(VOV5) - Chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, khuyến khích chị em khởi nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch.
Cơ sở lưu trú và cung ứng dịch vụ du lịch Homestay Tâm Nhung của chị Lò Thị Tâm và chị Lò Thị Nhung, khai trương ngày 28/4/2021 tại bản Vàng Pheo, xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Chỉ sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, Homestay Tâm Nhung là mô hình khởi nghiệp du lịch điển hình ở bản Vàng Pheo.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Bản Vàng Pheo là vùng đất sinh sống lâu đời của đồng bào dân tộc Thái trắng. Vàng Pheo là 1 trong 11 bản du lịch cộng đồng hấp dẫn ở tỉnh Lai Châu.
Được mẹ chồng là nghệ nhân ẩm thực dân tộc Thái bà Lò Thị Đối truyền dạy cách chế biến các món ẩm thực truyền thống dân tộc Thái, chị Lò Thị Nhung cùng với em gái chồng là Lò Thị Tâm quyết định khởi nghiệp làm dịch vụ du lịch. Ban đầu hai chị em mở nhà hàng Tâm Nhung kinh doanh dịch vụ ăn uống. Tâm huyết với nghề, nhạy bén với thị trường, chẳng bao lâu hai chị em mở rộng kinh doanh, xây dựng cơ sở lưu trú và cung ứng dịch vụ du lịch Homestay Tâm Nhung. Đây là homestay đầu tiên được mở ở bản Vàng Pheo.
Homestay Tâm Nhung - Ảnh: Ngọc Anh |
Chị Lò Thị Nhung cho biết: "Tôi khởi nghiệp từ năm 2019. Tôi mong muốn bảo tồn tri thức văn hóa dân gian, ẩm thực dân tộc Thái. Homestay Tâm Nhung có 8 phòng, tối đa chứa được 40 người. Đến với homestay Tâm Nhung, du khách được thưởng thực ẩm thực dân tộc Thái, trải nghiệm các nét văn hóa đặc sắc như múa xòa, múa sạp. Khách tự bắt cá, nhặt rêu đá rồi tự vào bếp nấu cùng nhân viên. Chúng tôi cho du khách trải nghiệm gội đầu kiểu dân tộc Thái, người Thái vào ngày 30 Tết có lễ gội đầu để cầu may mắn và sức khỏe. Lượng khách cao điểm từ tháng 10 âm lịch đến tháng 1 âm lịch, khách nước ngoài có Italy, Nhật Bản. Tôi nhận khách cả qua zalo, facebook. Tính theo combo, mỗi người cả ăn và ngủ là 250 ngàn đồng/ngày".
Thực hiện Đề án mô hình phụ nữ khởi nghiệp của tỉnh Lai Châu, huyện Phong Thổ chỉ đạo các xã xây dựng mô hình phụ nữ khởi nghiệp gắn với các điều kiện thực tế của từng địa phương. Đã có nhiều mô hình phụ nữ khởi nghiệp thành công từ sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản, sản xuất hàng thủ công, kinh doanh nhà hàng, du lịch, homestay… Chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, khuyến khích chị em khởi nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch.
Biểu diễn văn nghệ ở Homestay Tâm Nhung - Ảnh: Ngọc Anh |
Chị Mai Thị Hồng Sim, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phong Thổ, cho biết: "Mô hình Homestay hiện nay đang được nhân rộng trên địa bàn huyện Phong Thổ. Những mô hình homestay này được huyện quan tâm và hỗ trợ, tạo điều kiện phụ nữ phát triển kinh tế hộ gia đình và tạo công ăn việc làm cho phụ nữ huyện Phong Thổ. Từ mô hình này cũng giúp cho bà con nhân dân đối với các bản du lịch phát triển về kinh tế hộ gia đình và tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Qua đó, góp phần tạo bình đẳng giới, chị em cùng phấn đấu vươn lên xóa đói giảm nghèo. Những mô hình homestay vẫn giữ nguyên nét bảo tồn bản sắc văn hóa, kiến trúc truyền thống đặc trưng của từng đồng bào dân tộc".
Homestay Tâm Nhung mở ra tạo công ăn việc làm cho lao động nữ ở địa phương. Hiện nay, Homestay Tâm Nhung có 4 chị em làm công, thu nhập ổn định với mức lương tính theo ngày, khi đông khách là 500 ngàn/ngày còn ngày bình thường 300 ngàn đồng/ngày. Năm 2021, Homestay Tâm Nhung thử nghiệm dịch vụ dệt vải, làm các đồ lưu niệm bán cho du khách và cho du khách trải nghiệm quá trình làm sản phẩm. Chủ cơ sở Homestay Tâm Nhung ấp ủ ý tưởng mở quầy bán hàng lưu niệm cho du khách để đa dạng hóa dịch vụ.
Hai chị em Lò Thị Nhung, Lò Thị Tâm là những người tiên phong khởi nghiệp mở homestay ở bản du lịch Vàng Pheo. Học tập mô hình Homestay Tâm Nhung kinh doanh thành công, bà con trong bản đã mở thêm các homestay. Đó là những ngôi nhà sàn mang đậm dấu ấn truyền thống dân tộc Thái. Các hộ kinh doanh homestay liên kết chặt chẽ với nhau.
Ẩm thực địa phương được giới thiệu tới du khách đến với Homestay Tâm Nhung |
Theo chị Lò Thị Tâm: "Hiện tại trong bản có 5 nhà làm cùng nhau thôi nhưng liên kết với nhau. Sắp tới, xu hướng muốn phát triển lên thành hợp tác xã Tâm Nhung. Nếu đi lên hợp tác xã sẽ giúp được bà con trong bản, giúp cho nhiều hộ gia đình cùng nhau phát triển nhiều hơn. Nhà tôi đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu công nhận 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao OCOP (chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm), là: thịt lợn sấy Tâm Nhung, lạp sườn thịt lợn Tâm Nhung và thịt lợn treo gác bếp Tâm Nhung. Khách đến đây rất hài lòng về cảnh quan, môi trường thoáng mát, được thưởng thức các món ăn ngon và chiêm ngưỡng những điệu múa đặc sắc của bà con trong bản".
Hiện nay, ở bản Vàng Pheo, Homestay Tâm Nhung đã mở 2 cơ sở, cơ sở 1 kinh doanh dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi và cơ sở 2 là quán café Tâm Nhung. Chủ Homestay Tâm Nhung đang xúc tiến mở thêm một nhà hàng nữa ở thành phố Lai Châu. Mô hình Homestay Tâm Nhung là điểm sáng khởi nghiệp dịch vụ du lịch ở bản Vàng Pheo.