(VOV5) - Nằm ở vị trí trung tâm thành phố, Nhà hát lớn Hà Nội không chỉ là công trình mang kiến trúc Pháp tuyệt đẹp mà còn là địa điểm biểu diễn lý tưởng của các đoàn nghệ thuật đỉnh cao trong nước và quốc tế.
Bắt đầu từ mùa thu năm nay, Nhà hát lớn Hà Nội sẽ có thêm các chương trình biểu diễn nghệ thuật kinh điển, nhằm đáp ứng nhu cầu của khán giả trong nước và quốc tế.
|
Nhà hát lớn rực rỡ ánh đèn. Ảnh: Internet |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nhà hát lớn Hà Nội là công trình kiến trúc được xây dựng từ năm 1911 theo mẫu Nhà hát Opera Garnier ở Paris, từng được các kiến trúc sư Nhật Bản đánh giá là công trình kiến trúc đẹp nhất Đông Nam Á. Ngày nay, Nhà hát lớn Hà Nội là công trình nghệ thuật “ đẳng cấp”, sang trọng bậc nhất của Thủ đô, nơi tổ chức các sự kiện, mít tinh quan trọng của đất nước, nơi biểu diễn các chương trình nghệ thuật đỉnh cao của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế.
Dù được xem là “ngôi đền” của nghệ thuật nước nhà, nhưng thời gian qua tại Nhà hát Lớn Hà Nội lại thường xuyên diễn ra các show ca nhạc, tạp kỹ; chương trình kỷ niệm, hội họp, văn nghệ quần chúng… của các tổ chức, doanh nghiệp; hiếm khi có “đất” cho các nhà hát thuộc Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch công diễn tác phẩm, nhất là với các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương. Dường như Nhà hát đã trở thành “nhà sự kiện” ở một vị trí đắc địa; không phù hợp, tương xứng với công năng, đẳng cấp của một công trình kiến trúc văn hóa có giá trị của Thủ đô. Thực tế, đã từ lâu sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội thiếu vắng các chương trình biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật hàn lâm hay nghệ thuật truyền thống trong nước. Bởi vậy đã có ý kiến cho rằng cần lấy lại vị thế của Nhà hát lớn Hà Nội là nơi biểu diễn các tác phẩm nghệ thuật kinh điển đỉnh cao và có chất lượng, góp phần quảng bá nghệ thuật truyền thống nước nhà. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “Phải lấy mục tiêu quan trọng là bảo tồn những giá trị vật thể và phi vật thể của không gian nhà hát lớn. Do vậy không nên đưa những sinh hoạt không thích hợp với khu vực này”.
Với chủ trương tạo cơ chế ưu tiên khai thác Nhà hát lớn Hà Nội làm nơi biểu diễn các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn và Nhà hát lớn Hà Nội phối hợp với các đơn vị xây dựng những chương trình hay nhất để đưa vào biểu diễn từ nay tới cuối năm. Vào dịp kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 sắp tới, ba đơn vị khởi đầu thực hiện chương trình là Dàn nhạc giao hưởng, Nhà hát Kịch và Nhà hát Chèo Việt Nam. Nhiều vở diễn được Huy chương vàng, Huy chương bạc tại các liên hoan sân khấu chuyên nghiệp sẽ có cơ hội được ra mắt ở địa điểm sang trọng này. Cũng bắt đầu từ mùa thu này, Bộ Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch chủ trương hỗ trợ đưa các loại hình nghệ thuật đỉnh cao biểu diễn định kỳ tại Nhà hát lớn với các chương trình đại diện cho các loại hình nghệ thuật như: Chèo, kịch nói và nhạc giao hưởng... Với chủ trương này, các nghệ sỹ và công chúng sẽ có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với các loại hình nghệ thuật đỉnh cao, nghệ thuật truyền thống và công trình kiến trúc thế kỷ Nhà hát lớn Hà Nội cũng sẽ có phần hồn tương xứng. Bà Kiều Ngân, Phó giám đốc Nhà hát kịch Việt nam, cho biết: “Ở các nước, Nhà hát lớn là điển đến mà gần như hầu hết các khán giả trong nước và quốc tế thường tìm đến đây để tìm chọn, thưởng thức các chương trình nghệ thuật đỉnh cao. Qua các chương trình biểu diễn này họ có cơ hội tìm hiểu về văn hoá, hiểu thêm về giá trị văn hoá cũng như giá trị về nghệ thuật của đất nước đó. Nhà hát lớn Hà Nội cũng phải là điểm đến như vậy”.
Tại Nhà hát lớn Hà Nội tới đây sẽ có các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống xen kẽ với các tác phẩm hàn lâm của những đoàn nghệ thuật đẳng cấp quốc tế Hoạt động biểu diễn của Nhà hát sẽ như một phần tấm danh thiếp giới thiệu về nền văn hoá, con người Việt nam và nền văn hoá nhân loại với công chúng thủ đô và bạn bè quốc tế.