(VOV5) - Chính phủ Mỹ đã phát đi tín hiệu cho thấy nước này sẽ đẩy nhanh việc phát triển các loại tên lửa thông thường.
Chỉ hơn hai tuần sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và không lâu sau khi Washington công khai ý định triển khai tên lửa tầm trung ở châu Á, Lầu Năm Góc ngày 18/08 phóng thử một tên lửa hành trình có tầm xa trên 500km. Động thái của Washington gây bất ngờ với cộng đồng quốc tế và làm dấy lên quan ngại về cuộc chạy đua vũ trang trong tương lai.
Lầu Năm Góc cho biết vũ khí thử nghiệm là một phiên bản của tên lửa hành trình Tomahawk mà hải quân Mỹ sử dụng, được điều chỉnh và khai hỏa trên mặt đất. Tên lửa được phóng từ đảo San Nicolas và bắn trúng mục tiêu cách đó hơn 500 km. Đây là tầm bay bị hạn chế theo quy định của INF. Tên lửa được trang bị đầu đạn quy ước, không phải đầu đạn hạt nhân.
Thử tên lửa sau nhiều năm bị ràng buộc bởi Hiệp ước INF
Lý giải động thái của Lầu Năm Góc, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương thuộc Đại học Lĩnh Nam (Hong Kong), nhận định việc rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đã cởi trói cho Mỹ. Mỹ gần đây không có tên lửa tầm trung nào vì bị hạn chế bởi INF. Do đó muốn sở hữu năng lực này, họ cần phải rút khỏi hiệp ước, phát triển và thử nghiệm các loại tên lửa mới.
ảnh minh họa (TTXVN)
|
Trước đó, ngay sau khi rút khỏi INF (ngày 2/8), chính phủ Mỹ đã phát đi tín hiệu cho thấy nước này sẽ đẩy nhanh việc phát triển các loại tên lửa thông thường. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết, với việc chính thức rút khỏi INF, Bộ Quốc phòng sẽ có thể tự do theo đuổi việc phát triển các loại tên lửa thông thường phóng từ mặt đất. Vị Bộ trưởng này cũng tuyên bố ông muốn Lầu Năm Góc phát triển và triển khai tên lửa có năng lực hạt nhân tầm trung sớm nhất có thể. Và chỉ 2 ngày sau khi phóng tên lửa tầm trung, Bộ trưởng Lục quân Mỹ Ryan D McCarthy cho biết Washington đang tìm cách phát triển loại tên lửa siêu thanh trang bị đầu đạn hạt nhân bay nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh.
Đáng chú ý, Lầu Năm Góc cũng công bố ý định bắt đầu thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm bắn 3.000 - 4.000 km. Việc thử nghiệm có thể khởi động từ cuối năm nay. Cả hai loại tên lửa đều không trang bị đầu đạn hạt nhân.
Lo ngại chạy đua vũ trang
Việc thử nghiệm tên lửa hành trình phóng từ mặt đất vốn bị cấm trước đây được cho là phát súng đầu tiên cho một cuộc chạy đua vũ trang mới, khiến cả thế giới lo ngại.. Không những vậy, vụ thử tên lửa mới trên của Mỹ còn được xem là nằm trong kế hoạch tăng cường hơn nữa sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cả Nga và Trung Quốc ngay lập tức chỉ trích gay gắt và cảnh báo hậu quả nghiêm trọng từ hành động của Mỹ. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 20/8 nói đây là điều đáng tiếc và dẫn đến leo thang căng thẳng quân sự. Tổng thống Nga Vladimir Putin chưa đưa ra bình luận sau vụ phóng của Mỹ nhưng nhà lãnh đạo Nga mới đây cảnh báo, nước này sẽ buộc phải bắt đầu phát triển tên lửa mặt đất tầm ngắn và tầm trung nếu Mỹ bắt đầu thực hiện điều này.
Trong khi đó, sự lo lắng của Bắc Kinh được thể hiện khi nước này nhấn mạnh rằng hành động của Mỹ đã kích động một cuộc chạy đua vũ trang mới, dẫn tới leo thang đối đầu quân sự và ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh khu vực lẫn thế giới. Theo Trung Quốc, đã tới lúc Washington nên từ hồi ức chiến tranh lạnh và làm nhiều những điều khác vì hòa bình, ổn định của thế giới.
Quan ngại trước động thái của Mỹ, ngày 22/08, Liên hợp quốc có họp khẩn liên quan đến tuyên bố của Mỹ về các kế hoạch phát triển và triển khai các tên lửa tầm trung.Cuộc họp được tổ chức theo hình thức mở với một báo cáo từ đại diện của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.
Việc Mỹ thử tên lửa ngay sau khi INF hết hiệu lực và Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START) mới có nguy cơ không được gia hạn sau năm 2021, thực sự tạo ra những quan ngại trong dư luận quốc tế. Trong bối cảnh hiện nay, bất kỳ bước đi quá khích nào cũng sẽ có rủi ro tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang mới.