(VOV5) - Hiện nay, tín đồ Hồi giáo Islam ở Việt Nam không nhiều, chỉ hơn 25.000 tín đồ, sinh sống chủ yếu ở các tỉnh phía Nam
Xã Phước Nam, huyện Thuận Nam có 1479 người theo đạo Hồi giáo Islam, chiếm gần 1 nửa số tín đồ Hồi giáo Islam trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Các chức sắc, chức việc và bà con tín đồ đa số là người dân tộc Chăm. Họ tự do sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo theo đúng quy định pháp luật, sống tốt đời đẹp đạo.
Thánh đường Hồi giáo 104 xã Phước Nam, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Ngọc Anh |
Đạo Hồi du nhập vào Việt Nam vào thế kỷ XIX. Có 2 dòng là đạo Hồi Bà ni và đạo Hồi Islam. Hiện nay, tín đồ Hồi giáo Islam ở Việt Nam không nhiều, chỉ hơn 25.000 tín đồ, sinh sống chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. Tín đồ Hồi giáo Islam chỉ tôn thờ 1 đấng Allah, coi Thánh Allah là Thượng đế. Người theo đạo Islam cầu nguyện 5 lần/ngày. Lúc hành lễ không có bất cứ lễ vật gì dâng Thánh Allah mà chỉ tưởng nhớ ở trong lòng. Họ có thể cầu nguyện tại gia nhưng ngày thứ Sáu hằng tuần họ thường tới Thánh đường để cầu nguyện, hành lễ và nghe giảng đạo.
Đi hành lễ ở Thánh đường 104, bà Tài Thị Mi, người dân thôn Văn Lâm 4, xã Phước Nam, bày tỏ: "Đi lễ cầu mong khỏi hoạn nạn. Mình cầu sức khỏe, con cái làm ăn tốt, đi tới nơi về tới chốn, mùa màng tươi tốt, làm ăn sức tốt khỏe dồi dào. 1 ngày hành lễ 5 lần. Tháng Ramadan ăn chay nhịn từ 4h sáng đến 6h tối."
Bà con hành lễ ở Thánh đường 104. Ảnh: Ngọc Anh |
Tỉnh Ninh Thuận có khoảng 3.000 người theo đạo Hồi Islam. Trong số 4 Thánh đường Hồi giáo Islam ở tỉnh Ninh Thuận, 2 Thánh đường nằm ở Phước Nam Thánh đường 101 và Thánh đường 104. Chính quyền xã Phước Nam tạo mọi điều kiện để bà con sinh hoạt tín ngưỡng.
Ông Phú Văn Điệp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phước Nam, cho biết:"Xã có 4 tôn giáo, gồm: Đạo Phật, Đạo Bàlamôn, Hồi giáo Bà ni và Hồi giáo Islam. 4 đạo này đều có người giữ chức danh chủ chốt của xã hiện nay, trong đó, một người theo đạo Hồi giáo Islam là Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã. Trên địa bàn xã, các tôn giáo sinh hoạt với nhau bình đẳng. Trong sinh hoạt, sản xuất cũng như trong đời thường từ trước đến nay, chưa có trường hợp nào xảy ra mất đoàn kết giữa các tôn giáo, giữa các dân tộc trên địa bàn. 2 Thánh đường Hồi giáo trước đây nhỏ, nay mở rộng khang trang. Các Thánh đường tổ chức các hoạt động từ thiện, hỗ trợ, giúp đỡ cho người nghèo, người đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã."
Người dân ở xã Phước Nam trò chuyện tại Thánh đường 104. Ảnh: Ngọc Anh |
Tháng 3 năm 2011, tại Thánh đường 104 ở xã Phước Nam, tỉnh Ninh Thuận tổ chức lễ ra mắt Ban đại diện lâm thời cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh Ninh Thuận. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt đối với các tín đồ theo đạo Hồi giáo Islam. Ông Châu Văn Nghệ, Trưởng Ban Hakem (người đứng đầu trong hàng chức sắc Islam) Thánh đường 101, Phó Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh Ninh Thuận, cho biết: "Năm 1960, người Ấn Độ đưa đạo Hồi về đây. Thánh đường đầu tiên ở tỉnh Ninh Thuận là Thánh đường 101.
Người dân tín đồ ở Thánh đường 101 và Thánh đường 104 đoàn kết, sống hòa đồng. Có ai nghèo hoặc bị nạn thì mọi người đóng góp, giúp đỡ. Ban Hakem khi thuyết giảng thường ghép các nội dung tuyên truyền. Ví dụ chính quyền, Mặt trận Tổ quốc đưa ra thông báo gì thì phổ biến để bà con nắm tình hình hoặc phổ biến luật tôn giáo, quyền tự do tín ngưỡng. Chính quyền hỗ trợ, quan tâm rất nhiều tới tôn giáo Islam. Bà con ở nơi xa hoặc người nước ngoài theo đạo Islam về thăm tín đồ ở đây thì được phép thăm thánh đường, được sinh hoạt tôn giáo với bà con tín đồ địa phương."
Cộng đồng Hồi giáo Islam ở xã Phước Nam sống chủ yếu bằng nghề nông, trồng lúa, ngôi, khoai… Đời sống người dân ngày một đi lên, tỷ lệ hộ nghèo trong các vùng dân cư Hồi giáo Islam hiện còn khoảng 2%. Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh Ninh Thuận hướng dẫn, chỉ đạo Ban Hakem các khu vực hoạt động tôn giáo đúng tôn chỉ, mục đích. Các vị chức sắc động viên bà con thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào thi đua yêu nước.
Ông Bảo Đại Tỉnh, Trưởng Ban Hakem Thánh đường Hồi giáo 104, cho biết: "Tín đồ ở đây có 93 hộ với 334 người, hộ nghèo có 5 hộ được Nhà nước hỗ trợ hằng tháng. Ngày thứ Sáu là ngày hành lễ, tập trung tất cả các tín đồ về đây hành lễ. Đặc biệt, Tết người Chăm, từ Trung ương tới tỉnh về đây chúc Tết, thăm hỏi bà con làm ăn thế nào, tặng quà Tết."
Đồng bào dân tộc Chăm theo đạo Hồi giáo Islam ở xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận chăm chỉ lao động, sản xuất, vị tha, bác ái. Các tín đồ chấp hành tốt chủ trương, đường lối của chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng hành cùng dân tộc, xây dựng quê hương bình yên, hạnh phúc, ấm no.