Lấy phiếu tín nhiệm - sự đổi mới hoạt động của cơ quan dân cử ở địa phương

(VOV5) - Gần 1 tháng sau khi kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, trong tuần đầu tiên của tháng 7, Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp, cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, bắt đầu triển khai công việc quan trọng này. Đây là sự đổi mới hoạt động của các cơ quan dân cử ở địa phương, cụ thể hoá quyền giám sát đối với các chức danh do Hội đồng nhân dân bầu.

Trước khi việc lấy phiếu tín nhiệm được Hội đồng nhân dân các cấp triển khai, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã có thư gửi Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; xã, phường, thị trấn. Chủ tịch nêu rõ việc lấy phiếu tín nhiệm là hệ trọng và có ý nghĩa trong thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới hoạt động của các cơ quan dân cử; được nhân dân mong đợi, tin tưởng.

 Là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân ở địa phương, Hội đồng nhân dân các cấp lấy phiếu tín nhiệm đối với những chức danh do cơ quan này bầu ra như Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân, các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân. Cũng như ở Quốc hội, đây là lần lấy phiếu đầu tiên ở Hội đồng nhân dân, vì vậy việc làm này được HĐND các cấp đặc biệt quan tâm chỉ đạo để việc lấy phiếu thành công. Bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, cho biết: “Thường trực HĐND thành phố cũng đã cố gắng ở mức cao nhất để cung cấp cho đại biểu HĐND không chỉ là báo cáo kết quả thực hiện chức trách được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm mà còn là báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ  tình tế - xã hội, an ninh quốc phòng của thành phố trong thời gian qua. Tôi nghĩ rằng kết quả lấy phiếu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố”.

 

Lấy phiếu tín nhiệm - sự đổi mới hoạt động của cơ quan dân cử ở địa phương - ảnh 1
Các đại biểu của tỉnh Quảng Nam bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp lần thứ 8, HĐND tỉnh Quảng Nam VIII. - Arnh: internet

Việc lấy phiếu tín nhiệm tập trung đánh giá vào hai tiêu chí cơ bản là năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống. Dư luận đánh giá đây là một việc làm thiết thực, vừa bảo đảm mở rộng, phát huy dân chủ vừa tạo thêm một kênh giám sát, góp phần đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi, cho biết cử tri kỳ vọng đại biểu HĐND nêu cao ý thức trách nhiệm chính trị trước cử tri và nhân dân để việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành thực chất, không hình thức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chính quyền thực sự có năng lực, đạo đức tốt, liêm khiết, gương mẫu, có tinh thần kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Cử tri Bùi Công Duyệt, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum, cho biết:“Qua kỳ họp, chúng tôi thấy việc tổ chức của kỳ họp làm rất chu đáo, rất công tâm, rất khách quan. Đồng thời nữa là cũng thể hiện nên được tinh thần trách nhiệm của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh những người do mình bầu ra. Qua việc làm chúng tôi thấy tăng thêm trách nhiệm cho những người đang giữ chức vụ quan trọng để mà hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian tới”

 Lấy phiếu tín nhiệm của HĐND các cấp là một bước để thăm dò mức độ tín nhiệm, làm cơ sở cho việc phân loại, đánh giá, bố trí cán bộ của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Nhận xét về kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 14 chức danh do HĐND tỉnh Đồng Tháp bầu trong kỳ họp lần thứ 6 của HĐND tỉnh khoá VIII diễn ra từ 3- 5/7, ông Lê Hoàng Đức, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, cho rằng:“Lần lấy phiếu tín nhiệm này, giúp cho người được lấy phiếu hiểu rõ sự tín nhiệm của mình đối với đại biểu. Nếu tín nhiệm cao thì cần phát huy hơn. Còn nếu thấp thì phấn đấu để qua đó có thể làm việc tốt hơn và hoàn thành nhiệm vụ ở mức cao hơn.”

 Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ tiếp tục được Hội đồng nhân dân các cấp tiến hành trong những ngày tới. Và theo Nghị quyết của Quốc hội, từ nay trở đi, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ trở thành công việc thường xuyên của các cơ quan dân cử. Tuy đây là công việc mới nhưng với sự chuẩn bị chu đáo, triển khai thành công sẽ góp phần tăng cường đoàn kết trong nhân dân, tăng hiệu quả làm việc của chính quyền, tạo sự đồng thuận để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội./.

         

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác