(VOV5) - Địa phương xác định danh hiệu "Thành phố học tập toàn cầu" không phải là điểm đến mà là "biển chỉ dẫn" cho những hành trình tiếp theo.
Tối qua (19/03), tại thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La), diễn ra Lễ Vinh danh thành phố Sơn La được ghi danh vào mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của Tổ chức Giáo dục , Khoa học và Văn hoá của Liên hiệp quốc (UNESCO).
Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam trao Chứng nhận "Thành phố học tập toàn cầu" cho Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: VOV |
Cùng với 62 thành phố thuộc 34 quốc gia, thành phố Sơn La và thành phố Hồ Chí Minh vinh dự được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của UNESCO ghi danh vào "Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu" của UNESCO vào ngày 14/02 vừa qua.
Ông Hà Trung Chiến, Bí thư Thành uỷ Sơn La, cho biết địa phương xác định danh hiệu "Thành phố học tập toàn cầu" không phải là điểm đến mà là "biển chỉ dẫn" cho những hành trình tiếp theo: “Được ghi danh vào mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO không chỉ là niềm vinh dự, tự hào, mà còn là cơ hội để thành phố Sơn La, nhân dân các dân tộc được tiếp cận với chương trình giáo dục đào tạo, với chương trình xây dựng xã hội học tập theo tiêu chí của UNESCO. Vì vậy trong thời gian tới, thành phố xây dựng chương trình hành động cụ thể để giữ vững danh hiệu và hoàn thiện tiêu chí của thành phố học tập toàn cầu."
Để được ghi danh vào mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu”, từ năm 2020 đến nay, Thành phố Sơn La đã đầu tư 1.440 tỷ đồng (58 triệu USD), chiếm 33,7% tổng chi ngân sách, cho lĩnh vực giáo dục. Tại Lễ vinh danh, Thành phố Sơn La đã công bố chương trình hành động bảo vệ và phát huy giá trị các hình thức danh hiệu của UNESCO mới được công nhận, phát động ủng hộ Quỹ học bổng Tô Hiệu và trao học bổng Tô Hiệu cho các học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập.
Ngoài ra, để chào mừng sự kiện này, thành phố Sơn La tổ chức nhiều hoạt động, như: khánh thành công trình nhà lớp học Trường mầm non Chiềng Lề với tổng mức đầu tư gần 7 tỷ đồng (280.000 USD); tổ chức các gian trưng bày, giới thiệu văn hóa truyền thống, hoạt động cộng đồng của địa phương; các sản phẩm hoạt động giáo dục Khoa học-công nghệ - kỹ thuật – nghệ thuật - toán học (STEM/STEAM) của các trường học.