(VOV5) - Ngày 7/11, trong ngày làm việc thứ 14 của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13 thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai. Phiên họp với các vấn đề quan trọng, vì thế được phát thanh và truyền hình trực tiếp để đồng bào, cử tri cả nước cùng theo dõi:
|
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé. Ảnh: TTXVN. |
Theo thống kê trong tổng số đơn khiếu nại tố cáo hàng năm, các cơ quan hành chính Nhà nước nhận được có khoảng 70% là đơn khiếu nại, tố cáo và tranh chấp về đất đai. Theo các đại biểu nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc gia tăng khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai là do chính sách về giá đất còn nhiều bất cập, hệ thống pháp luật về giải quyết khiếu nại tố cáo thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó còn do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, một số còn lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để kích động, lôi kéo khiếu kiện đông người để gây áp lực cho các cơ quan Nhà nước. Các đại biểu kiến nghị sửa đổi, bổ sung những điểm chưa phù hợp Luật đất đai năm 2003; đồng thời thống nhất chung trong cả nước về chính sách đền bù, hỗ trợ cho người bị thu hồi đất, sớm hoàn thành việc cấp, đổi quyền sử dụng đất cho người dân. Ông Trần Văn Tấn, đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, góp ý: “Tôi đề nghị giá đất do Nhà nước quy định, phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai từ quy hoạch, đến kế hoạch sử dụng đất. Kiên quyết thu hồi đất đã giao, đã cho thuê nhưng không đúng đối tượng, không sử dụng hiệu quả, sử dụng sai mục đích. Xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, tham nhũng về đất đai. Việc thu hồi đất, lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư phải dân chủ, công khai, sát thực tế.”
Báo cáo trước Quốc hội về những giải pháp nâng cao năng lực quản lý đất đai cũng như việc giải quyết những khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang khẳng định trước hết là phải sửa Luật đất đai và các văn bản liên quan đến luật này:
“Kỳ họp sau, chúng tôi sẽ trình Quốc hội dự thảo sửa đổi Luật đất đai 2003. Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, hướng lâu dài làm thế nào mảnh đất của người sử dụng đất là phải được thể hiện trong hệ thống quản lý dữ liệu đất đai, có như vậy mới có thể quản lý được. Chúng tôi cho rằng phải làm tốt khâu giải quyết tranh chấp, khiếu nại từ cấp dưới theo thẩm quyền rồi mới giải quyết ở Trung ương. Cuối cùng là tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật đai đối với người sử dụng đất. ”
Để tạo hành lang pháp lý giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai, các đại biểu Quốc hội cho rằng Quốc hội cần sớm ban hành Nghị quyết về thực hiện chính sách pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai./.