(VOV5) - Mục tiêu cụ thể là xác định trữ lượng carbon của thảm cỏ biển, lượng giá trị của chúng.
Tuyên truyền pháp luật biển, tặng cờ tổ quốc cho ngư dân Kiên Giang khai thác trên vùng biển giáp ranh. Ảnh: Thu Lan/VOV |
Ngày 27/5, ông Ngô Đăng Hoài, Bí thư Đảng ủy Chi đội Kiểm ngư số 2, thành phố Vũng tàu, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, cho biết 5 năm qua (2019 – 2024), Chi đội đã thực hiện hiệu quả công tác huấn luyện tìm kiếm cứu nạn, bảo dưỡng, sửa chữa tàu thuyền; đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền pháp luật biển cho ngư dân. Nhiệm vụ trọng tâm của Chi đội là tuần tra, kiểm soát, bảo vệ ngư trường, khu vực biển được phân công quản lý, trọng điểm là vùng biển DK1, DK2 và các khu vực biển giáp ranh với Malaysia, khu vực đường phân định thềm lục địa Việt Nam - Indonesia, vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia - Thái Lan. 5 năm qua, Chi đội đã điều động trên 500 lượt tàu thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát, bảo vệ ngư trường, chống khai thác bất hợp pháp (IUU). Ông Ngô Đăng Hoài cho biết: "Những năm qua, Chi đội Kiểm ngư số 2 đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh ven biển quản lý để thống nhất nội dung, thời gian, địa điểm tuyên truyền pháp luật biển tại các cảng cá ở đất liền và đặc biệt là lúc trực tiếp tham gia tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển. Vừa tuyên truyền vừa chia sẻ khó khăn với bà con ngư dân. Chi đội đã cử báo cáo viên là những cán bộ có kinh nghiệm, có năng lực trực tiếp tuyên truyền, vận động bà con không khai thác trái phép".
Trong 5 năm qua, Chi đội đã cứu gần 400 ngư dân gặp nạn trên biển.
Các đại biểu và cán bộ, hội viên phụ nữ tỉnh An Giang tham dự hội nghị. Ảnh: CTV Kiên Định/VOV1 |
Vùng 5 Hải quân thông tin về biển, đảo tại tỉnh An Giang
Trong 2 ngày 29 và 30/5, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ và và Đoàn Thanh niên tỉnh An Giang tổ chức tuyên truyền biển, đảo cho hơn 1.000 cán bộ, hội viên phụ nữ tỉnh và các sinh viên Trường Đại học An Giang. Nội dung thông tin tuyên truyền tập trung vào vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tình hình trên các vùng biển Việt Nam hiện nay; quan điểm, mục tiêu, giải pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Đảng, Nhà nước; những chiến công tiêu biểu của Hải quân nhân dân Việt Nam trong quản lý, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; chặng đường xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển của Vùng 5 Hải quân.
Tuyến đường giao thông nông thôn từ cồn An Vĩnh đi thắng cảnh Cổng Tò Vò được huyện Lý Sơn nâng cấp, cải tạo đưa vào sử dụng tháng 12/2022. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN
|
Huyện đảo Lý Sơn đổi thay nhờ các dự án phát triển
Huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu giúp người dân thuận lợi trong lưu thông, sản xuất, thụ hưởng các chính sách, nguồn lực đầu tư vùng bãi ngang ven biển, nâng cao đời sống.
Tuyến đường giao thông nông thôn từ cồn An Vĩnh đi thắng cảnh cổng Tò Vò được huyện Lý Sơn nâng cấp, cải tạo đưa vào sử dụng cuối năm 2022. Huyện Lý Sơn cũng đầu tư hạ tầng giáo dục, thiết chế văn hóa, nhất là hạ tầng điện phục vụ sản xuất giúp người dân thoát nghèo bền vững. Công trình điện chiếu sáng phục vụ sản xuất trên đồng An Hải và An Vĩnh gồm 14 tuyến, chiều dài hơn 4.500 m, gồm hệ thống dây, cáp ngầm, cột thép, bóng đèn led.
Trong hai năm 2022 và 2023, huyện Lý Sơn đã đầu tư xây mới và sửa chữa 32 công trình hạ tầng trên đảo; trong đó có hơn 10 dự án nâng cấp, cải tạo đường giao thông nông thôn. Các dự án sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng đã góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân, nhất là những người nghèo, hộ nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia.
Tỉnh Quảng Trị sẽ nghiên cứu thảm cỏ biển để bán tín chỉ carbon. Ảnh: Hoàng Táo/ baodantoc.vn |
Tỉnh Quảng Trị nghiên cứu bán tín chỉ carbon từ thảm cỏ biển
Tỉnh Quảng Trị ngày 30/5 đã phê duyệt đề tài nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và khả năng lưu trữ carbon của thảm cỏ biển, từ đó có giải pháp bảo tồn, hướng đến thu lợi từ cỏ biển bằng việc bán tín chỉ carbon. Theo đó, mục tiêu cụ thể là xác định trữ lượng carbon của thảm cỏ biển, lượng giá trị của chúng. Khu vực nghiên cứu là Cửa Tùng, Cửa Việt và đảo Cồn Cỏ. Phát triển cỏ biển sẽ tạo ra nguồn thu nhập từ việc tham gia các chương trình, dự án trao đổi và bù trừ tín chỉ carbon trên thị trường quốc tế, giúp tỉnh Quảng Trị đáp ứng các cam kết về giảm phát thải và ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy tại khu vực Cửa Tùng và Cửa Việt có 2 loài cỏ biển phân bố, gồm cỏ lươn Nhật Zostera japonica và cỏ kim biển Ruppia maritima phát triển thành bãi rộng khoảng 400ha.