(VOV5) - Là một trong những biểu tượng ở tỉnh Sóc Trăng, chùa Chén Kiểu là điểm du lịch đặc biệt hấp dẫn du khách gần xa.
Được xây dựng từ năm 1815, chùa Chén Kiểu (hay còn gọi là chùa Sro Lôn) tọa lạc ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, là một trong những ngôi chùa đẹp nổi tiếng của người Khmer ở tỉnh Sóc Trăng. Nét nổi bật, đặc trưng của chùa Chén Kiểu là được xây dựng và trang trí bằng những mảnh chén, bát, đĩa. Thợ xây chùa đã khéo léo tận dụng những vật liệu này trang trí trên các bức tường, cột tháp, tạo nên một công trình nghệ thuật độc đáo, lạ mắt và ấn tượng.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Ấn tượng đầu tiên khi vào chùa chính là cổng tam quan với 3 tháp được chạm khắc hoa văn và màu sắc rực rỡ theo phong cách truyền thống Angkor (Campuchia). Trong ba ngọn tháp, nổi bật với tháp giữa bên trong có lồng kính, tôn trí một pho tượng Phật ngồi uy nghi. Chung quanh chùa là tường rào trang trí hình tượng tiên nữ Apsara đang múa, tượng trưng cho hòa bình và thịnh vượng.
Du khách chụp ảnh lưu niệm ở chính điện của chùa Chén Kiểu |
Dọc lối vào chùa là 2 hàng tượng thần Kâyno, đây là những bức tượng có khuôn mặt tiên nữ Apsara, tượng trưng cho sắc đẹp vĩnh hằng và thân hình chim thần Garuda, tượng trưng cho sức mạnh. Khuôn viên chùa Chén Kiểu có nhiều cây xanh thoáng mát, tạo cho du khách cảm giác thật thoải mái.
Chị Nguyễn Thị Nhung, du khách đến từ Hà Nội, cho rằng: "Không gian chùa yên tĩnh, thoáng mát, rộng rãi. Chùa rất đẹp, cổ kính, làm toàn bằng bát, chén. Tôi ấn tượng nhất là thiết kế về sành sứ, bát, chén để xây các tường, bậc thang. Hoa văn chạm trổ đẹp, sinh động, cầu kỳ, tinh xảo, độc đáo. Chùa này tôi rất ấn tượng, nếu có dịp tôi sẽ tham quan lại nhiều lần. Đoàn của tôi từ Hà Nội vào, ai cũng hài lòng sau khi tham quan chùa."
Giường ngủ của công tử Bạc Liêu ở chùa Chén Kiểu. Ảnh Ngoc Anh |
Kiến trúc nổi bật và gây ấn tượng nhất ở chính điện chính là trên các đầu cột được trang trí hình tượng nữ thần có cánh Kâyno. Các tượng nữ thần Kâyno này ở tư thế vươn lên đỡ lấy diềm mái, tạo sự chuyển tiếp giữa phương đứng của các cột và phương ngang của mái. Quanh các cây cột đều được chạm khắc, đắp nổi các hình ảnh trong truyền thuyết văn hóa Khmer. Hai bên bức tường có nhiều tranh vẽ kể câu chuyện đức Phật Thích Ca từ khi sinh ra cho đến khi đắc đạo. Các bức tường, tranh càng đặc biệt hơn khi được trang trí, tạo hình bằng mảnh vỡ chén, đĩa, bát. Gian thờ là một quần thể gồm 20 tượng phật lớn nhỏ, với nhiều tư thế đứng, nằm, ngồi.
Giữa sân chùa Chén Kiểu là cột cờ, với hình tượng rắn thần Nagar xòe 5 đầu, nhằm nhắc đến điển tích rắn xòe đầu ra để che mưa cho Đức Phật khi Đức Phật tọa thiền. Phía sau chùa là khu vườn Phật Thích Ca giảng đạo và nhập Niết bàn. Đây là quần thể kiến trúc gồm nhiều tượng Phật lớn nhỏ, mô phỏng sinh động quá trình ra đời, đi tìm chân lý, giác ngộ cho đến khi nhập cõi Niết bàn của Đức Phật Thích Ca.
Tượng phật nằm ở chùa Chén Kiểu |
Đại đức Kim Hoàng Hưng, trụ trì chùa Chén Kiểu, cho biết: "Phật giáo Nam Tông Khmer chỉ thờ Đức phật Thích Ca. Do trước đây kinh phí xây dựng không đủ, nên nhà chùa đề xuất dùng chén, bát làm vật liệu để xây chùa. Nhà chùa đã kêu gọi phật tử, người dân nếu có chén, bát vỡ thì đóng góp, gửi tặng để xây dựng chùa. Kiến trúc chùa cũng giống như các chùa Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Trong chùa có các hạng mục, như: sala, tăng xá, trường học, nơi trưng bày cổ vật, chính điện, các tượng phật. Tuy nhiên, xã Đại Tâm có nhiều người Hoa sinh sống, nên kiến trúc của chùa mang đậm nét người Hoa. Điểm khác biệt với các chùa khác là chùa Chén Kiểu được mô phỏng làm theo miệng chiếc chén, lấy chén điêu khắc tạo nên những hoa văn của ngôi chùa, nên chùa có biệt danh là chùa Chén Kiểu."
Một nét hấp dẫn du khách khi đến tham quan chùa Chén Kiểu là nơi đây hiện còn lưu giữ một phần gia sản của Công tử Bạc Liêu (tên thật là Trần Trinh Huy, sinh năm 1900, mất năm 1973, là một nhân vật nổi tiếng giàu có một thời ở Nam Bộ đầu thế kỷ XX). Đó là bộ Trường kỷ, bộ bàn tiếp khách, giường ngủ mùa hè, giường ngủ mùa đông, tủ cẩn xà cừ... Trong số các gia sản đó, người ta ấn tượng nhất là chiếc giường ngủ mùa hè làm bằng đá cẩm thạch và chiếc giường ngủ mùa đông mặt làm bằng gỗ giáng hương.
Ông Ngô Hữu Lợi, du khách ở tỉnh Bình Dương, cho biết: "Chùa trưng bày những kỷ vật của Công tử Bạc Liêu mang lại ấn tượng cho người tham quan. 2 giường nóng (giường ngủ mùa hè), lạnh (giường ngủ mùa đông) của Công tử Bạc Liêu, mọi người khi chiêm ngưỡng đều để lại cảm xúc đặc biệt. Đây là lần thứ 3 tôi đến chùa Chén Kiểu. Mỗi lần đi đến đây, tôi có một cảm xúc khác nhau."
Đến với chùa Chén Kiểu, ngoài chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo, du khách còn có dịp tìm hiểu văn hóa đặc sắc của dân tộc Khmer, check-in vườn hoa hướng dương rực rỡ và thưởng thức các món đặc sản ở tỉnh Sóc Trăng. Với những người yêu thích khám phá hay check-in thì đây là một địa điểm lý tưởng để có những bức hình đẹp. Là một trong những biểu tượng ở tỉnh Sóc Trăng, chùa Chén Kiểu là điểm du lịch đặc biệt hấp dẫn du khách gần xa.