(VOV5) - Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa ra công cụ kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước.
Công tác quản lý và bảo vệ môi trường nước lưu vực sông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhận được rất nhiều sự quan tâm của các cấp từ Trung ương đến địa phương. Để sử dụng và quản lý hiệu quả hơn nữa tài nguyên nước, Việt Nam ưu tiên xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng nước giai đoạn 2021-2025.
Ảnh minh họa - Nguồn: Xóm nhiếp ảnh |
Việt Nam có 13 lưu vực sông lớn và quan trọng gồm lưu vực sông Hồng-Thái Bình, Bằng Giang-Kỳ Cùng, Mã, Cả, Hương, Vu Gia-Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn-Hà Thanh, Ba, Sê San, Srê Pốk, Đồng Nai, Mekong.
Kết quả quan trắc và tính toán chỉ số chất lượng nước cho thấy, chất lượng nước tại khu vực thượng nguồn của các lưu vực sông đều duy trì khá tốt, ô nhiễm ghi nhận ở khu vực trung lưu và hạ lưu. Chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ và dinh dưỡng, tập trung tại một số khu vực của các lưu vực sông Cầu, Nhuệ-Đáy, Đồng Nai... Phần lớn các điểm quan trắc chưa ghi nhận dấu hiệu ô nhiễm kim loại và hóa chất bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, môi trường nước trên các lưu vực sông còn chịu tác động mạnh bởi diễn biến, xu thế của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa ra công cụ kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước. Luật cũng quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước đối với các sông liên tỉnh có vai trò quan trọng với phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đưa ra danh mục các sông liên tỉnh có vai trò quan trọng với phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường. Tổng cục Môi trường sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong Bộ Tài nguyên và Môi trường, đặc biệt là các đơn vị thuộc lĩnh vực tài nguyên nước để xây dựng và trình lãnh đạo bộ phê duyệt, ban hành danh mục, làm cơ sở để đề xuất, xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn có liên quan trong thời gian tới.
Kế hoạch này bao gồm việc đánh giá, dự báo xu hướng thay đổi chất lượng môi trường nước mặt, xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, hành lang bảo vệ nguồn nước mặt, xác định khu vực sinh thủy. Các việc cần thực hiện đồng thời như đánh giá thực trạng phân bố các nguồn ô nhiễm điểm và nguồn ô nhiễm diện phát sinh chất ô nhiễm môi trường nước trong vùng tác động; loại và tổng lượng chất ô nhiễm thải vào môi trường nước mặt, biện pháp bảo vệ, cải thiện chất lượng, phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước mặt. Về đánh giá khả năng chịu tải, kế hoạch cần phân vùng xả thải, hạn ngạch xả nước thải, xác định mục tiêu và lộ trình giảm xả thải vào môi trường nước mặt không còn khả năng chịu tải. Kế hoạch sẽ đưa ra nguy cơ ô nhiễm nước mặt xuyên biên giới, giải pháp hợp tác, chia sẻ thông tin và quản lý ô nhiễm nước mặt xuyên biên giới.
Trước mắt, trong giai đoạn 2021-2023, Tổng cục Môi trường tập trung xây dựng các quy định, hướng dẫn liên quan đến việc lập kế hoạch quản lý chất lượng nước và triển khai xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng nước đối với các sông liên tỉnh thuộc 3 lưu vực sông Cầu, Nhuệ-Đáy và Đồng Nai. Trong năm 2023 xây dựng và hoàn thiện các dự thảo kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước.