(VOV5) - Nơi đây cũng là điểm tham quan hấp dẫn du khách gần xa mỗi khi tới du lịch tỉnh Sóc Trăng.
Nhà trưng bày chuyên đề văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng tọa lạc tại đường Nguyễn Chí Thanh, thành phố Sóc Trăng. Đây là nơi lưu giữ tổng hợp các hiện vật về đời sống, văn hóa, tinh thần của dân tộc Khmer.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Nhà trưng bày chuyên đề văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng tiền thân là Phòng Trưng bày Văn hóa Khmer Sóc Trăng. Với diện tích hơn 2.300 m2, Nhà trưng bày gồm 2 khu: khu trưng bày hiện vật, còn lại là sân và văn phòng. Chị Thạch Thị Loan, hướng dẫn viên nhà trưng bày chuyên đề văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng, cho biết: "Ngôi nhà xây dựng năm 1936, khánh thành năm 1941. Trước đây gọi là Hội Samacum, là nơi hội họp của sư sãi đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2002, nơi đây sáp nhập với Bảo tàng tỉnh, lấy tên là Nhà trưng bày chuyên đề văn hóa dân tộc Khmer.
Nhà trưng bày chuyên đề văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Ngọc Anh |
Các hiện vật trong Nhà trưng bày được chia thành 3 chuyên đề: sinh hoạt đời thường, văn hóa tâm linh và văn hóa lễ hội. Nhà trưng bày hiện có hơn 400 hiện vật. Mùa hè, học sinh, sinh viên tới tham quan rất đông. Khách du lịch nước ngoài, phần lớn là Hà Lan, Italy, Nhật Bản, cũng rất thích tới đây tìm hiểu văn hóa."
Trong số các hiện vật trưng bày tại đây, có hơn 50% hiện vật là do đồng bào Khmer hiến tặng, nên sản phẩm đa dạng, phong phú. Từ các nông cụ thủ công đơn sơ, như: cày, bừa, trục, nọc cấy, vòng gặt lúa, chuôi vòng gặt được làm bằng chất liệu sừng và trang trí hình học và hình mỏ chim, đến mô hình nhà sàn của người Khmer và cả những bộ trang phục truyền thống dân tộc Khmer...
Bên cạnh các hiện vật gắn liền với đời sống sản xuất, sinh hoạt, tôn giáo, trong khu trưng bày còn tái hiện mô hình sân khấu Rô băm, Dù kê (hai loại hình nghệ thuật tiêu biểu của người Khmer được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia). Nơi đây cũng trưng bày mô hình chính điện chùa Kh’Leang (di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia), ghe Ngo (chiếc ghe gắn liền với văn hóa, lễ hội dân tộc Khmer).
Mô hình sân khấu Dù Kê tại nhà trưng bày. Ảnh: Ngọc Anh |
Ông Sơn Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng, cho biết: "Vào ngày rằm tháng 10 âm lịch hằng năm có đua ghe Ngo. Lễ hội này được tổ chức Guinness trao quyết định và bằng công nhận là lễ hội có số lượng ghe và vận động viên tham gia đông nhất Việt Nam, kể từ năm 2005. Trong nhà trưng bày chuyên đề văn hóa dân tộc Khmer có các hiện vật miêu tả đời sống của người Khmer cũng như công cụ sản xuất, các nghề thủ công mỹ nghệ, kiến trúc đặc sắc của chùa Khmer và nghệ thuật được thu gọn ở 2 phòng sân khấu Dù Kê và sân khấu Rô băm. Du khách đến đây được nghe thuyết minh, hướng dẫn và giới thiệu một cách cặn kẽ."
Mô hình chính điện chùa Kh’Leang tại nhà trưng bày. Ảnh: Ngọc Anh |
Nhà trưng bày chuyên đề văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng được thiết kế độc đáo, giống hệt ngôi chùa của người Khmer, tạo ấn tượng với du khách. Lần đầu tiên đến đây tham quan, chị Quách Thị Nghĩa, du khách ở Hà Nội, cảm nhận: "Tham quan Nhà trưng bày chuyên đề văn hóa dân tộc Khmer, tôi thấy các hiện vật rất phong phú, đặc sắc, trưng bày khoa học. Đặc biệt, lần đầu tiên tôi được thấy Kinh lá Buông, cho thấy nghệ thuật điêu khắc độc đáo của người Khmer. Dân tộc Khmer có nền văn hóa phát triển rực rỡ, phong phú. Tôi mong muốn có nhiều nhà trưng bày như thế này để những du khách như tôi hiểu thêm về nền văn hóa dân tộc Khmer."
Nhà trưng bày chuyên đề văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng là một trong những điểm trưng bày tiêu biểu, còn lưu giữ được các hiện vật thể hiện rõ bản sắc văn hóa, đời sống của dân tộc Khmer. Nơi đây cũng là điểm tham quan hấp dẫn du khách gần xa mỗi khi tới du lịch tỉnh Sóc Trăng.