(VOV5)- Iraq đã trở thành điểm nóng xung đột ở Trung Đông khi chỉ trong ít ngày, 1/3 đất nước đã rơi vào tay phiến quân Hồi giáo cực đoan, lực lượng muốn xây dựng một “Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông”. Chiến sự tại Iraq không chỉ làm đau đầu Chính phủ của Thủ tướng Nuri al-Maliki mà còn đặt ra những thách thức trực tiếp đối với các quốc gia láng giềng, rộng hơn là đe dọa an ninh của toàn bộ khu vực Trung Đông.
Các phiến quân người Sunni, trong đó chủ yếu là các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant (ISIL), đã chiếm được một phần diện tích rộng lớn ở miền Tây nước này. Một số thành phố trọng yếu như Mosul (thành phố lớn thứ hai của Iraq) và Tikrit (quê hương của cố Tổng thống Saddam Hussein) lần lượt rơi vào tay phiến quân. Những thành phố này đều chỉ cách thủ đô Baghdad vài giờ đồng hồ chạy xe. Việc chiếm được những thành phố này khiến mục tiêu của ISIL là tạo ra nhà nước Hồi giáo trên khu vực rộng lớn bao gồm Syria và Iraq đang được hiện thực hóa.
Đất nước bên bờ nội chiến, an ninh khu vực bị đe dọa
Theo dõi chiến sự tại Iraq có thể nhận thấy điều đáng lo ngại là lực lượng thánh chiến không chỉ bao gồm các nhóm Hồi giáo có liên hệ với tổ chức al - Qaeda mà còn có sự góp mặt của nhiều nhóm Hồi giáo Sunni khác, những nhóm từng là đối thủ của ISIL. Sau khi chiếm được Mosul, ISIL đã tận dụng các kênh truyền thông xã hội, bao gồm hàng trăm tài khoản Twitter, với các đoạn video và các tuyên bố công khai về mục đích thành lập nhà nước Hồi giáo của mình.
Tình hình còn phức tạp hơn khi ISIL không phải là lực lượng duy nhất đang thực hiện các chiến dịch tấn công tại Iraq. Các lực lượng của người Kurd đã chiếm được thành phố Kirkuk, một thành phố giàu dầu lửa.
Trước tình hình chiến sự lao thang, gần 1 triệu người Iraq đã phải sơ tán. Một số quốc gia như Mỹ, Australia tuyên bố rút nhân viên sứ quán của mình khỏi vùng chiến sự đồng thời khuyến nghị công dân của mình tại Iraq lập tức rời khỏi đây.
Thắng lợi quân sự liên tiếp của lực lượng vũ trang Hồi giáo ISIL ở Iraq không chỉ đe dọa trực tiếp tới tương lai của nhà nước này mà còn khiến tất cả láng giềng và đồng minh của Iraq lo ngại. Lý do vì Chính phủ Iraq hiện tại không có đủ khả năng quân sự để đè bẹp sự trỗi dậy của ISIL, bất chấp việc lực lượng an ninh Iraq được sự yểm trợ của xe tăng, xe bọc thép cùng các vũ khí hiện đại do Mỹ trang bị. Với Mỹ, nếu ISIL tiếp tục chiếm đóng được nhiều phần lãnh thổ hơn ở Iraq, đồng thời có trong tay nguồn tài nguyên to lớn từ các mỏ dầu lớn và hàng trăm triệu USD trong các ngân hàng ở Mosul, đây sẽ thật sự là một điều hết sức nguy hiểm. Một nhà nước Sunni kéo dài từ Syria sang Iraq sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn trên toàn khu vực.Dư luận lo ngại khi đó, liệu cộng đồng người Kurd đang trỗi dậy mạnh mẽ tại Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iran có bị kích động?. Liệu các khu vực khác tại Iraq có muốn đứng ra thành lập nhà nước riêng?
Các tay súng Hồi giáo chia làm nhiều ngả tiến sát thủ đô Baghdad. Ảnh: Internet
Can thiệp quân sự hay giải pháp ngoại giao
Quốc gia có nhiều động thái phản ứng trước tình hình bất ổn tại Iraq hiện nay chính là Mỹ. Tiếp theo tuyên bố của Tổng thống Barak Obama, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, ngày 16/6 tái khẳng định Mỹ đang xem xét triệt để mọi phương án có thể đối với tình hình Iraq. Trong khi đó, trong một bức thư gửi các nghị sỹ ngày 16/6, Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo sẽ triển khai 275 quân nhân tới để hỗ trợ và đảm bảo an ninh cho các nhân viên Mỹ và đại sứ quán nước này ở Baghdad. Cùng với đó, dư luận cũng thấy sự hiện diện của tàu USS Mesa Verde chở 550 lính thủy đánh bộ Mỹ đã đi vào vùng Vịnh để sẵn sàng hỗ trợ trong trường hợp Washington quyết định dùng phương án quân sự giúp Chính phủ Iraq. Trước đó, Mỹ cũng đã điều tàu sân bay lớn nhất thế giới USS George H.W. Bush vào vùng Vịnh. Tuy nhiên khả năng Mỹ can thiệp quân sự vào Iraq là lợi bất cập hại. Rõ nhất là cộng đồng người Sunni tại Iraq sẽ cho rằng Mỹ đang thiên vị một bên trong cuộc xung đột sắc tộc tại đất nước này.
Trái với phản ứng của Mỹ, Anh nêu rõ nước này không tìm kiếm sự can thiệp quân sự vào Iraq song đề nghị cung cấp hỗ trợ nhân đạo và cố vấn chống khủng bố cho chính quyền Iraq nếu cần. Saudi Arabia cũng tuyên bố phản đối sự can thiệp của nước ngoài vào Iraq. Riyadh cho rằng cuộc khủng hoảng bùng phát ở Iraq là hậu quả của nhiều năm thực thi các chính sách "bè phái và loại trừ". Trong cuộc họp khẩn ngày 15/6 về cuộc khủng hoảng tại Iraq, Liên đoàn Arab đã khẳng định tầm quan trọng của việc tái hòa giải giữa các lực lượng chính trị tại Iraq nhằm giải quyết tình hình và đối phó với tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant.
Nguyên nhân bất ổn đã được báo trước
Iraq rơi vào tình hình bất ổn như hiện nay là điều đã được dự báo từ trước. Theo Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, chiến sự tại Iraq là do sự chia bè phái trong Chính phủ lâm thời. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến Baghdad không có sự đồng thuận. Ngay cả Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thừa nhận sự can thiệp của Washington sẽ chỉ thành công nếu các nhà lãnh đạo Iraq gạt bỏ những bất đồng và hướng đến đoàn kết dân tộc để đối phó với đe dọa của lực lượng nổi dậy. Báo "The National Interest” (Mỹ) thì cho rằng trong suốt những năm cầm quyền vừa qua, Thủ tướng al-Maliki đã không nỗ lực để đáp ứng những nhu cầu của cộng đồng người Sunni, trong khi phái Shi'ite của ông ngày càng chiếm đa số trong quân đội Iraq. Có rất nhiều người Iraq theo dòng Sunni không ưa ông Maliki và coi Chính phủ của ông là một chính phủ chuyên chế, tay sai.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, sự trỗi dậy của các chiến binh liên quan đến Al-Qaeda còn có căn nguyên sâu xa từ cuộc xâm lược Iraq của Mỹ năm 2003. Bởi lẽ, chính cuộc xâm lược này đã để lại khoảng trống quyền lực và khiến các cuộc xung đột sắc tộc ở Iraq kéo dài. Ngoài ra, mặc dù Iraq đã đạt được nhiều thành quả trong khôi phục nền kinh tế nhưng hiện vẫn có khoảng 2 triệu người Iraq bị thiếu ăn. Tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong, người thất học và thất nghiệp vẫn ở mức cao.
Đất nước Iraq đang bị xé nát bởi các vụ bạo lực có nguyên nhân từ chủ nghĩa sắc tộc. Giải quyết tình hình Iraq hiện trở thành bài toán khó cho các bên./.