Cột cờ Hà Nội - Nhân chứng lịch sử, niềm tự hào của Thủ đô

(VOV5) -  Cột cờ Hà Nội chính là một nhân chứng lịch sử, một biểu tượng vinh quang và là niềm tự hào của Thủ đô Hà Nội nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
Ngày 10/10/1954, lễ thượng cờ Tổ quốc tại Cột cờ Hà Nội đã trở thành giây phút thiêng liêng, đánh dấu mốc trong lịch sử dân tộc Việt Nam: Thủ đô Hà Nội được giải phóng. Cột cờ Hà Nội là nhân chứng cho giờ phút lịch sử hào hùng đó của Thủ đô, đồng thời cũng là chứng tích ghi lại những dấu ấn oanh liệt của vùng đất Thăng Long - Hà Nội.

Nghe âm thanh phóng sự tại đây: 

Cột cờ Hà Nội, còn được gọi là kỳ đài Hà Nội, nằm trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, trên đường Điện Biên Phủ (quận Ba Đình). Đây là nơi lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh tung bay suốt 70 năm qua, trở thành biểu tượng vinh quang, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Đại úy Nguyễn Lan Hương, phòng Tuyên truyền giáo dục, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, cho biết: "Cột cờ Hà Nội được xây dựng vào năm 1805 và hoàn thành vào năm 1812 dưới triều vua Gia Long nhà Nguyễn. Tại Cột cờ Hà Nội đã có 2 trận chiến nổ ra giữa binh lính triều đình nhà Nguyễn và binh lính Pháp. Lần thứ nhất năm 1873, lần thứ hai vào năm 1882, binh lính Pháp đã chiếm được nơi này làm nơi đóng quân. Họ đã sử dụng cột cờ làm nơi quan sát trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân Việt Nam. Mãi đến năm 1954, khi Thủ đô Hà Nội được hoàn toàn giải phóng, chúng ta mới tiếp quản Cột cờ Hà Nội.

Cột cờ Hà Nội - Nhân chứng lịch sử, niềm tự hào của Thủ đô - ảnh 1Cột cờ Hà Nội, còn được gọi là kỳ đài Hà Nội, nằm trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, trên đường Điện Biên Phủ (quận Ba Đình).
Ảnh: Thanh Huyền/VOV2

Công trình nằm trên phần đất phía nam của Hoàng thành Thăng Long xưa. Cột cờ có chiều cao tổng thể là 33m, nếu tính cả trụ treo cờ là 44m; được xây dựng gồm 3 tầng đế và 1 thân cột. Các tầng đế hình chóp vuông cụt nhỏ dần và chồng lên nhau. Tầng 1, mỗi chiều dài 42,5m cao 3,1m. Tầng 2, mỗi chiều dài 27m, cao 3,7 m và có 4 cửa. Cửa hướng Đông, phía trên có hai chữ “Nghênh Húc”, nghĩa là đón ánh sáng ban mai.

Cửa Tây với hai chữ “Hồi Quang”, tức là Ánh sáng phản chiếu; cửa Nam có chữ “Hướng Minh”, ý nói hướng về ánh sáng; riêng cửa Bắc không có chữ đề. Tầng 3, mỗi chiều dài 12,8m cao 5,1m có cửa lên cầu thang trông về hướng Bắc. Trên tầng này có thân cột cờ cao 18,2 m, hình trụ 8 cạnh thon dần lên trên. Trong thân cột có cầu thang 54 bậc, xây xoáy trôn ốc lên tới đỉnh, được soi sáng và thông hơi bởi 39 lỗ thoáng hình rẻ quạt chạy xung quanh thân cột. Dưới triều nhà Nguyễn, trong các dịp lễ, Tết, cờ vàng của triều đình thường được treo trên đỉnh. Cột cờ còn là nơi Vua quan xem duyệt quân ngũ, đấu võ. Ngày nay, đứng trên tầng cao của Cột cờ, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn cảnh quan Hà Nội và tìm lại dấu vết Thăng Long xưa.

Cột cờ Hà Nội - Nhân chứng lịch sử, niềm tự hào của Thủ đô - ảnh 2Không chỉ độc đáo về kiến trúc, Cột cờ Hà Nội, với tuổi đời trên 200 năm, còn là chứng tích ghi lại những dấu tích oai hùng, oanh liệt của Thăng Long – Hà Nội.
Ảnh: Thanh Huyền/VOV2

Nhìn về hướng Bắc là nhiều di tích cổ, như: cửa Đoan Môn, Lầu Công Chúa, Cửa Bắc; hướng Đông là Bưu điện Hà Nội và Hồ Hoàn Kiếm; hướng Tây là Quảng trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bảo tàng Hồ Chí Minh; hướng Nam là không gian được mở rộng với nhiều kiến trúc tiêu biểu.

Theo Thượng tá Lê Vũ Huy, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Cột cờ Hà Nội là 1 trong số ít công trình còn nguyên vẹn và hoành tráng nhất trong quần thể di tích Hoàng Thành Thăng Long. Cột cờ Hà Nội được công nhận là Di tích lịch sử năm 1989. Nhưng trên hết, nơi đây được coi là một trong những biểu tượng tôn nghiêm và có giá trị lịch sử của thủ đô Anh hùng.

Năm 1945, sau khi cách mạng tháng Tám thành công, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên được treo lên cột cờ Hà Nội. Kể từ đó đến nay, Cột cờ Hà Nội vẫn sừng sững uy nghiêm và trường tồn với thời gian: "Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đặc biệt trong 30 năm chiến tranh giải phóng, cột cờ vẫn còn nguyên vẹn những giá trị từ khi được xây dựng cho đến hiện nay. Hình ảnh lá cờ tung bay trên đỉnh của cột cờ mang giá trị biểu đạt về văn hóa, khơi dậy lòng tự hào của dân tộc Việt Nam, cũng là niềm tự hào, kiêu hãnh đối với bạn bè quốc tế khi đến thăm Việt Nam, đến với Hà Nội."

Lá Quốc kỳ được treo trên đỉnh Cột cờ Hà Nội có kích thước 4m x 6m, diện tích 24m vuông. Bất kể lúc nào lá cờ bị bạc màu hay bị rách sẽ được thay ngay lập tức để giữ gìn một biểu tượng thiêng liêng của đất nước.

Không chỉ độc đáo về kiến trúc, Cột cờ Hà Nội, với tuổi đời trên 200 năm, còn là chứng tích ghi lại những dấu tích oai hùng, oanh liệt của Thăng Long – Hà Nội. Đặc biệt nhất là sự kiện ngày 10/10/1954, hàng nghìn người đổ về xung quanh Cột cờ Hà Nội chờ đợi thời khắc lịch sử - lễ thượng cờ Tổ quốc trên đỉnh cộ cờ, ghi dấu giây phút thiêng liêng trong lịch sử Việt Nam, đó là ngày Thủ đô Hà Nội hoàn toàn giải phóng.

Những ký ức đẹp về ngày lịch sử cách đây 70 năm vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của những người có mặt tại thời khắc đó: "Khi quân giải phóng tiếp quản Thủ đô, trên đường tiến vào, nhân dân ùa ra chào đón. Trong ngày hôm đó, lá Quốc kỳ được hiện diện trên cột cờ, tung bay trong gió. Đây là niềm tự hào về nền độc lập của chúng ta."

"Khi đó, chúng tôi sung sướng lắm, ôm nhau khóc. Trên đường tiến về, xung quanh, 2 bên cờ hoa rợp trời, tiếng hoan hô của quần chúng đón quân trở về. Cảm xúc không thể tả được. "

Trải qua thời gian, vượt qua mọi khắc nghiệt của thiên nhiên và chiến tranh tàn phá, chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của dân tộc, Cột cờ Hà Nội vẫn đứng sừng sững mang lá cờ Tổ quốc, biểu trưng cho ý chí độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam. Cột cờ Hà Nội chính là một nhân chứng lịch sử, một biểu tượng vinh quang và là niềm tự hào của Thủ đô Hà Nội nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác