Quốc hội thảo luận về một số Luật quan trọng

(VOV5) - Ngày 21/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật phòng, chống khủng bố và dự án Luật phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai.



Quốc hội thảo luận về một số Luật quan trọng - ảnh 1
CA Hà Nội diễn tập chống khủng bố (Ảnh: KT)

Đối với dự thảo Luật phòng, chống khủng bố, các đại biểu cho rằng dự thảo Luật cần phải phát huy sức mạnh toàn dân, trong đó phải coi việc “phòng” hơn việc “chống”, để tránh yếu tố bất ngờ, gây dư luận xấu về an ninh, chính trị. Về lực lượng chuyên trách phòng chống khủng bố, các ý kiến cho rằng trong điều kiện hiện nay chưa cần thiết phải có lực lượng chuyên trách phòng chống khủng bố. Trước mắt, chỉ cần thành lập lực lượng chuyên trách làm công tác tham mưu, tổng hợp, hướng dẫn, chỉ đạo ở Trung ương. Ông Bùi Đức Hạnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai, góp ý:Ban Chỉ đạo phòng chống khủng bố nên là Ban chỉ đạo kiêm nghiệm, hoạt động thường xuyên, không nên quy định khi cần thiết hoặc khi có tình huống thì thành lập như thế dễ dẫn đến bị động, bất ngờ khi có tình huống xảy ra. Mô hình thống nhất từ Trung ương tới địa phương. Mô hình Trung ương do một Phó Thủ tướng làm Trưởng ban chỉ đạo. Các địa phương do một Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban chỉ đạo.


Thảo luận về dự án Luật phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh Luật cần phải bám sát và phù hợp với các công ước, điều ước quốc tế về biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên, nhất là Công ước khung Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu. Để giảm thiểu tối đa thiệt hại mà thiên tai gây ra, các đại biểu cho rằng cần phải có giải pháp đồng bộ, quyết liệt với sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội. Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắc Nông, nêu ý kiến: Tôi đề nghị chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực phòng chống thiên tai là Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo và phải có một số quy định bắt buộc tổ chức, cá nhân thực hiện, không chỉ là Nhà nước có chính sách hỗ trợ, khuyến khích như dự thảo Luật đã nêu. Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân, tôi đề nghị bổ sung từ “phải” trước từ “chủ động”, để tăng cường trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng, chống thiên tai và phải quy định nhiều hơn trong công tác tham gia khắc phục hậu quả thiên tai. Tôi đề nghị cần phải bổ sung nội dung khen thưởng để tôn vinh những tập thể, cá nhân có đóng góp to lớn trong phòng, chống thiên tai vì hoạt động này thường có sự hy sinh tính mạng.


Trong ngày 21/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Đây là Nghị quyết quan trọng, thể hiện sự đổi mới trong công tác quản lý cán bộ, đưa hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày càng thực chất và hiệu quả hơn. Luật Thủ đô cũng được Quốc hội thông qua, đáp ứng sự mong đợi của cử tri cả nước, tạo hành lang pháp lý cho Thủ đô Hà Nội thời gian tới phát triển ngang tầm với những Thủ đô tiên tiến, văn minh, hiện đại khác trên thế giới./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác