(VOV5) - Trong khu vực Đông Á, Việt Nam chỉ đứng sau Nhật Bản về khả năng phát hiện bệnh tật để sàng lọc trước sinh và sơ sinh.
Hôm nay, 26/12, Ngày Dân số Việt Nam với chủ đề "Thực hiện tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số".
Xét nghiệm sàng lọc trước sinh, sơ sinh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai - Ảnh: nhandan.com.vn
|
Hơn 10 năm qua, dân số Việt Nam luôn đạt được mức sinh thay thế và trọng tâm công tác dân số đã được chuyển từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, tập trung nâng cao chất lượng dân số.
Trong khu vực Đông Á, Việt Nam chỉ đứng sau Nhật Bản về khả năng phát hiện bệnh tật để sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Các trung tâm lớn ở Việt Nam có thể sàng lọc được 33 loại bệnh liên quan đến chức năng của con người khi được sinh ra.
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình, cho biết: Mục tiêu mà Nghị quyết số 21 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 đã đề ra đến năm 2030, 70% phụ nữ mang thai cần được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh bẩm sinh phổ biến nhất và 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.
Ông Nguyễn Văn Tân khẳng định: "Ngành y tế sẽ quy hoạch lại toàn bộ mạng lưới các trung tâm chẩn đoán, sàng lọc trước sinh và sơ sinh; đầu tư cơ sở vật chất và hình thành các trung tâm này trên cơ sở các đơn vị y tế hiện có. Bên cạnh đó sẽ tổ chức đào tạo nhân lực để đủ sức thực hiện việc tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh. Đặc biệt, ngành y tế sẽ tổ chức mạng lưới dự phòng rộng rãi hơn để sớm phát hiện các nguy cơ bệnh tật từ bào thai và trẻ sơ sinh trong cộng đồng, tiến tới bao phủ rộng hơn số thai phụ và trẻ em sơ sinh được sàng lọc, chẩn đoán sớm".