(VOV5) - Việc đưa vào sử dụng và phát triển khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tại Việt Nam đã và đang còn nhiều cơ hội cho ngành năng lượng Việt Nam.
Sáng nay (24/1), tại Hà Nội, Tạp chí Năng lượng sạch Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo “Phát triển điện khí ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức”.
Quang cảnh hội thảo |
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng việc đưa vào sử dụng và phát triển khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tại Việt Nam đã và đang còn nhiều cơ hội cho ngành năng lượng Việt Nam, song thực tế còn nhiều khó khăn, trở ngại để đưa vấn đề này trở thành hiện thực. Chính phủ và các cơ quan chức năng đã nhận thức rõ tầm quan trọng của khí thiên nhiên hóa lỏng trong bối cảnh phát triển năng lượng gắn liền với bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, các chuyên gia đánh giá tổng quan tiến trình phát triển điện khí nói riêng và phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững tại Việt Nam nói chung hiện nay.
Để phát triển ngành điện khí, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng: “Nhà nước phải có các biện pháp khuyến khích hoặc các biện pháp bảo hộ cần thiết. Thứ hai, trong giai đoạn đầu phải có hỗ trợ từ Nhà nước. Chẳng hạn như hỗ trợ về tài chính, hỗ trợ về cơ chế chính sách, làm sao chi phí cho ngành điện khí giảm đi. Thứ ba, cần tạo ra thị trường cạnh tranh trên cơ sở đó có nhiều thành phần tham gia thị trường. Đó là động lực cho thị trường phát triển. Nhìn xa hơn nữa tiềm năng của ngành điện khí rất lớn, chúng ta có thể nghĩ đến xu hướng quốc tế. Do đó có thể hỗ trợ các doanh nghiệp lớn của ngành điện khí Việt Nam tiến hành đầu tư vào các mỏ khí, phát triển điện khí ở các nước khác”.
Một trong những mục định hướng phát triển điện lực quốc gia là khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng hóa thạch trong nước kết hợp với nhập khẩu các nguồn số lượng nhập khẩu, giảm dần tỷ lệ nhiệt điện than, ưu tiên phát triển điện khí trong nước, phát triển các nguồn điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu với quy mô phù hợp. Cơ cấu nguồn định hướng đến năm 2030 nhiệt điện khí trong nước đạt 14.930 megawatt (MW), chiếm 9,9 %, nhiệt điện khí thiên nhiên hóa lỏng và 22.400 megawatt (MW) đạt 14,9 %.