(VOV5) - Các thế hệ nhân dân hai nước đã và đang xây lên những viên gạch giúp cây cầu hữu nghị Việt-Trung ngày càng vững chắc.
Trong dòng chảy chung của quan hệ hữu nghị Việt-Trung 75 năm qua (1950-2025), sự gắn bó mật thiết giữa nhân dân hai nước đóng vai trò quan trọng. Đây cũng chính là nền tảng góp phần xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược trong giai đoạn mới.
Là 1 trong 75 du học sinh Việt Nam đầu tiên sang học tại trường Dục Tài, Quế Lâm, Quảng Tây, Trung Quốc học tập trong những năm tháng chiến tranh, ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên ủy viên Bộ Chính Trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, không thể quên những tình cảm mà các thầy, cô và nhân dân Trung Quốc dành cho lứa học sinh như ông trong thời kỳ đó. Ông nhớ lại: "Thời điểm đó, cả Việt Nam và Trung Quốc đều rất khó khăn, thiếu thốn, nhưng học sinh Việt Nam đã được hưởng điều kiện tốt nhất về giáo dục, để sau này trở về nước thực hiện nhiệm vụ cách mạng và xây dựng đất nước. Có thể nói rằng Trung Quốc là hậu phương của cách mạng Việt Nam trong lúc khó khăn".
Ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên ủy viên Bộ Chính Trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, không thể quên những tình cảm mà các thầy, cô và nhân dân Trung Quốc dành cho lứa học sinh như ông - Ảnh: Ánh Huyền/VOV5 |
Những học sinh Việt Nam từng sang Trung Quốc học tập như ông Nguyễn Thiện Nhân, là minh chứng cho tình cảm hữu nghị nhân dân bền chặt, luôn dành cho nhau sự ủng hộ trong hoàn cảnh khó khăn, để cùng đi đến thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng của mỗi nước.
Tiếp bước truyền thống hữu nghị của thế hệ cha anh, thế hệ trẻ hai nước hiện nay luôn ý thức về vai trò cầu nối của mình trong thúc đẩy quan hệ giao lưu nhân dân Việt-Trung, bằng nhiều cách. Trần Thiên Tú, cô gái Việt Nam đam mê ngôn ngữ và văn hoá Trung Quốc, trở thành hiện tượng mạng, một “Tik Toker” triệu view với các bài hát nhạc Việt dịch lời Hoa. Chia sẻ về đam mê của mình, Trần Thiên Tú cho biết: "Em học tiếng Trung từ cấp hai sau đó lựa chọn đi du học thì em chọn Trung Quốc, học ở Học viện Hý kịch Trung ương Trung Quốc. Những kiến thức sâu về chuyên ngành ở đây đã cho em hành trang vững chắc khi về nước đóng góp cho nghệ thuật nước nhà, cũng như tình hữu nghị của hai nước. Trong những bài hát em đã dịch, ban đầu em chỉ muốn chia sẻ niềm đam mê với âm nhạc cũng như với tiếng Trung, nhưng dần các video như một điểm để giao lưu văn hóa giữa bạn trẻ hai nước".
Còn Hoàng Hiểu Long, sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ học tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, trở về làm giảng viên tại Đại học Quảng Tây, với mong muốn tiếp tục “truyền lửa” cho các thế hệ sau nối tiếp truyền thống, vun đắp mối quan hệ Việt – Trung ngày càng bền chặt: "Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, em quay trở lại Quảng Tây với mục tiêu trở thành người kế cận các thế hệ cha anh, tiếp tục giảng dậy cho các em sinh viên về quan hệ tốt đẹp Việt Nam – Trung Quốc, để cùng đóng góp vào sự phát triển của mỗi nước, xây dựng mối quan hệ Việt – Trung mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững".
Với sự tương đồng về văn hóa, gần gũi về địa lý và bề dày lịch sử truyền thống hữu nghị, các thế hệ nhân dân hai nước đã và đang xây lên những viên gạch giúp cây cầu hữu nghị Việt - Trung ngày càng vững chắc.