(VOV5) - Công trình nghệ thuật “Nước” trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật, không chỉ nhắc nhớ người dân về việc bảo vệ môi trường, mà còn hứa hẹn là điểm đến ấn tượng trong tour du lịch phố cổ Hà Nội
Với ý tưởng biến cầu đi bộ Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, thành công trình nghệ thuật công cộng, các tác phẩm “Thuỷ cung”, “Tương lai”, “Sóng” trong dự án nghệ thuật “Nước” của nhóm hoạ sỹ Vũ Xuân Đông, Lê Đăng Ninh, Cấn Văn Ân, đã tạo điểm nhấn đặc biệt trên công trình giao thông này. Các tác phẩm được làm từ rác thải nhựa đã thu hút sự quan tâm của nhiều người dân và du khách.
Dọc theo hành lang cầu đi bộ Trần Nhật Duật, một “Thuỷ cung” trên cạn với nhiều mô hình các loại vật dưới biển, như: Cá voi xanh, cá heo, cá đuối, cá kiếm, cá nhà táng, sứa, san hô… đang bơi lượn trong 1 dòng chảy suốt chiều dài cây cầu vượt. Hoạ sỹ Vũ Xuân Đông chia sẻ: "Những chai nhựa bỏ đi chúng tôi đã thu gom rất nhiều nơi, nhiều nguồn, từ gia đình mình từ hàng xóm, họ rất hào hứng cho chúng tôi rất nhiều. Sau khi gom được rồi, chúng tôi sử dụng vật liệu nhựa có bắt sáng rất tốt. Chúng tôi dùng để làm đèn chiếu sáng và có hiệu ứng rất long lanh, tôi cắt ra và biến nó thành nhiều hình thái khác nhau như bông hoa, những rặng san hô hay những rong rêu của biển. Đấy là cả quá trình".
Dự án nghệ thuật “Nước” không chỉ đưa người dân lạc vào con đường “Thuỷ cung” nhiều màu sắc, mà còn mang đến góc nhìn ấn tượng về nghệ thuật ánh sáng. Xuyên suốt hai bên hành lang cầu là tác phẩm sắp đặt ánh sáng với chủ đề “Sóng” của hoạ sĩ Lê Đăng Ninh. Họa sỹ Lê Đăng Ninh cho biết: "Với dự án cầu đi bộ Trần Nhật Duật này tôi có lấy cảm hứng từ con sông Hồng, một con sông rất quan trọng với kinh thành Thăng Long Hà Nội. Ở đây tôi dùng 2 hình thái. Đấy là những họa tiết điêu khắc thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn, và những ký hoạ từ đầu thế kỷ thứ 19. Tôi kết hợp lại thành một tác phẩm đương đại, có hiệu ứng thị giác tốt hơn. Tôi lựa chọn yếu tố là những con sóng, có ý nghĩa là những nhân vật, hoạt cảnh từ đầu thế kỷ 19. Những ngành nghề ấy có ý nghĩa rất quan trọng với sự phát triển của Hà Nội".
Đặc biệt, phía chân cầu thang đi bộ từ cả 2 hướng được thiết kế các bức vẽ “Cá chép vượt Vũ Môn” hình ảnh khai thác từ kho tàng tranh dân gian Hàng Trống trên những bậc thang, gợi nhắc hành trình học tập của các em học sinh mỗi ngày khi leo thang bộ đi học.
Công trình nghệ thuật “Nước” trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật, không chỉ nhắc nhớ người dân về việc bảo vệ môi trường, mà còn hứa hẹn là điểm đến ấn tượng trong tour du lịch phố cổ Hà Nội của du khách trong và ngoài nước.