(VOV5) - Hiện các địa phương đã triển khai phương án đối phó với bão.
Ngày 16/09, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp ứng phó với bão Noul, cơn bão thứ 5 trên Biển Đông ảnh hưởng tới Việt Nam trong năm nay.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Đoàn Bắc |
Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương trên biển và các đảo kiểm soát chặt chẽ việc ra khơi để hướng dẫn di chuyển thoát ra và không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn. Các tỉnh ven biển, đồng bằng và đô thị chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai phương án sơ tán, di dời, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm.
Theo dự báo, khoảng 7 giờ sáng 18/09, vị trí tâm bão Noul sẽ vào vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam. Hiện các địa phương đã triển khai phương án đối phó với bão. Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, cho biết: Địa bàn Sơn Trà có tàu thuyền khá nhiều nên đã chủ động phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống bão lụt Tp thông báo toàn thể bà con ngư dân phương án tránh trú bão đảm bảo cho bà con có thông tin sớm nhất, thực hiện phương án tốt nhất để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi bão vào Trung trung bộ.
Hướng đi dự báo của bão số 5. Nguồn: TDBKTTVQG |
Tại tỉnh Quảng Bình, hơn 7.000 tàu thuyền với hơn 22.300 lao động đang hoạt động trên biển. Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, cho biết: Đơn vị tổ chức hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền khi tàu thuyền vào bờ. Kết nối thông tin trên biển để liên lạc với các tàu thuyền, thông báo cho người dân nắm được đường đi, vị trí của cơn bão, kêu gọi tàu thuyền trở vào bờ. Chẩn bị các phương tiện, lực lượng sẵn sàng ứng cứu.
Cùng với đó, các địa phương triển khai các phương án bảo vệ sản xuất, chủ động tiêu nước chống úng ngập đối với các đô thị và bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Bảo vệ công trình, khu du lịch, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, các công trình đang thi công, khu vực khai thác khoáng sản. Bảo vệ, gia cố đê điều, nhất là đối với các tuyến đê biển, đê cửa sông; sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.