(VOV5)- Ngày 19/6, đã đánh dấu mốc quan trọng đối với Afghanistan sau gần 12 năm xung đột triền miên, khi lực lượng an ninh Afghanistan chính thức tiếp quản nhiệm vụ bảo đảm an ninh trên toàn quốc từ tay lực lượng liên quân, do Mỹ đứng đầu. Thực chất, việc chuyển giao này không làm thay đổi cơ bản tình hình an ninh ở Afghanistan bởi những diễn biến hiện tại không cho phép dư luận lạc quan về tiến trình hòa bình ở quốc gia này.
Theo kế hoạch, lực lượng an ninh Afghanistan sẽ chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh tại tất cả các quận của 34 tỉnh trên toàn quốc. Vào cuối năm nay, lực lượng liên quân tại Afghanistan sẽ giảm một nửa và đến cuối năm 2014, toàn bộ lực lượng chiến đấu sẽ rút, chỉ còn lại một lực lượng nhỏ ở lại làm nhiệu vụ đào tạo và cố vấn nếu chính quyền Afghanistan có yêu cầu.
Tuy nhiên, ngược với sự lạc quan của chính quyền Washington, cho rằng cuộc chuyển giao trách nhiệm an ninh là một dấu mốc quan trọng đánh dấu lực lượng an ninh Afghanistan đã đủ mạnh để đảm nhận toàn bộ trách nhiệm bảo vệ an ninh đất nước, người dân Afghanistan lại không tin tưởng vào năng lực an ninh của nước họ để đối phó với những mạng lưới của các phần tử hiếu chiến. Thậm chí đã có luồng dư luận cho rằng, vụ chuyển giao chỉ là một màn kịch đề cao vị thế của chính phủ Afghanistan và phô trương thành quả của liên quân hơn là kết quả của việc quân đội Afghanistan đã đủ mạnh, chính quyền đủ vững vàng để có thể tự đảm bảo an ninh và ổn định. Bằng chứng là gần như đồng thời với sự kiện nói trên, Taliban công bố thiết lập văn phòng đại diện ở Qatar mang tên “Văn phòng chính trị của Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan”, với ý định mở cuộc đối thoại với cộng đồng quốc tế và chính phủ Afghanistan về một giải pháp hòa bình. Mỹ đã lập tức đồng ý tham gia cuộc đàm phán này và cho đây là một bước tiến quan trọng, bởi từ lâu, Taliban tuyên bố không đàm phán chừng nào còn quân đội nước ngoài ở Afghanistan. Lộ trình đàm phán bao gồm ba chặng. Trong giai đoạn đầu, Mỹ ra điều kiện Taliban phải cắt đứt liên hệ với Al Qaeda (không phải điều kiện tiên quyết). Taliban đã phát tín hiệu trả lời Taliban không cho phép ai sử dụng lãnh thổ Afghanistan để đe dọa an ninh các nước khác. Kế tiếp, dự kiến Mỹ và Taliban sẽ đàm phán về trao đổi tù binh, về nhà tù Guantanamo và số phận một quân nhân Mỹ bị Taliban giam giữ bốn năm nay. Cuối cùng, Mỹ phải thuyết phục Taliban chấp thuận đàm phán trực tiếp với Tổng thống Hamid Karzai. Đây là mục tiêu khó nhằn nhất. Với việc chủ động đề xuất đàm phán lần này, dư luận đã hy vọng tiến trình hòa bình ở Afghanistan được khởi động, giúp chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 12 năm ở quốc gia này.
Quân đội Quốc gia Afghanistan (ảnh: worldofdefence)
Song, cuộc gặp đầu tiên giữa Mỹ và Taliban đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ chính quyền Kabul. Tổng thống Hamid Karzai kiên quyết tẩy chay cuộc đàm phán này, cho rằng có mâu thuẫn giữa lời nói và hành động của Chính phủ Mỹ liên quan tới tiến trình hòa bình ở Afghanistan. Theo Kabul, lý do cuộc đàm phán bị hủy bỏ vì việc cho phép Taliban mở văn phòng tại Qatar, treo cờ “Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan”-tên gọi của chính quyền Taliban trước khi bị lật đổ vào năm 2001- như thể một chính phủ là đi ngược lại những cam kết của Mỹ với Afghanistan. Các nhà lãnh đạo Afghanistan còn lên án việc Mỹ đàm phán trực tiếp và công khai với Taliban bên ngoài lãnh thổ Afghanistan là một hành động “đi đêm”, gây tổn hại với vai trò của Chính phủ Afghanistan. Mặc dù phía Mỹ đã có động thái xoa dịu như khẳng định không công nhân “Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan” và cũng không coi văn phòng của Taliban ở Qatar là một đại sứ quán hoặc một văn phòng đại diện, nhưng đồng thời khẳng định cuộc đàm phán vẫn tiến hành như dự kiến là cú chọc giận với chính quyền của ông Hamid Karzai. Chính quyền Afghanistan thậm chí còn đe dọa hủy bỏ đàm phán về hiệp định an ninh song phương sau năm 2014 với Mỹ.
Đây không phải lần đầu tiên quan hệ đồng minh Washington – Kabul rạn nứt. 12 năm kể từ khi phát động cuộc chiến, thành quả lớn nhất mà Mỹ và đồng minh đạt được là lật đổ chính quyền Taliban, tiêu diệt được trùm khủng bố Osama bin Laden và làm suy yếu mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Nhưng cái “mất” mà Mỹ và đồng minh hứng chịu trong 12 năm qua cũng không phải là ít. Afghanistan là cuộc chiến kéo dài nhất mà Mỹ từng tiến hành tại nước ngoài, khiến Washington hao người tốn của và tổn hại uy danh. Tổn thất nhiều là thế nhưng nguy cơ khủng bố vẫn hiện diện và lây lan. Tuy lực lượng Taliban bị thu hẹp dần trong lãnh thổ Afghanistan nhưng lại đang mở rộng hoạt động ở Pakistan, Yemen, Somalia và nhiều nơi khác. Bởi thế, trong bối cảnh bất đồng sâu sắc như hiện nay, cơ hội kéo các bên ngồi vào bàn đàm phán, tìm kiếm giải pháp hòa bình tại quốc gia Nam Á này là hết sức mong manh./.