(VOV5) - Các quy định của pháp luật quốc tế và Việt Nam để hỗ trợ doanh nghiệp lựa chọn phương thức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả.
Quang cảnh hội thảo
|
Sáng 5/7, tại Hà Nội, diễn ra hội thảo Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu cho doanh nghiệp Việt Nam.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do chất lượng cao, việc cạnh tranh ngày càng quyết liệt, trong đó có các yếu tố liên quan đến các cam kết về sở hữu trí tuệ, bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu. Các quy định của pháp luật quốc tế và Việt Nam về bảo hộ Kiểu dáng công nghiệp và Nhãn hiệu dành cho các doanh nghiệp Việt Nam để hỗ trợ doanh nghiệp lựa chọn phương thức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả nhằm duy trì và phát triển doanh nghiệp ngày càng vững mạnh.
Ông Nguyễn Xuân An, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần quốc tế OJ Việt Nam, cho biết: "Do các doanh nghiệp của Việt Nam ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, do đó vấn đề về thương mại hóa về sản phẩm chưa được nhiều, các kênh tiêu thụ còn là vấn đề hạn chế khi không tìm được các kênh tiêu thụ mà chủ yếu tiêu thụ theo con đường thương lái. Do đó các doanh nghiệp thường không chú ý đến việc xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp ngay từ ban đầu”.
Việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu cho doanh nghiệp là yêu cầu song hành với việc mở rộng thị trường của các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp có vai trò quan trọng trong tiếp thị thành công một loạt sản phẩm, giúp xác định hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp, đây cũng là nhân tố chính trong chiến lược tiếp thị của doanh nghiệp.
Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng, Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam, khuyến nghị: “Hiện nay, một số hệ thống đăng ký quốc tế được thiết lập nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu và đối với kiểu dáng công nghiệp. Việc đăng ký này được đăng ký ở nước ngoài một cách đơn giản dễ dàng, giảm thời gian, chi phí. Việc nắm vững được cách vận hành của các hệ thống quốc tế để từ đó sử dụng thành thạo và hiệu quả các hệ thống này bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu của doanh nghiệp ở nước ngoài là điều các doanh nghiệp nên làm”.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu và các doanh nghiệp được chia sẻ về kinh nghiệm làm thế nào để bảo hộ tài sản có giá trị về logo và tên sản phẩm của doanh nghiệp khi mở rộng kinh doanh ra nước ngoài bằng hệ thống Madrid của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và những giải pháp quản lý nhãn hiệu toàn diện.