(VOV5)- Tầm ảnh hưởng của Liên bang Nga tại Trung Đông, một khu vực tiềm ẩn nhiều bất ổn trên thế giới, ngày càng hiện rõ. Những động thái ngoại giao, quân sự gần đây của Nga ở Trung Đông đã khiến giới phân tích cho rằng Moscow đã ghi điểm trong việc gây dựng tiếng nói, vị thế và ảnh hưởng của mình ở khu vực từng có nhiều quốc gia thân thiết với phương Tây.
|
Tổng thống Putin phát biểu tại khóa họp lần thứ 70 Đại hội đồng LHQ ở New York (Mỹ). Ảnh: AFP/ TTXVN |
Sự chuyển hướng đáng kể của Nga ở Trung Đông bắt đầu từ việc Nga quyết định tham gia không kích lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria, cuối tháng 9/2015. Sự can dự của Nga trên chiến trường Syria đã làm thay đổi đáng kể cục diện chiến sự, khiến IS chịu nhiều tổn thất. Tiếp đó là quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO, được khôi phục với nhiều mục tiêu hợp tác cụ thể sau một thời gian quan hệ bị gián đoạn. Mới đây nhất là việc lần đầu tiên từ sau Thế chiến thứ 2, Iran cho phép máy bay quân sự Nga xuất phát từ Iran để không kích IS ở Syria.
Dấu ấn Nga ở Trung Đông
Từ khi ký thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, Mỹ hầu như đã giảm thiểu sự hiện diện tại khu vực này. Đây chính điều có lợi cho Nga. Moscow đã có được nhiều ưu thế vì Trung Đông đã trở thành khu vực để Nga khẳng định sức mạnh trên trường quốc tế.
|
Binh lính của Nga. Nguồn: EPA/TTXVN |
Trong số các đồng minh của Nga, Syria là một đối tác truyền thống. Gần 1 năm sau khi quyết định không kích IS ở Syria, Nga đã giúp Tổng thống Syria Bashar al-Assad chiếm lại rất nhiều khu vực trên khắp đất nước từ tay phe đối lập vốn được cho là “không thể lấy lại được”. Uy tín của Nga vì thế cũng được củng cố.
Với Thổ Nhĩ Kỳ, Nga nhanh chóng chấp nhận lời xin lỗi của Tổng thống Tayyip Erdogan vì nước này đã bắn hạ Su-24 của Nga tại khu vực biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 11/2015. Lãnh đạo Nga cũng là một trong số ít những nhà lãnh đạo trên thế giới sớm bày tỏ sự ủng hộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7 vừa qua mà Ankara cho rằng có bàn tay của Mỹ hậu thuẫn. Đây được đánh giá là những bước đi rất khôn ngoan của giới chức Nga đối với 1 thành viên NATO trong bối cảnh các đồng minh phương Tây quay lưng lại với Thổ Nhĩ Kỳ.
Trung tuần tháng 8, Iran đã bất ngờ chấp thuận cho Nga sử dụng căn cứ Không quân Nojeh để thực hiện các chiến dịch không kích nhằm vào các vị trí của IS tại Syria. Dù việc sử dụng các căn cứ này bị đột ngột chấm dứt không lâu sau đó nhưng nó vẫn đánh dấu lần đầu tiên Iran cho phép lực lượng quân sự của nước ngoài dùng căn cứ của họ để mở cuộc tấn công vào nơi khác. Đó cũng là sự nhượng bộ lớn hơn rất nhiều so với những gì mà các quốc vương của Iran dành cho Mỹ trước khi Cách mạng Hồi giáo diễn ra từ tháng 1/1978-2/1979.
|
Chiến cơ của Nga đang thực hiện nhiệm vụ tại khu vực. Nguồn: EPA/TTXVN |
Một diễn biến khác cũng cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Nga ở Trung Đông khi đầu tháng 8, cuộc hội đàm giữa các Tổng thống Azerbaijan, Iran và Nga, 3 quốc gia dầu mỏ lớn của thế giới, đã diễn ra tại Baku, thủ đô Azerbaijan. Nhà bình luận chính trị Vladimir Lepekhin của hãng tin Rossiya Segodnya cho rằng cuộc gặp tại Baku xứng đáng là một trang mới trong bối cảnh chính trị hiện nay. Nó sẽ là khúc dạo đầu cho sự hình thành ở Trung Đông (hoặc ít nhất là ở phía bắc Trung Đông) sự tự chủ và những định dạng hợp tác mới giữa các nước vì cuộc gặp này từng bị cản trở bởi các thế lực mưu toan kiểm soát các quốc gia Trung Đông cũng như toàn bộ khu vực rốn dầu của thế giới này.
Không chỉ củng cố vị thế về mặt chính trị, giới phân tích còn cho rằng mục tiêu giới hạn mà Nga đặt ra tại Syria chính là bàn đạp để Nga mở rộng tầm ảnh hưởng tại Trung Đông. Thổ Nhĩ Kỳ chính là nhân tố quan trọng trong việc Nga thúc đẩy việc vận chuyển năng lượng sang châu Âu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ thay vì Ukraine. Trong khi đó, các cuộc không kích của Nga xuất phát từ căn cứ của Iran là dịp để Nga phô trương các máy bay ném bom và trang thiết bị quân sự tại thị trường Trung Đông vốn đang “khát” những loại vũ khí như vậy. Với những gì đã và đang diễn ra, có thể thấy rằng Nga đã thực sự quay trở lại Trung Đông.
Phương Tây cảnh giác
Sự trở lại đầy mạnh mẽ của Nga tại Trung Đông diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang thực hiện chính sách xoay trục và dự định chuyển hầu hết các nguồn lực của mình tại khu vực sang châu Á. Chính sách xoay trục này đã mở đường cho các nước khác, trong đó đáng chú ý nhất là Nga, lấp đầy khoảng trống quyền lực mà Mỹ đã nắm giữ trong hàng thập kỷ qua tại Trung Đông. Vì vậy, bất chấp việc chính giới Nga cho rằng những động thái của Moscow đơn giản chỉ là hành động phù hợp với lợi ích của Moscow và Nga không đặt ra mục tiêu đánh bại Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác trong vấn đề Trung Đông nhưng Mỹ vẫn lo ngại. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho biết Mỹ vẫn luôn cố gắng tìm hiểu về những gì Nga và Iran đang làm. Việc Nga dừng sử dụng căn cứ tại Iran đã được thông báo song phương Tây và nhất là Mỹ vẫn đón nhận trong hoài nghi. Các chuyên gia và quan chức Mỹ cảnh báo rằng hiện còn quá sớm để kiểm chứng xem là phải chăng hoạt động của Nga đã thực sự bị ngừng lại.
Theo giới phân tích, những chuyển động trong quan hệ giữa Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran liên quan đến cuộc chiến tại Syria chắc chắn khiến phương Tây phải suy nghĩ, đặc biệt trong thời điểm mối quan hệ của từng quốc gia với phương Tây đều gặp phải những vấn đề riêng.
Những động thái của Nga với một số quốc gia ở Trung Đông trong thời qua cho thấy sự thật rõ ràng rằng Nga đã thành công trong việc thể hiện được vai trò quan trọng của mình tại khu vực nóng bỏng này. Nói cách khác, nước Nga dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Vladimir Putin đang tiến một bước dài trong việc lấy lại thế cân bằng trong cán cân quyền lực thế giới.