Ngoại giao: giải pháp cho vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên

(VOV5) - Các động thái quân sự cũng đã rõ ràng hơn khi lãnh đạo 2 bên liên tục đưa ra những tuyên bố cứng rắn.

Căng thẳng giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên xung quanh vấn đề hạt nhân vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt mà ngày càng gia tăng sức nóng trong những ngày qua. Các động thái quân sự cũng đã rõ ràng hơn khi lãnh đạo 2 bên liên tục đưa ra những tuyên bố cứng rắn. Tuy nhiên trong bối cảnh đó, biện pháp ngoại giao vẫn là lựa chọn  hàng đầu nhằm hạ nhiệt căng thẳng xung quanh vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Ngoại giao: giải pháp cho vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên  - ảnh 1Tên lửa Triều Tiên rời bệ phóng. Ảnh: Yonhap 

Trong tháng 7, CHDCND Triều Tiên liên tiếp phóng thử 2 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực hoàn thiện kho vũ khí chiến lược của nước này và đặt ra mối đe dọa lớn đối với Mỹ. Theo báo cáo của cơ quan tình báo Mỹ mới đây, Bình Nhưỡng đã chế tạo thành công loại vũ khí hạt nhân thu nhỏ để lắp đặt vào ICBM. Kết luận này cũng được các nghiên cứu của Chính phủ Nhật Bản khẳng định.

Những tuyên bố mạnh mẽ của 2 bên về chiến tranh

Gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên được đẩy lên cao sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/8 cảnh báo rằng CHDCND Triều Tiên sẽ phải đối mặt với "hỏa lực và cơn thịnh nộ". Tuyên bố của ông Trump được cho là cảnh cáo việc Bình Nhưỡng đe dọa sẽ phản ứng đối với các lệnh trừng phạt mới của Liên hợp quốc, cũng như sau khi xuất hiện một số bằng chứng mới cho thấy Triều Tiên đã giải quyết được một số trở ngại kỹ thuật để có thể tấn công Mỹ hoặc Tây Âu bằng vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Ngoại giao: giải pháp cho vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên  - ảnh 2Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters 

Đ

áp lại, quốc gia ở Đông Bắc Á tuyên bố đang nghiên cứu kế hoạch tấn công đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương, nơi tập trung nhiều căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ, bằng tên lửa chiến lược tầm trung Hwasong-12. Sự đe dọa của CHDCND Triều Tiên chưa bao giờ cụ thể như vậy: “Trong 4 ngày tới, quân đội Triều Tiên sẽ bắn 4 tên lửa Hwasong-12 nhằm vào đảo Guam của Mỹ”.  Không dừng lại ở lời nói, cuối tuần qua, gần 3,5 triệu người dân CHDCND Triều Tiên đã đăng ký nhập ngũ, trong số đó có học sinh, công nhân và những quân nhân đã nghỉ hưu.

 

 

 

 

Trong khi đó, tuyên bố rõ hơn trên trang mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11/8 tiếp tục khẳng định: “Các phương án quân sự đã hoàn tất, đạn đã lên nòng nếu như CHDCND Triều Tiên hành xử không khôn ngoan. Hi vọng ông Kim Jong-un sẽ lựa chọn con đường khác”. Thực tế, Lầu Năm Góc cũng đã có kế hoạch cụ thể nhằm tấn công phủ đầu các cơ sở tên lửa CHDCND Triều Tiên. Điểm then chốt của kế hoạch là các máy bay ném bom hạng nặng B-1B xuất kích từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam sẽ nhắm vào bãi phóng tên lửa, cơ sở hỗ trợ, bãi thử của CHDCND Triều Tiên. Bắn hạ tên lửa của Bình Nhưỡng ở vùng biển quốc tế cũng là một lựa chọn quân sự của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Theo chuyên gia cấp cao Adam Mount tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ, quân đội Mỹ có thể sử dụng hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đặt trên đảo Guam hoặc hệ thống Aegis trên tàu khu trục để ngăn chặn tên lửa Triều Tiên.

Trong bối cảnh căng thẳng như vậy, cuộc tập trung chung Mỹ - Hàn mang tên Người bảo vệ tự do Ulchi dự kiến diễn ra ngày 21/8 được cho là sẽ đổ thêm dầu vào lửa vào tình hình hiện nay vì Bình Nhưỡng luôn coi các cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ là màn tổng dượt cho cuộc xâm lược CHDCND Triều Tiên. Một tuần trước khi diễn ra cuộc tập trận, Bình Nhưỡng đã cảnh báo rằng bất kỳ một sự kiện bất ngờ nào cũng có thể bùng phát thành một cuộc chiến tranh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Ủng hộ giải pháp ngoại giao

Tuy tình hình trên bán đảo Triều Tiên căng như dây đàn nhưng biện pháp quân sự không phải là sự lựa chọn dễ dàng bởi những hệ lụy khôn lường. Việc Washington tiến hành chiến dịch quân sự chống lại Bình Nhưỡng sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền bạc và buộc Mỹ phải chịu trách nhiệm về sự ổn định, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Joseph Dunford  đánh giá một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên sẽ là “rất thảm khốc” và dẫn đến “sự mất mát to lớn chưa từng thấy”. Ông Joseph Dunford thừa nhận quân đội Mỹ hiện có các giải pháp quân sự có thể triển khai đối với CHDCND Triều Tiên nếu cần, tuy nhiên trọng tâm hiện nay vẫn là dùng sức ép ngoại giao và kinh tế.  Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Ngoại trưởng Rex Tillerson cũng cho rằng Washington sẵn sàng đàm phán với Bình Nhưỡng, nếu CHDCND Triều Tiên cũng thể hiện thiện chí.

Tuy những ngày qua Mỹ và CHDCND Triều Tiên liên tục ra những tuyên bố mạnh mẽ về chiến tranh song cả Mỹ và CHDCND Triều Tiên đều hiểu rất rõ những thiệt hại mà cuộc chiến gây ra cho các bên nói riêng và cho thế giới nói chung. Và giải pháp ngoại giao vẫn là ưu tiên hàng đầu để giải quyết những bất đồng về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác