Đặc sắc phiên chợ vùng cao Bắc Hà

(VOV5) - Năm năm trước, chợ phiên Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, được du khách quốc tế bình chọn bình chọn là một trong 10 chợ phiên nổi tiếng Đông Nam Á thông qua Tạp chí Serendib của Srilanka. Trong xu hướng thương mại hóa các chợ vùng cao hiện nay, chợ Bắc Hà là một trong những nơi hiếm hoi còn giữ được bản sắc dân tộc, nét riêng độc đáo của các phiên chợ xưa.

Đặc sắc phiên chợ vùng cao Bắc Hà - ảnh 1
Một góc chợ Bắc Hà nhìn từ trên cao

Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Để đến chợ phiên Bắc Hà, bạn nên mua vé tàu hỏa đi từ Thủ đô Hà Nội vào tối thứ 7, bởi phiên chợ này diễn ra vào sáng Chủ nhật hàng tuần. Tỉnh Lào Cai cách Thủ đô Hà Nội chừng 350km về phía Tây Bắc, nên phải mất chừng 7 tiếng, (tức khoảng 5h sáng hôm sau) tàu sẽ cập ga phố Lu (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai). Từ đây, bạn đi ô tô lên Thị trấn Bắc Hà cho kịp phiên chợ...


Đặc sắc phiên chợ vùng cao Bắc Hà - ảnh 2
Du khách nước ngoài thăm chợ


Trên hành trình đến với Bắc Hà bạn sẽ được chiêm ngưỡng những dãy núi hùng vĩ, những thửa ruộng bậc thang cùng những ngôi nhà sàn của đồng bào các dân tộc thấp thoáng trong sương sớm… Nếu là người ưa mạo hiểu, thích khám phá, bạn sẽ có những trải nghiệm thú vị bởi cảnh đẹp thiên nhiên cùng những phong tục văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc. Từ sáng sớm, dọc đường đi lên chợ Bắc Hà, đồng bào các dân tộc trong trang phục truyền thống, gùi hàng hóa sau lưng, dắt trâu, ngựa, dê… hối hả lên chợ. Đôi lúc, vài chiếc xe máy chở người hay thồ hàng vụt qua vội vã cho kịp giờ lên phiên...


Đặc sắc phiên chợ vùng cao Bắc Hà - ảnh 3


Huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, có 14 dân tộc cùng chung sống trong đó đông nhất là dân tộc Hmông, Dao, Tày, Nùng. Chính vì vậy, phiên chợ nơi đây không đơn thuần là nơi giao thương, trao đổi hàng hóa, mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu những nét văn hóa của đồng bào dân tộc địa phương.


Anh Lù Văn Dào (dân tộc Nùng), sinh ra và lớn lên ở Thị trấn Bắc Hà, cho biết: Trước đây, chợ họp trên một quả đồi thoai thoải nằm ngày giữa Thị trấn. Vài năm trở lại đây, do nhu cầu mua bán và để phục vụ du lịch, chợ được xây mới và mở rộng trên nền chợ cũ.  Tuy nhiên không vì thế mà ngôi chợ này mất đi vẻ quyến rũ, nét văn hóa của phiên chợ vùng cao. Anh Lù Văn Dào cho biết: “Mỗi tuần chỉ họp vào buổi chủ nhật, tạo điều kiện để bà con tham dự vì còn đi làm. Gia đình cũng mổ trâu mổ bò, lợn và bán thắng cố ở chợ thì cũng mang thu nhập cho gia đình. So với đi làm nông nghiệp thi vẫn hơn. Giờ vẫn làm nông nghiệp nhưng chuyển đổi nhiều rồi, đi chợ là chính”.


Đặc sắc phiên chợ vùng cao Bắc Hà - ảnh 4


Chợ được chia thành nhiều khu khác nhau như khu ăn uống, bãi bán gia súc, giá cầm... nhưng đông nhất vẫn là khu ăn uống. Với du khách, khi đến Bắc Hà mà chưa thưởng thức món đặc sản “Thắng cố” thì coi như chưa đến Bắc Hà. “Thắng cố” là món ăn truyền thống của người Mông. Món ăn này gắn liền với đời sống của người dân nơi đây cả ngàn năm qua. Thắng cố được chế biến chủ yếu từ nội tạng của con ngựa, thêm gia vị, hương vị của một số loại lá cây đặc trưng của vùng núi cao như: quế, hạt quả dổi, lá cây xả… Giờ người ta biến tấu món thắng cố từ nội tạng con dê, con trâu, con bò... Giữa cái giá lạnh của buổi sáng mùa đông, được ngồi thưởng thức nồi “thắng cố”, nhấp chén rượu ngô cay nồng, cảm nhận cái nóng từ đầu lưỡi, khiến du khách thêm say, thêm nhớ cảnh sắc và con người nơi đây. Cùng với đó, du khách còn được thưởng thức các món ăn đặc sản vùng cao khác như: Bột ngô non hấp
, thịt lợn đen, phở chua, thịt gà đen... Anh Lù Văn Tỉnh, Chủ cửa hàng thắng cố ở chợ bắc Hà, cho biết mỗi một phiên chợ, anh có thể bán hết 2 chảo lớn thắng cố. Anh Tỉnh chia sẻ: “Thắng cố này đều do tôi làm. Làm từ ruột, dạ dày, tim con ngựa và rửa sạch. Thắng cố thì càng nấu kỹ càng ngon. Mỗi bát thế này bán 40-50.000 đồng”.


Đặc sắc phiên chợ vùng cao Bắc Hà - ảnh 5
Thắng cố - một "đặc sản" ở vùng cao Bắc Hà


Chợ Bắc Hà còn là nơi trao đổi, mua bán trâu, ngựa của đồng bào dân tộc và du khách thập phương. Theo tập quán, người dân địa phương hay đi chợ tìm những con ngựa khỏe nhất để thồ, làm nông nghiệp và chọn nhưng con ngựa chạy nhanh nhất để tham gia Hội đua ngựa của huyện. Ông Thào Seo Cấu, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà, cho biết: 
“Đồng bào Mông coi con ngựa như 1 thành viên trong gia đình, giúp con người nhiều việc. Đầu xuân thì các chàng trai thanh niên Mông, Tày, Dao…thể hiện lòng dũng cảm của mình vừa là để vui chơi và 1 năm mới với niềm may mắn”.


Đặc sắc phiên chợ vùng cao Bắc Hà - ảnh 6
Nơi bán gia súc ở chợ


Phiên chợ Bắc Hà cùng bày bán hàng hóa thiết yếu cũng như nông cụ và đồ vật dụng trong nhà. Chiếm một diện tích khá lớn trong chợ Bắc Hà là khu bán các đồ trang sức, váy, áo, vải thổ cẩm… Tại đây, du khách có thể chọn cho mình những sản phẩm thổ cẩm hay những bộ váy áo của các dân tộc Mông, Dao đỏ, Nùng… Đang chọn mua tặng cho con gái một bộ váy để mặc khi đi lấy chồng, chị Giàng Thị Sao, ở xã Na Hối, huyện Bắc Hà tâm sự: 
“Tôi đang định mua cái váy này vì nhìn đẹp quá. Giờ công việc đồng áng cũng bận nên không có thời gian dệt vải nữa. Cái váy này cũng may khá công phu và đẹp, hy vọng con tôi sẽ thích.”


Đặc sắc phiên chợ vùng cao Bắc Hà - ảnh 7
Những người phụ nữ và niềm vui xuống chợ


Hiện nay, chợ Bắc Hà là một trong những nơi còn giữ được bản sắc văn hóa, nét riêng độc đáo của các phiên chợ vùng cao. Đến với phiên chợ Bắc Hà cũng là dịp để du khách khám phá vẻ nguyên sơ, mang đậm bản sắc các dân tộc khu vực Tây Bắc Việt Nam./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác