(VOV5) - Thỏa thuận Paris có tác động sâu rộng về mọi mặt và đặc biệt hơn từ năm 2021 trở đi.
Tối 9/12, tại Hà Nội, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Viện Pháp tại Hà Nội và Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (Green ID) đồng phối hợp tổ chức tọa đàm “Vượt qua các thách thức của biến đổi khí hậu tại Việt Nam, 5 năm sau khi thông qua Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu”.
Tọa đàm là dịp để các chuyên gia, nhà nghiên cứu chia sẻ tầm nhìn về những thách thức Việt Nam đang phải đối mặt; chia sẻ cách hành xử có trách nhiệm với môi trường mà mỗi người có thể áp dụng trong cuộc sống. Từ đó, các đại biểu đề xuất các giải pháp bảo tồn môi trường và tài nguyên thiên nhiên, góp phần phát triển năng lượng tái tạo, hướng tới nền kinh tế bền vững…
Tọa đàm “Vượt qua các thách thức của biến đổi khí hậu tại Việt Nam, 5 năm sau khi thông qua Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu” diễn ra tối 9/12 tại Hà Nội. |
Chia sẻ về "Nỗ lực của Việt Nam triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu", Thạc sỹ Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Việt Nam đã và đang tích cực, nỗ lực cùng các quốc gia thực hiện Thỏa thuận Paris.
Thỏa thuận Paris có tác động sâu rộng về mọi mặt và đặc biệt hơn từ năm 2021 trở đi, Việt Nam có trách nhiệm thực hiện các cam kết về rà soát và thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cũng như các quy định khác. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện, triển khai các vấn đề về ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý bảo vệ tài nguyên môi trường đặt ra trong bối cảnh môi trường; rà soát, cập nhập chiến lược quốc gia tầm nhìn đến 2030 và tầm nhìn 2050.
Tại Tọa đàm, nhiều diễn giả chia sẻ các mô hình, giải pháp chống biến đổi khí hậu tại cộng đồng; trong đó, có nhiều giải pháp chống biến đổi khí hậu đang được triển khai tại cộng đồng với nỗ lực của các cá nhân, các tổ chức xã hội dân sự: từ việc thúc đẩy thay đổi thói quen hàng ngày của các em nhỏ, đến các mô hình nhà chống lũ, các mô hình năng lượng bền vững...