(VOV5) - Trải qua hơn 100 năm, di sản văn hóa Pháp dường như đã in đậm lên đời sống người Việt.
Nhà nghiên cứu sử học Dương Trung Quốc |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Thưa ông, triển lãm “Dấu ấn văn hóa Pháp qua tài liệu lưu trữ” vừa qua đã đem lại những lợi ích gì cho những nhà nghiên cứu nói riêng và cộng đồng nói chung?
Nhà nghiên cứu sử học Dương Trung Quốc: Có lẽ chúng tôi là người có ích nhất, được hưởng nhiều nhất thụ nhiều nhất. Về nghiên cứu quá khứ là nghiên cứu dựa trên nguồn tư liệu. Bên cạnh nguồn tư liệu về ký ức, nguồn tư liệu về văn bản, thư tịch, hình ảnh là rất quan trọng. Nhất là gần đây chúng ta thấy, về sự phát triển của phương tiện nghe- nhìn. Bây giờ chúng ta khai thác những kho ảnh, kho bản đồ, có thể nói mang lại cho chúng ta rất nhiều nhận thức mới mẻ. ó là chưa kể chúng ta nhìn thấy những tập quán của tổ tiên, ông cha chúng ta rất gần gũi mà không phải mọi quá khứ đều lạc hậu cả, đôi khi có những điều chúng ta phải phục hồi lại chúng ta phải coi đó là những gì chúng ta gìn giữ và bảo vệ nó. Chính công tác lưu trữ góp phần rất quan trọng trong việc này.
PV: Vậy thì dấu ấn văn hóa Pháp từ thời thuộc địa đến nay có vai trò như thế nào trong tiến trình lịch sử của Việt Nam?
Nhà nghiên cứu sử học Dương Trung Quốc: Chúng ta có thể tìm được biểu tượng rất hay là người Việt Nam nói tiếng Pháp và ăn dùng đũa. Trong lịch sử chúng ta tiếp cận với hai nền văn hóa lớn nhất là nền văn hóa phương Đông của người Trung Hoa và văn hóa Pháp của phương Tây. Vượt qua các yếu tố lịch sử, chúng ta vẫn chắt lọc được những tinh hoa văn hóa. Và ngày hôm nay chúng ta vừa gìn giữ, vừa phát triển.
Chính vì thế mà tôi nghĩ rằng chúng ta luôn luôn nhìn quá khứ bằng con mắt của sự tiến bộ, thay đổi. Chứ không phải con mắt của những hiện tượng, vấn đề mà quy luật phát triển tự nhiên là như vậy. Vì vậy những dấu ấn của Pháp ở đây đều là những dấu ấn tốt đẹp, tích cực làm phong phú hơn văn hóa dân tộc chúng ta.
PV: Nói đến những di sản văn hóa Pháp để lại, người ta thường chỉ nghĩ đến những công trình kiến trúc, nhưng theo ông còn những di sản phi vật thể ngườ Pháp để lại cho Việt Nam là gì?
Nhà nghiên cứu sử học Dương Trung Quốc: Người ta nói đến kiến trúc là nói đến di sản vật thể dễ duy trì. Nhưng ví dụ ngôn ngữ là những gì chúng ta nói hôm nay, viết bằng chữ quốc ngữ, có một phần văn hóa của phương Tây nói chung, đặc biệt là của người Pháp. Nó không chỉ là một ký hiệu để ghi âm mà thay đổi cả tư duy, ngữ pháp, diễn đạt và phần nào đó tâm hồn của người Việt cũng nhuốm phần nào đó những giá trị tốt đẹp của nước Pháp. Chính vì thế nếu chúng ta biết gìn giữ nó sẽ là một hành trang rất tích cực, có lợi cho chúng ta hội nhập với phần còn lại của thế giới.
PV: Với thủ đô Hà Nội, di sản văn hóa Pháp thể hiện đậm nét như thế nào?
Nhà nghiên cứu sử học Dương Trung Quốc: Nếu ta nghiên cứu lại, một thời kỳ đầy hào quang của những Thăng Long thời Lý, Trần, Lê… Nhưng rõ ràng khi kinh đô chuyển vào trong Huế rồi thì những dấu ấn còn lại, nhất là qua ghi chép của người nước ngoài cho thấy nó là một đô thị hết sức tàn lụi. Chính vì thế người Pháp ngay từ đầu đã đặt nền móng tạo ra những tập quán, thói quen, lối sống, đặc biệt là những quy chuẩn cho một đô thị hiện đại.
Năm 1888, khi vua Đồng Khánh trao cái lõi của thành phố Hà Nội cho người Pháp thì tổng thống Pháp có ra một sắc lệnh thành lập một đô thị, và lấy mô hình đô thị của phương Tây. Tức là ở đó có kết cấu, hạ tầng. Và lúc đó có đường, xá, vườn hoa… và những thiết chế văn hóa. Ví dụ những điều mà ngày hôm nay chúng ta vẫn thừa hưởng như Nhà hát lớn hơn 100 năm rồi. Và rất nhiều những công trình kiến trúc cho đến nay vẫn không lạc hậu tí nào cả. Nó trở thành một tinh hoa thực sự mà chúng ta trân trọng gọi là kiến trúc thuộc địa. Chữ “thuộc địa” ở đây để nói về một thời kỳ lịch sử chứ chúng ta không hề nhìn nó như một thời kỳ chính trị. Chúng ta sẽ thấy yếu tố văn hóa Pháp đậm nét như thế nào trong đời sống của chúng ta.
PV: Bảo tồn luôn gắn liền với phát huy, vậy đánh giá như thế nào về việc phát huy các di sản văn hóa do người Pháp để lại hiện nay?
Nhà nghiên cứu sử học Dương Trung Quốc: Bảo tồn luôn gắn liền với phát huy. Phát huy là sử dụng lại những giá trị của nó, kể cả công năng của nó. Ví dụ như Nhà hát lớn hàng ngày vẫn sáng đèn. Nhưng cái quan trọng hơn là bảo tồn và phát triển. Bảo tồn không có nghĩa là xây khắp nơi chóp của Nhà hát lớn. Bảo tồn là gì? Đó là người Pháp đến đây có một nền tảng văn hóa, một cộng đồng cư dân mới… thì chúng ta phải ứng xử như thế nào. Người Pháp đã biết kết hợp hài hòa những mô hình đã thành chuẩn mực của nước Pháp với thực tiễn của Việt Nam. Tôi lấy ví dụ rõ nhất như bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Tất cả kết cấu tưởng chừng như giống như những chùa chiền của Việt Nam nhưng nó lại là kiến trúc của phương Tây. Hay việc xử lý với khí hậu ẩm nóng của nước ta. Nước Pháp cũng có những khu vực địa lý tương tự Việt Nam như Mác-xây. Họ đưa sự hài hòa làm cho giá trị càng bền vững. Rất tiếc nhiều người chạy theo trào lưu mới đôi khi coi thường nó nhưng rồi chúng ta thấy không gì tốt hơn sự gìn giữ. Trên cơ sở đó chúng ta phát huy, phát triển thành nền kiến trúc hiện đại Việt Nam trong đó thừa hưởng được thời kỳ kiến trúc thuộc địa.
PV: Vâng, xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của ông!