(VOV5) - Sau gần 2 tháng không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, Việt Nam xuất hiện hàng chục ca nhiễm mới mỗi ngày tại nhiều tỉnh thành.
Đại dịch Covid-19 lại bùng phát tiếp tục thử thách Việt Nam với những diễn biến phức tạp và nghiêm trọng hơn. Biến thể mới của virus Sars Covi-2 được cho là nguy hiểm vì mức độ lây lan nhanh hơn. Sau gần 2 tháng không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, Việt Nam xuất hiện hàng chục ca nhiễm mới mỗi ngày tại nhiều tỉnh thành. Trong tình hình này, với tinh thần quyết tâm cao nhất, các bộ ban ngành từ trung ương đến địa phương đang nỗ lực truy vết, khoanh vùng không để dịch bệnh lây lan.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Theo Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội huyết học truyền máu Việt Nam, biến thể mới virus Sars Cov2 đang xuất hiện ở nhiều nước với những diễn biến khó lường vì tốc độ lây nhiễm cao hơn so với chủng gốc, khiến cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 càng ngày càng cam go, phức tạp:
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội huyết học và truyền máu Việt Nam |
“Biến thể mới này nguy hiểm ở chỗ là lây lan rất nhanh, chỉ trong mấy tuần đã có ở mấy chục nước. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu thuyên giảm, số người nhiễm và tử vong vẫn tăng hàng ngày. Sự xuất hiện biến chủng mới khiến chúng ta quan ngại và không được chủ quan và cũng đừng quá lo lắng. Cho đến giờ còn quá sớm để nói được hậu quả gây suy hô hấp đến mức nào. Tôi nhắc lại, dù sao thì tuyệt đối không được chủ quan”. Giáo sư Anh Trí nói,
Sau 55 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng, Việt Nam đầu năm 2021 lại xuất hiện các trường hợp lây nhiễm mới. Theo số liệu Bộ y tế tính đến nay, riêng trong đợt dịch mới Việt Nam có hơn 500 ca nhiễm Covid tại 12 tỉnh thành trên cả nước.
Đánh giá về tốc độ lây lan của lần bùng phát này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Đợt dịch lần này xảy ra với một mức độ lây nhiễm và tốc độ nhanh chóng. Sau 55 ngày bình yên, Việt Nam ghi nhận 2 trường hợp tại Hải Dương và Vân Đồn. Chỉ một ngày sau tăng đến 82 trường hợp và những ngày sau xuất hiện những ca mắc mới với một con số lớn. Phân tích về giải trình tự gen của một một số trường hợp tại Viện vệ sinh dịch tễ thì có thể đây là một biến chủng đột biến của virus corona giống như ở Anh, hiện đã lây lan ra 80 nước.”
Thứ trưởngThứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn ( bìa phải) thăm và làm việc với cán bộ, nhân viên y tế làm việc tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi (ảnh: BYT) |
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại những ngày gần Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, đây cũng là thời điểm người dân đi lại tăng đột biến. Do đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch phải quyết liệt và khẩn trương, làm sao ngăn chặn kịp thời và hiệu quả việc lây nhiễm ra cộng đồng. Về những biện pháp mà Bộ Y tế cùng với Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid đang nỗ lực triển khai, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: “Trong thực tế, khi mà biến chủng lây lan trong cộng đồng thì biện pháp xử lý hết sức quan trọng đó là phát hiện truy vế thần tốc, phải cách ly khoanh vùng dập dịch. Càng truy vết nhanh càng hạn chế sự lây lan của virus. Chưa bao giờ chúng ta quyết liệt như lúc này, và thực hiện mở rộng rất nhiều xét nghiệm đến F4 để quét nghi ngờ”.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thăm và làm việc với Bệnh viện dã chiến Củ Chi ngày 30 Tết (ảnh: BYT) |
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc sớm đưa vaccine phòng Covid-19 đến người dân, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ Y tế cũng đang tập trung cao độ cho công tác chuẩn bị vaccine từ 2 nguồn mua của nước ngoài và tự sản xuất trong nước. Cùng với đó, nhằm huy động sức mạnh của người dân cả nước, các tỉnh thành phố đã khẩn trương thiết lập những đội phản ứng nhanh chống Sars- CoV-2:
“Chúng ta có có kinh nghiệm trong đợt bùng phát của dịch trước đây. Ngay từ đầu năm 2020, Bộ Y tế đã xây dựng phương các tiểu ban trong đó lên các tình huống phương án mua vật dụng vật tư, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống dịch. Đến bây giờ, chúng tôi tương đối yên tâm, vì tất cả phương tiện trang thiết bị được chuẩn bị sẵn sàng, và quyết tâm sẽ sớm khống chế được các ổ dịch ở Hải Dương, Quảng Ninh và những địa phương khác".
Cán bộ nhân viên Bệnh viện dã chiến Củ Chỉ, Bộ Y tế Thành phố Hồ Chí Minh |
Dịp Tết đang cận kề tiếp sau đó các lễ hội mùa xuân, Giáo sư Nguyễn Anh Trí khuyến cáo mỗi người dân phải nâng cao nhiều hơn nữa trách nhiệm với cộng đồng để công tác phòng chống dịch bệnh của Việt Nam đạt hiệu quả: "Chúng ta tuyệt đối không chủ quan. Đặc biệt vào tháng Giêng và Tết âm lịch thì câu chuyện này rất đáng lo vì những lý do sau. Thứ nhất, tháng Giêng là mùa lạnh - thời điểm các bệnh về virus rất dễ lây lan. Đây là tháng rất nhiều người về quê ăn Tết. Thứ ba là đây thời điểm diễn ra nhiều lễ hội kéo dài đến tận tháng 3 âm lịch. Vì vậy, mọi người dân phải tuyệt đối tuân thủ khuyến cáo của Bộ Y tế về 5 K”. Trong đó, đặc biệt lưu ý việc đeo khẩu trang, giãn cách xã hội hợp lý, thực hiện nghiêm túc khai báo y tế. Nếu làm tốt được những vấn đề này thì tôi tin rằng Việt Nam sẽ khống chế hiệu quả dịch bệnh trong thời kỳ mùa Xuân này.”
Việt Nam đã và đang đạt được những kết quả trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Nhưng nhìn từ những gì đang xảy ra nhắc nhở chúng ta về bài học không chủ quan lơ là bởi nếu không sẽ phải gánh chịu hậu quả khôn lường. Cùng với các lực lượng tuyến đầu chống dịch, mỗi người dân chính là một tấm lá chắn trên mặt trận đó bằng chính ý thức và trách nhiệm với cộng đồng.