Quốc hội thảo luận ở tổ về ba dự án Luật
Ngọc Anh -  
(VOV5) - Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 13, ngày 6/6, các đại biểu thảo luận về ba dự án Luật là Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực và Dự án luật hợp tác xã (sửa đổi).
Chiều 6/6, các đại biểu thảo luận ở tổ về Dự án Luật hợp tác xã (sửa đổi). Phát triển hợp tác xã là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước; nhằm đưa khu vực hợp tác xã nói riêng và thành phần kinh tế tập thể nói chung phát triển rộng khắp và có vị trí quan trọng trong nền kinh tế đất nước. Các ý kiến đều khẳng định bản chất của hợp tác xã khác biệt với doanh nghiệp ở mục tiêu thành lập, quan hệ sở hữu, quan hệ kinh tế... Một số ý kiến đề nghị phải làm rõ mô hình tổ chức hợp tác xã kiểu mới so với hợp tác xã kiểu cũ. Theo đó, mô hình tổ chức hợp tác xã kiểu mới là tổ chức do các thành viên tự nguyện hợp tác nhằm tương trợ lẫn nhau, đáp ứng nhu cầu chung về sản phẩm, dịch vụ cho chính mình.
Ông Lê Đắc Lâm, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, góp ý: “So với doanh nghiệp, hợp tác xã không hơn doanh nghiệp về kinh tế nhưng hiệu quả xã hội hợp tác xã rất lớn như giải quyết việc làm lao động, đào tạo nghề…Tôi thấy nên cho hợp tác xã có quyền tự quyết định việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra thị trường. Tôi đồng ý phải có chính sách ưu đãi thuế cho hợp tác xã, đặc biệt ở một số địa bàn khó khăn như vùng nông nghiệp, nông thôn, dân tộc, miền núi.
|
Phát triển mô hình Hợp tác xã thủy sản trong xây dựng nông thôn mới (Ảnh: Interrnet) |
Trước đó, sáng cùng ngày, thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư hầu hết các ý kiến cho rằng không nên cho phép viên chức hành nghề luật sư bởi điều này có thể ảnh hưởng đến tính khách quan của hoạt động luật sư và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đa số các ý kiến đề nghị tăng thời gian quy định đào tạo nghề luật sư từ 6 tháng lên 12 tháng. Bà Trần Thị Hoa Sinh, đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, đề xuất: “Luật sư trong tình hình hiện nay phải được nâng lên cả về trình độ và năng lực. Bào chữa các vụ kiện, vụ án quốc tế luật sư chúng ta chưa đủ điều kiện tham gia các vụ án lớn như vậy. Có một số nội dung trong Luật năm 2006 không còn phù hợp trong luật mà cần phải sửa đổi, bổ sung, một là mở rộng quyền cho luật sư, thứ hai nữa là mở rộng mô hình, tổ chức của luật sư.”
|
Chính phủ và Trung ương cần hỗ trợ các vùng chưa có điện lưới quốc gia (Ảnh minh họa) |
Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực, đa số các ý kiến cho rằng ngành điện hiện nay vẫn còn độc quyền. Ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, là những nơi chưa có điện lưới quốc gia, việc quy định Ủy ban nhân dân các tỉnh quyết định giá điện trên nguyên tắc bù đắp đủ chi phí có lợi nhuận hợp lý cho đơn vị điện lực là rất khó khăn cho các tỉnh. Điều này cần phải sửa đổi theo hướng Chính phủ và Trung ương hỗ trợ các vùng chưa có điện lưới quốc gia.
Ông Nguyễn Long Bình, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, nêu ý kiến: “Tôi thấy việc quy hoạch phát triển điện lực phải gắn kết, phục phát triển kinh tế-xã hội. Thời gian quy hoạch là 10 năm và có định hướng cho 10 năm tiếp theo tôi là phù hợp vì 5 năm là rất ngắn. Giá bán điện tôi đồng tình thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết, quản lý của nhà nước. Nhưng bản chất giá bán điện như nào, Luật cũ giá bán điện do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nếu thế kém linh hoạt, phải làm rõ cơ cấu hình thành giá như thế nào không thì khi Luật ban hành rồi Quốc hội làm sao giám sát được.”
Nhiều ý kiến đồng tình giữ quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bỏ quy hoạch điện cấp huyện./.
Ngọc Anh