(VOV5) - Bộ kit BK-LAMP- nCoV không chỉ nhận được sự quan tâm của trong nước mà còn của các nước châu Âu và Mỹ.
Việt Nam là một trong những hình mẫu tiêu biểu trong việc khống chế dịch COVID - 19. Trong thành công này có sự đóng góp của các nhà khoa học chế tạo các bộ Kit sinh phẩm giúp chẩn đoán nhanh COVID - 19. Một trong số đó là Tiến sĩ Lê Quang Hòa, Tiến sĩ Nguyễn Lê Thu Hà và các cộng sự ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Hiện tại họ đang tiếp tục chế tạo bộ Kit chẩn đoán virus trên gia súc, gia cầm và đang tìm đầu ra hiệu quả cho sản phẩm.
Bộ sinh phẩm BK - LAMP - nCoV - Ảnh: baotintuc.vn
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nhóm của Tiến sỹ Lê Quang Hòa nghiên cứu thành công sinh phẩm BK-LAMP- nCoV có thể phát hiện nhanh virus SARS - CoV2 hồi đầu năm 2020. Sinh phẩm này là một kỹ thuật khuếch đại đẳng nhiệt acid nucleic chuyên dùng để phát hiện chất liệu di truyền của virus gây bệnh.
Ưu điểm nổi bật của bộ kit BK-LAMP- nCoV là có thể được áp dụng ngay tại y tế tuyến cơ sở hay các bệnh viện dã chiến khi dịch COVID-19 bùng phát. Mẫu dương tính được phát hiện trực tiếp bằng mắt thường dựa vào sự đổi màu của phản ứng, ngưỡng phát hiện 10 phiên bản/phản ứng, không có phản ứng chéo với các virus gây bệnh đường hô hấp khác.
Tiến sĩ Nguyễn Lê Thu Hà, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: "Công trình nghiên cứu của chúng tôi là hoàn thiện công nghệ, công nghệ LEN, khuếch đại đẳng nhiệt. Nó có nhiều ưu điểm cần ít máy móc, quy trình đơn giản và chúng tôi là một trong những nhóm đi đầu công nghệ này. Nhóm đã phát triển, hoàn thiện kỹ thuật LEN và có thể xuất khẩu ra thế giới. Từ trên nền tảng công nghệ LEN, chúng tôi có thể phát triển được bất kỳ bộ kit test nào cũng trên cơ sở đơn giản dễ sử dụng".
TS Lê Quang Hòa (đứng) và đồng nghiệp trong phòng thí nghiệm - Ảnh: sggp.org.vn
|
Với những ưu điểm trên, nghiên cứu giá trị trong phòng thí nghiệm này đã được mở rộng thí nghiệm lâm sàng nhằm hoàn thiện bộ kit trên quy mô sản xuất công nghiệp và thương mại hóa bộ kit. Hiện nay, nhóm nghiên cứu đã phát triển được các dòng sản phẩm với nhiều ưu điểm, loại bỏ sai số thô do quá trình lấy mẫu. Tiến sĩ Nguyễn Lê Thu Hà chia sẻ: "Các dòng sản phẩm của chúng tôi rất khác nhau. Dòng sản phẩm đặc tính cho COVID thì đặc thù, có ý nghĩa quan trọng trong ngăn chặn COVID - 19. Hiện đã ra phiên bản thứ 6 với nhiều mục tiêu và cách sử dụng khác nhau".
Tiến sỹ Lưu Hải Minh, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội, đánh giá: "Tôi đánh giá rất cao nghiên cứu khoa học ở trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội. Tôi nhận thấy dự án này rất tiềm năng, nghiên cứu rất bài bản".
Bộ kit BK-LAMP- nCoV không chỉ nhận được sự quan tâm của trong nước mà còn của các nước châu Âu và Mỹ vì khả năng ứng dụng phù hợp trong việc mở rộng quy mô xét nghiệm SARS-CoV-2 tại các nước này. Hiện tại các nhà khoa học của Đại học Bách khoa đang tìm các đối tác để sản xuất trên quy mô công nghiệp bởi con đường hiệu quả nhất trong việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học chính là kết hợp giữa nhà khoa học với doanh nghiệp.
Tiến sĩ Nguyễn Lê Thu Hà cho hay: "Giữa nhà khoa học và doanh nghiệp rất cần cầu nối trung gian để có thể dung hòa những quan điểm khác biệt. Điều chúng tôi lúng túng và cần hiểu là từ phòng thí nghiệm ra sản xuất sẽ như thế nào. Sẽ có sự vênh nhau giữa phòng thí nghiệm và sản xuất công nghiệp, đại trà. Vấn đề này chúng tôi đang cố gắng cập nhật, bắt kịp thực tế. Ngay từ đầu khi chọn kỹ thuật nào để ứng dụng chúng tôi đã hướng đến đặc thù của Việt Nam là rẻ, nhanh và cần ít máy móc, đơn giản để dễ sử dụng. Về kỹ thuật, chúng tôi hoàn toàn tự tin là có thể đáp ứng việc phát hiện ra virus, góp phần phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ".
Việc tiến sỹ Nguyễn Lê Thu Hà cùng các cộng sự ở trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội tìm cách kết hợp với các doanh nghiệp để thương mại hóa sản phẩm là hành trình khởi nghiệp không mấy dễ dàng song nhiều triển vọng phát triển.