(VOV5) - Chiều 20/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi). Luật Khoa học và Công nghệ được ban hành năm 2000 khi đó Việt Nam chưa là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), chưa hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế. Vì vậy, sửa đổi Luật là để tạo cơ sở pháp lý nhằm thực hiện đột phá trong lĩnh vực khoa học và công nghệ và theo kịp xu thế quốc tế hiện nay.
|
Sáng 20/11, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 6 dự án luật (Ảnh: Đ.Anh) |
Các đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải sửa Luật theo hướng coi phát triển khoa học công nghệ là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững, để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Các ý kiến nhấn mạnh phải tăng cường đầu tư, huy động mọi nguồn lực xã hội vào khoa học công nghệ, cần có cơ chế tài chính đặc thù cho lĩnh vực khoa học và công nghệ. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại trong sản xuất, kinh doanh, để phát triển kinh tế - xã hội. Khi điều kiện cho phép thì tăng chi ngân sách Nhà nước cao hơn mức 2% như hiện nay để thúc đẩy hơn nữa tốc độ và chất lượng hoạt động khoa học và công nghệ.
Các đại biểu Quốc hội đồng tình cao việc dự thảo Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi) quy định doanh nghiệp phải trích một phần lợi nhuận trước thuế để đầu tư phát triển khoa học công nghệ, nâng cao trình độ công nghệ, năng suất chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Theo ông Phùng Đức Tiến, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, trong dự thảo Luật cần phải đặc biệt coi trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ: “Cần coi nhà khoa học là trung tâm của các hoạt động khoa học và công nghệ trên cơ sở chiến lược của các ngành, lĩnh vực để có quy hoạch, kế hoạch, đào tạo nguồn nhân lực khoa học. Trong Luật cần cụ thể hóa hơn nữa về việc đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài để từng bước có nhiều chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực. Có chính sách cụ thể, tạo môi trường làm việc thuận lợi, thu hút nhân tài đặc biệt là đội ngũ chuyên gia đầu ngành, có chế độ khen thưởng, tôn vinh các nhà khoa học có đóng góp quan trọng khoa học công nghệ, tác giả của những công trình có giá trị thực tiễn cao. Huy động được các nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài để đóng góp phục vụ, xây dựng đất nước.”
Sáng cùng ngày, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua 6 dự án Luật quan trọng. Đó là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế; Luật dự trữ quốc gia; Luật hợp tác xã (sửa đổi) và Luật xuất bản (sửa đổi)./.