(VOV5) -Hiện nay, du lịch làng nghề trở thành một xu hướng được du khách ưa thích.
Làng nghề truyền thống là một trong những đặc trưng của nông thôn Việt Nam. Hiện nay, du lịch làng nghề trở thành một xu hướng được du khách ưa thích.
Một sản phẩm làng nghề tham gia Hội chợ làng nghề Việt nam tháng 11 2017 tại Hà Nội |
Bên cạnh những lợi ích về kinh tế - xã hội, du lịch làng nghề còn giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Các địa phương phải làm thế nào để tạo ra sự khác biệt, thu hút du khách, vừa tận dụng được thế mạnh của mình.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Việt Nam có hàng nghìn làng nghề ở các địa phương. Mỗi làng nghề gắn với truyền thống văn hóa của một vùng đất. Bởi thế, làng nghề không chỉ tạo việc làm, nâng cao đời sống của người dân mà còn nhiều tiềm năng về du lịch.
Sản phẩm mây tre đan của Thừa Thiên Huế |
Hiện nay, tại nhiều địa phương như ở Hội An (Quảng Nam), Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Hà Nội…. đang triển khai khá hiệu quả mô hình phát triển làng nghề gắn kết với du lịch này.
Ông Trần Dực, Phó Chi cục trưởng chi cục Phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế cho biết: “Nhiều tổ chức du lịch,đơn vị lữ hành đã đưa đến các tour trải nghiệm ở những làng nghề, du lịch sinh thái và các hoạt động du lịch khác ở Thừa Thiên Huế. Chẳng hạn như làng nghề mây tre đan BaoLa nằm trong tua du lịch Tam Giang. Khách du lịch đến thăm làng rồi tiếp tục khám phá vùng Tam Giang, đi giăng câu quang chài thả cá. Đó là trải nghiệm thú vị. Du khách nước ngoài cũng rất thích tham quan làng nghề đúc đồng, làm nón..”.
Ông Trần Dực, Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNT Thừa Thiên Huế |
Tuy nhiên, theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam hiện nay loại hình du lịch cộng đồng này phát triển chưa đồng đều, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của những làng nghề Việt Nam.
Ông Erik Dubois, du khách Pháp rất thích đến Việt Nam bởi phong cảnh đẹp và con người mến khách.
Vợ chồng ông Eric, du khách Pháp |
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông thì dịch vụ về du lịch của Việt Nam chưa thật phong phú:“Tôi chưa biết nhiều ngôi làng ở Việt Nam, ngoại trừ Hội An và Sapa nơi tôi có trải nghiệm thú vị vào năm 2011. Tôi nghĩ rằng, để mọi người đến với Việt Nam nhiều hơn và muốn quay trở lại thì điều quan trọng du lịch Việt Nam nên có sự đa dạng hơn.
Tôi muốn nói là cần tạo một thương hiệu Việt Nam, sản phẩm chất lượng cần được quảng bá nhiều hơn. Thực ra, người Pháp biết ít về hàng Việt Nam trừ một số thứ gọi là mây tre hay quần áo. Đến Việt Nam nhiều lần tôi mới thấy ở đất nước các bạn có nhiều thứ thực sự thú vị cần khám phá. Và tôi thích điều đó”.
Sản phẩm Nón chuông của làng Chuông ở Thanh Oai, Hà Nội
|
Để tạo thêm lực đẩy cho du lịch làng nghề phát triển hơn nữa, theo ông Trần Dực, Phó Chi cục trưởng chi cục Phát triển Nông thôn Thừa Thiên Huế, trước tiên phải gắn với lợi ích giữa các đơn vị lữ hành với các cơ sở làng nghề:
“Có những làng nghề, khách du lịch đến không mua sản phẩm mà chỉ muốn trải nghiệm. Vì thế, phải làm thế nào để bà con cũng được hưởng quyền lợi khi du khách đến tham quan. Bên cạnh đầu tư về cơ sở hạ tầng, địa phương cần tổ chức đào tạo tập huấn để người dân biết cách phát triển dịch vụ du lịch, chẳng hạn du lịch kiểu homestay như thế nào. Vì bà con không am hiểu nhiều về du lịch nên cần phổ biến kiến thức cho họ để tạo cùng tạo nên những sản phẩm về du lịch khác biệt”.
Sản phẩm sứ của làng nghề Chu Đậu, Hải Dương |
Ông Nguyễn Thái Hưng, chủ doanh nghiệp ở tỉnh Điện Biên cho rằng địa phương vốn nhiều đặc sản như rượu Sâu Chít, gạo nếp nương, nấm hương, mộc nhĩ, măng đắng. Nhờ có phát triển du lịch mà sản phẩm địa phương được du khách nhiều vùng miền biết đến. Tuy nhiên, để tạo thêm sức bật hơn nữa cho loại hình du lịch cộng đồng này thì cần phải đẩy mạnh hơn nữa khâu tiếp thị hay hoạt động thương mại điện tử để những sản vật địa phương được biết đến nhiều hơn không chỉ ở trong nước:
“Tôi mong muốn Nhà nước và chính quyền tỉnh Điện Biên có những hỗ trợ cho những cơ sở phát triển ngành nghề của mình, song song với đó đưa hình ảnh của Điện Biên đến với du khách trong và ngoài nước. Làm sao khi khách đến tham quan cảnh đẹp Điện Biên, làm sao hướng họ đến những làng nghề, đến những cơ sở có thương hiệu để họ trải nghiệm, tham quan cũng như thưởng thức đặc sản hay ẩm thực”.
Làng nghệ lụa Vạn Phúc, Hà Nội luôn thu hút khách du lịch |
Từ thực tiễn phát triển du lịch làng nghề cho thấy phương thức kết hợp này nếu được triển khai hiệu quả sẽ không chỉ bảo tồn, phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống mà còn thêm sức hút mới, sự đa dạng trong sản phẩm du lịch và thúc đẩy kinh tế các địa phương.