(VOV5) - Tỉnh Cà Mau đang triển khai bước đầu hướng thị trường carbon, để giúp người trồng rừng có thêm thu nhập.
Tỉnh Cà Mau có khoảng 140.000 ha rừng. Rừng được người dân bảo vệ, tái tạo, phát triển thông qua những mô hình kinh tế rừng hiệu quả, bền vững.
Người dân huyện Ngọc Hiển giữ rừng đước để phát triển du lịch sinh thái. Ảnh: VOV |
Nghe âm thanh tại đây:
Từ thành phố Cà Mau theo quốc lộ 1A xuôi về cực Nam Tổ quốc (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển), ai cũng thấy những tán rừng đước, rừng mắm trải dài hai bên đường. Đa phần rừng được người dân tận dụng để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Điểm du lịch cộng đồng Hoàng Hôn (ấp Mũi, xã Đất Mũi) liên kết với người dân có đất để cho du khách được tự tay trồng rừng. Du khách có thể trồng cây đước hay cây mắm rồi cắm bảng ghi tên mình. Hằng tháng, nhân viên của điểm du lịch cộng đồng Hoàng Hôn chụp hình sự phát triển của cây rừng gửi đến khách theo dõi. Anh Nguyễn Trung Kiên, người quản lý, khai thác sản phẩm du lịch trồng rừng tại điểm du lịch Hoàng Hôn, cho biết: “Người dân địa phương có đất, họ sẽ liên kết cùng xây dựng lên sản phẩm du lịch. Nhà nhà và người người đều làm du lịch. Chúng tôi hỗ trợ người dân để xây dựng thêm nhiều điểm du lịch cộng đồng, hỗ trợ nhiều bà con làm du lịch. Đó cũng là để cải thiện kinh tế, đời sống của người dân Đất Mũi, nâng tầm du lịch cao hơn nữa”.
Ông Nguyễn Minh Đua, một trong những hộ dân làm du lịch cộng đồng cho biết: “Những hộ làm du lịch cộng đồng người ta phấn khởi hơn là do khách đến thích nơi còn hoang sơ, sinh thái. Có cây rừng khách mới đến, cây rừng mang lại giá trị rất cao cho những hộ làm du lịch”.
Mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng giúp tạo ra sản phẩm tôm sạch có giá trị cao. Ảnh: VOV |
Ngoài du lịch sinh thái thì mô hình nuôi tôm sinh thái cũng giúp nâng cao thu nhập và người dân hiểu hơn giá trị của việc bảo vệ rừng. Huyện Ngọc Hiển đang có 21.000/57.000 ha nuôi tôm dưới tán rừng được các tổ chức quốc tế chứng nhận sạch, sinh thái. Ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Để nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng đạt năng suất và chất lượng, huyện đã chỉ đạo xây dựng sổ tay hướng dẫn cho người dân thực hiện quy trình nuôi tôm. Đã tập huấn cho hầu hết hộ dân nuôi tôm trên địa bàn. Có những mô hình, người dân một đêm thu được cả trăm kg tôm sú”.
Nếu như người dân vùng Đất Mũi dựa vào tán rừng đước, rừng mắm; với những đặc sản, như cua Cà Mau; tôm khô Rạch Gốc,… để phát triển du lịch thì người dân vùng đất rừng U Minh Hạ phát triển dựa vào tán rừng tràm, với nghề nuôi ong lấy mật và nuôi cá. Anh Phạm Duy Khanh, chủ điểm du lịch cộng đồng Mười Ngọt (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời), cho biết: “Điểm sinh thái cộng đồng Mười Ngọt được khách biết đến từ nghề ăn ong. Khách tới đây đều muốn trải nghiệm đi lấy ong và đều cảm thấy rất vui vẻ. Mọi người biết đến nghề truyền thống ở đây nhiều hơn”.
Tỉnh Cà Mau còn trồng cây keo ở rừng U Minh Hạ. Giá trị cây keo được đánh giá cao gấp 3 lần so với cây tràm truyền thống. Cũng vì vậy, mô hình trồng keo nhanh chóng được nhân rộng và hiện tại, vùng đất rừng U Minh hạ có 30.000 ha rừng sản xuất là keo. Ông Nguyễn Văn Tẻn ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Keo trồng năng suất cao lắm. Trồng keo nhanh cho thu hoạch và dễ bán hơn, còn trồng tràm thì chậm cho thu hoạch và cây cho năng suất không cao”.
Tỉnh Cà Mau cũng đang triển khai bước đầu hướng thị trường carbon, để giúp người trồng rừng có thêm thu nhập. Ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết: “Hấp thụ carbon của rừng ngập mặn cao hơn 3 đến 4 lần rừng trên cạn. Từ đó, thu nhập từ tín chỉ carbon rừng của địa phương sẽ cao. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đến tìm hiểu thị trường carbon, tỉnh Cà Mau đã cho phép tiếp cận nghiên cứu, tính toán để khi Chính Phủ có hành lang pháp lý thì sẽ có cơ hội sớm triển khai thực hiện”.
Tỉnh Cà Mau giữ được rừng, phát triển rừng nhờ có những giải pháp đồng bộ. Đặc biệt, việc phát triển các mô hình kinh tế dưới tán rừng đã góp phần tăng thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế rừng bền vững.