(VOV5) - Hệ giá trị văn học nghệ thuật là hệ thống các giá trị tư tưởng và nghệ thuật kết tinh trong các tác phẩm văn học nghệ thuật.
Văn học nghệ thuật là tinh hoa của văn hóa, là lĩnh vực phong phú và nhạy cảm của văn hóa. Trong thời kỳ mới, ngành văn hóa xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam theo hướng truyền thống và hiện đại.
Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Hồng Huệ:
Văn học nghệ thuật là hồn cốt của dân tộc, bởi đó là vẻ đẹp tinh thần, là cách sống, ứng xử của một dân tộc. Hệ giá trị văn học nghệ thuật là hệ thống các giá trị tư tưởng và nghệ thuật kết tinh trong các tác phẩm văn học nghệ thuật có tác dụng trực tiếp bồi dưỡng tâm hồn, trí tuệ, bản lĩnh, nhân cách cho sự phát triển toàn điện của con người. Hệ giá trị của văn học nghệ thuật gồm 10 giá trị (phản ánh hiện thực, sáng tạo, nhân văn, dân tộc, nhận thức, thỏa mãn khát vọng về cái đẹp, giải trí, dự báo, bảo lưu, giao tiếp). Đội ngũ lý luận phê bình văn học, nghệ thuật có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ giá trị văn học nghệ thuật.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Ảnh: Hoàng Phong |
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nhấn mạnh: “Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tiếp tục giữ gìn, phát huy, truyền thụ, tỏa sáng cho thế hệ đàn em và thế hệ con cháu sau này, nhất là việc truyền lửa cho thế hệ trẻ tiếp nối hoạt động trên lĩnh vực lý luận phê bình văn học, với tinh thần vừa là tính chiến đấu vừa là tính nhân văn, vừa là đồng hành với những gì tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời cũng phải kiên quyết với những quan điểm trái với văn hóa phẩm chất đạo đức của con người Việt Nam.”
Trên bình diện văn học, nghệ thuật, các phạm trù “Chân - Thiện - Mỹ” càng được xem là hệ giá trị truyền thống chi phối cả tiến trình vận động và phát triển của văn hóa và văn học, nghệ thuật.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, việc xây dựng hệ giá trị của văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay không chỉ có ý nghĩa với đời sống văn học, nghệ thuật mà còn góp phần phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước: “Trong hệ giá trị văn hóa nói chung, hệ giá trị văn học nghệ thuật là một lĩnh vực rất quan trọng và đặc biệt tinh tế của hệ giá trị văn hóa được xây dựng từ nền văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc. Trong mỗi thời kỳ, hệ giá trị văn hóa, văn học có thêm những giá trị mới, những nội hàm mới. Văn học, nghệ thuật thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Văn học, nghệ thuật Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế phải phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ. Phấn đấu sáng tác nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có tác dụng to lớn xây dựng con người. Yêu cầu lớn nhất của văn học nghệ thuật là phản ánh đời sống đất nước, nhân dân, con người.”
Giá trị của tác phẩm văn học nghệ thuật được đánh giá bằng chiều cao của lý tưởng xã hội thẩm mỹ và chất lượng của hình tượng nghệ thuật mà người nghệ sĩ thể hiện. Văn học nghệ thuật tác động đến công chúng theo hướng xây dựng con người phát triển toàn diện từ thể chất tâm hồn, nhân cách, đạo đức, đến trí tuệ, năng lực sáng tạo, từ trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân đến ý thức tuân thủ pháp luật.
Nghệ sĩ Nhân dân, Đạo diễn Đặng Nhật Minh. Ảnh: VOV |
Nghệ sĩ Nhân dân, Đạo diễn Đặng Nhật Minh, cho rằng: “Nên xác định từng loại hình nghệ thuật một hệ giá trị riêng, không gộp chung vào một hệ giá trị chung. Ví dụ như là hệ giá trị của sân khấu, hội họa âm nhạc, điện ảnh… mỗi một bộ môn nghệ thuật phải có một hệ giá trị riêng và phải được cụ thể hóa bằng lý luận cũng như kết hợp với các hội đã định hình hình thành nên những hệ giá trị riêng cho từng bộ môn nghệ thuật.”
Bản chất của văn học nghệ thuật là “hướng thiện”. Tác phẩm văn học nghệ thuật hướng con người đến với cái cao thượng, tốt đẹp. Văn học nghệ thuật kiến tạo đạo đức, đề cao lòng trắc ẩn, tình thương yêu, lòng vị tha, bênh vực lẽ phải, bênh vực kẻ yếu, làm cho con người gần gũi với con người. Cho nên xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay là mục tiêu của cộng đồng, nhất là của giới văn học, nghệ thuật.
Giáo sư Hồ Sĩ Quý, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cho biết: “Xác định hệ giá trị văn học nghệ thuật làm sao để tìm ra những giá trị định hướng dẫn dắt nghệ sĩ có tác phẩm hay và giới nghệ sĩ càng ngày càng có nhiều người tài ba đóng góp cho nghệ thuật được nhiều nhất. Mỗi nghệ sĩ cũng như mỗi tác phẩm sáng tác mục đích là phục vụ nhân dân và Tổ quốc.”
Đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới, văn học nghệ thuật Việt Nam phải phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn; tôn trọng, kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống, bản sắc dân tộc, đồng thời tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại. Có như vậy mới xây dựng được hệ giá trị văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.