm thứ 5 trong Vũ trụ điện ảnh Nguyễn Nhật Ánh đã được lật lên như thế.
Trước đó, vào cuối tháng 10 năm 2024, phim truyện “Ngày xưa có một chuyện tình” cũng chiếm lĩnh sự quan tâm của thị trường điện ảnh. Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cho biết anh và ê kíp toàn tâm toàn ý, cố gắng làm mới những chi tiết đã quen trong tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh.
Poster phim "Ngày xưa có một chuyện tình", chuyển thể từ truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh. |
Một tác phẩm với lí lịch đẹp từ nguyên tác đến nhà sản xuất, đạo diễn, dàn diễn viên, bối cảnh phim, lại được củng cố thêm vị trí trong Liên quan phim quốc tế Hà Nội lần thứ 7. Song dù có cố gắng nỗ lực thế nào trong công tác truyền thông thì “Ngày xưa có một chuyện tình” cũng chỉ thu được 45 tỉ đồng, con số rất khiêm tốn so với kỳ vọng.
Tác phẩm văn học của Nguyễn Nhật Ánh vẫn được phát hành mỗi lần hàng chục nghìn bản – con số trong mơ đối với các nhà văn Việt Nam. Nguyễn Nhật Ánh vẫn là tên tuổi “hot” của dòng văn học thiếu nhi và tuổi mới lớn nước ta.
Sự thất bại về doanh thu của hai phim điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh nói lên điều gì? Vấn đề nằm ở chất lượng phim ư? Hay khán giả không còn mặn mà với “vũ trụ” này, với mô –típ quen thuộc về những cuộc tình tay ba, những cảm xúc nhẹ nhàng như gió thoảng mà khiến lòng mãi bâng khuâng? Có rất nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan được chỉ ra khi mổ xẻ một bộ phim không thành công về doanh thu.
Và một điều chắc chắn rằng: “Vũ trụ điện ảnh Nguyễn Nhật Ánh” sẽ tạm dừng lại ở con số 5 phim truyện này. Nếu tiếp tục sẽ cần một thời gian, ít nhất là vài năm nữa. Và tất nhiên, với mức độ chọn lọc khác.