(VOV5) - Chính phủ giao nhiệm vụ cho ngành nông nghiệp thực hiện quá trình chuyển đổi nông nghiệp xanh, bền vững.
Áp dụng những công nghệ về nông nghiệp tái sinh, giảm phát thải carbon trong hoạt động sản xuất nông nghiệp - Ảnh: VOV |
Thời gian qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực trong tăng trưởng xuất khẩu, song vấn đề về tài nguyên đất, nước, đa dạng sinh học vẫn còn nhiều bất cập. Thực hiện quá trình chuyển đổi nông nghiệp xanh, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu thời gian tới vừa đảm bảo phát triển bền vững, vừa giảm tác động gây ô nhiễm môi trường.
Chính phủ giao nhiệm vụ cho ngành nông nghiệp thực hiện quá trình chuyển đổi nông nghiệp xanh, bền vững. Theo đó, giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050, phải “phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn".
Ông Đào Thế Anh, Viện Phó Viện Khoa học nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết ngành quyết tâm trong 10 năm tới, vẫn đảm bảo tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp khoảng từ 2,5-3% hằng năm để đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế quốc dân. Cùng với đó, tăng trưởng xuất khẩu vẫn đảm bảo khoảng 5-6%; đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng, xóa đói giảm nghèo cho toàn bộ người dân Việt Nam. Bên cạnh đó, giảm ô nhiễm đất, bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng nước tiết kiệm.
Ông Đào Thế Anh nói: "Hiện nay, phát thải của nông nghiệp khoảng 30%, tương đối cao, trong khi tiềm năng của ngành là để giảm phát thải tốt. Chúng tôi cam kết đến năm 2030 giảm 10% phát thải khí nhà kính từ nông nghiệp. Đến 2050, thực hiện đúng cam kết của Chính phủ là "Net Zero", tức là không còn phát thải trong nông nghiệp".