(VOV5) Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt còn là nơi cung cấp các sứ giả văn hóa, là nhịp cầu hữu nghị giữa Việt Nam và thế giới qua tiếng Việt.
Khoa Việt Nam học và tiếng Việt, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia từ lâu là nơi đào tạo Tiếng việt và giới thiệu văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài. Đây còn là ngôi trường có truyền thống lâu đời, cung cấp các sứ giả văn hóa, là nhịp cầu hữu nghị giữa Việt Nam và thế giới qua tiếng Việt.
Môi trường học tập linh hoạt và đầy tính nhân văn đang ngày càng thu hút nhiều sinh viên quôc tế đến học tiếng Việt và các chuyên ngành liên quan. Mời quý thính giả giả gặp gỡ những sinh viên nước ngoài đang học tập và nghiên cứu tại ngôi trường này:
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
Tham dự một ngày hội quốc tế do Khoa Việt Nam học và tiếng Việt tổ chức, dễ nhận thấy các bạn sinh viên nước ngoài đều có khả năng giao tiếp tiếng Việt khá tốt và hiểu biết về văn hóa Việt Nam. Họ nói nhiều với nhau về trường lớp, bạn bè, về cuộc sống ở Hà Nội và cả lý do chọn Việt Nam là đất nước du học.
Lớp học của các bạn sinh viên Nga và Triều Tiên |
Bạn Veronika, sinh viên người Nga: “Trước đây, Khi học phổ thông ở Nga, cô giáo chủ nhiệm em nói nhiều về Việt Nam. Trường em cũng có nhiều học sinh Việt Nam và em kết bạn với họ nghe họ nói nhiều về đất nước mình. Thế là em đi học tiếng Việt. Khi em quyết định đến Hà Nội học ngành Việt Nam học, bố mẹ em ngạc nhiên nhưng cũng ủng hộ.”
Lớp học của sinh viên Đức và Nga |
“Sau khi học trung học xong ở Beclin, em sang Thái Lan một năm sau đó em thấy thích và quan tâm đến văn hóa ở các nước Đông Nam Á. Ngoài Thái Lan, em chọn Việt Nam là đất nước thứ hai để theo học. Và em rất thích học lịch sử và văn hóa Việt Nam.”Johannes người Đức, tên Việt Nam là Sơn chia sẻ.
Còn với bạn Metsoti, Sinh viên Thái Lan cho biết học tiếng Việt để hiểu thêm về nguồn gốc Việt Nam của mình: “Em nghĩ rằng, mình có dòng máu là người Việt Namnên phải biết tiếngViệt và quê hương của mình.Ông bà em là người Việt nhưng mất từ khi em còn nhỏ nên em không có cơ hội được giao tiếp tiếng Việt. Vì thế, khi vào đại học ở Uđon, em chọn môn ngoại ngữ là tiếng Việt và may mắn được học bổng sang Việt Nam học chuyên ngành Việt Nam học”.
Các học viên người Nhật Bản và thầy cô giáo Khoa VN học và Tiếng Việt |
Tại khoa Việt Nam học và tiếng Việt, trung bình mỗi lớpcó từ 8-15 sinh viên nước ngoài theo học. Với tiêu chí tạo môi trường học tập hiệu quả, các thầy cô luôn tạo sự hứng thú,thoải mái trong mỗi tiết học.Từ những bỡ ngỡban đầu về ngôn ngữ nhưng được sự giảng dạy tận tình của các thầy cô nên chỉ trong khoảng 3-5 tháng, phần lớn cáchọc viên đã có thể giao tiếp tốt tiếng Việt và hiểu hơn bài giảng trên lớp.
Môi trường học tập khá thoải mái và tự nhiên |
Nói về học tiếng Việt, đa số sinh viên nước ngoài thấy khó nhưng thực sự thú vị: Bạn Magharita, người Ucraina và Cảnh Phong (Trung Quốc) nói
“ Em thấy khó nhất trong học tiếng Việt là phần phát âm và hệ thống dấu vì tiếng Ucraina không có dấu. Ngữ pháp tiếng Việt thì không khó lắm so với tiếng Pháp, tiếng Anh. Tiếng Việt hay vì có nhiều âm điệu”
“Khó nhất là nghe và nói ah nhưng đọc và viết thì cũng hơi dễ. Vì thế, để luyện thêm tiếng Việt, em kết bạn với các bạn Việt Nam và hàng ngày xem các chương trình trên TV”.
Thầy và trò |
Ngoài giờ học, sinh viên nước ngoài thích được trải nghiệm cuộc sống ở Việt Namqua các buổi ngoại khóa, dã ngoại, liên hoan tụ tập bạn bè hay về thăm những miền quê. Để trau dồi kiến thức, nhiều sinh viên như cô bạn Katerina còn đi dạy kèm tiếng Anh, tiếng Nga cho các gia đình người Việt hay sống cùng với một gia đình người Việt Nam.
Giáo trình học tiếng Việt cho người mới bắt đầu |
|
Khi đã hiểu vềvăn hóa, con người Việt Nam, có bạn còn muốn gắn bó nhiều hơn với Việt Nam. Bạn Magharita, sinh viên năm thứ 4 người Ucraina nói:
“Sau khi học xong em muốn quay trở lại Việt Nam để làm việc và sinh sống. Em muốn làm giáo viên dạy tiếng Anh hoặc có thể trở thành cô giáo dạy tiếng Việt ở Ucraina. Em thích món ăn Việt Nam, thích người Việt Nam thân thiện. Nếu chưa có người yêu thì có thể em sẽ tìm một người chồng Việt Nam và sống ở đây…”
Thầy Đào Văn Hùng, Phó chủ nhiệm khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Đại học KHXH & Nhân văn, ĐH Quốc gia |
Những chia sẻ về tình yêu văn hóa Việt của những sinh viên đang theo học là nguồn động viên tinh thần để các thầy cô khoa Việt Nam học gắn bó hơn với việc giảng dạy tiếng việt, văn hóa Việt. Thầy Đào Văn Hùng, phó chủ nhiệm khoa cho biết:
“Kể từ ngày thành lập năm 1968,Khoa Việt Nam và tiếng Việt đã đào tạo tiếng Việt và văn hóa cho hơn 10 nghìn người nước ngoài. Trong đó có nhiều học viên từng là đại sứ của các nước tại Việt Nam. Nói chung, đối tượng học viên phong phú và có mục đích rõ ràng. Khoa không những dạy tiếng Việt mà còn văn hóa truyền thống Việt Nam cho họ. Ban đầu, sinh viên thấy học tiếng Việt khó nhưng khi thành thạo họ rất thich vì nét văn hóa Việt Nam biểu hiện rất rõ trong ngôn ngữ Việt.”
Khoa Việt Nam học và tiếng Việt còn là nơi đào tạo cử nhân Việt Nam học cho người Việt và người nước ngoài |
Với đặc thù, đối tượng sinh viên đến từ nhiều nước khác nhau, mang theo những đặc trưng ngôn ngữ, vùng miền, bản sắc riêng nên mỗi thầy cô giáo khoa Việt Nam học không chỉ giỏi tiếng Việt gốc, rành về văn hóa Việt cũng như hiểu biết sâu rộng mà còn có tính linh hoạt và tương tác cao trong giảng dạy, truyền đạt kiến thức.