Syria với nguy cơ tái diễn một cuộc nội chiến mới
Ánh Huyền -  
(VOV5) - Động thái mới này khiến tiến trình tìm kiếm hòa bình cho Syria sau gần 6 năm nội chiến kéo dài lâm vào bế tắc hoàn toàn và nguy cơ tái diễn một cuộc nội chiến mới là rất cao.
Việc phe đối lập tại Syria mới đây đã rút khỏi các cuộc hòa đàm chính thức tại Geneva (Thụy Sĩ), với lý do phản đối tình trạng an ninh và nhân đạo xuống cấp trên thực địa. Động thái mới này khiến tiến trình tìm kiếm hòa bình cho Syria sau gần 6 năm nội chiến kéo dài lâm vào bế tắc hoàn toàn và nguy cơ tái diễn một cuộc nội chiến mới là rất cao.
|
Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Syria Bashar al-Jaafari tại cuộc họp báo ở Geneva ngày 20/4. THX/TTXVN |
Trong tuyên bố phát đi ngày 18/4, đại diện phe đối lập Riad Hijab, cho rằng không thể chấp nhận tiếp tục đàm phán tại Geneva khi tình trạng bạo lực vẫn tiếp diễn bất chấp lệnh ngừng bắn đạt được. Vì thế, phe đối lập đã quyết định rút khỏi đàm phán chính thức đồng thời tuyên bố tiến hành một cuộc tấn công chống lại quân đội chính phủ ở thị trấn Latakia trên bờ biển Địa Trung Hải. Với tuyên bố này, khả năng phe đối lập trở lại bàn đàm phán hiện nay là hoàn toàn không thể, trong khi đó diễn biến trên chiến trường đang ngày càng xấu khiến cộng đồng quốc tế lo ngại sẽ tái diễn một cuộc nội chiến mới tại Syria.
Vẫn những bất đồng khó vượt qua
Theo lý do mà phe đối lập đưa ra khi từ chối hòa đàm là do các cuộc hòa đàm hầu như không có bước tiến nào về việc tước bỏ quyền lực của Tổng thống Assad. Thêm vào đó, phe này cáo buộc chính quyền Syria không tôn trọng cam kết ngừng bắn, khi thực hiện hàng loạt hoạt động quân sự ở tỉnh Aleppo. Phe đối lập tố cáo, quân đội Syria được không quân Nga hậu thuẫn đã mở một đợt tấn công từ 3 phía vào khu vực phụ cận thành phố Aleppo, đe dọa phá vỡ lệnh ngừng bắn mong manh hiện nay. Phản ứng trước quyết định của phe đối lập, chính phủ Syria chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và Saudi Arabia đứng đằng sau sự đổ vỡ này. Đại diện chính phủ Syria khẳng định đây là minh chứng cho thấy phe đối lập không có đủ ý chí chính trị để đàm phán có thể diễn ra nghiêm túc và có trách nhiệm.
|
Điều phối viên HNC Riad Hijab trong cuộc họp báo tại Geneva ngày 19/4. THX/TTXVN |
Vòng đàm phán mới về hòa bình Syria được nối lại sau gần 1 tháng tạm nghỉ và gần 2 tháng kể từ khi vòng đàm phán đầu tiên bị đổ vỡ mà nguyên nhân chính cũng là do phe đối lập rút khỏi bàn thảo luận để phản đối tình trạng bạo lực tiếp diễn trên thực địa. Tới nay, các bên liên quan vẫn chưa thể đàm phán trực tiếp, mà chỉ thảo luận dưới hình thức gián tiếp, thông qua Liên Hợp Quốc. Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Staffan de Mistura thừa nhận, khoảng cách giữa các bên là quá lớn. Cho đến nay, sau rất nhiều nỗ lực, chính phủ và phe đối lập Syria mới chỉ đã đạt được thỏa thuận chung duy nhất về xây dựng một tiến trình chuyển giao chính trị, trong khi sự khác biệt lớn nhất lại nằm ở việc diễn giải thỏa thuận, đặc biệt là về vai trò của Tổng thống Al-Assad. Phe đối lập và chính quyền Damascus cùng với sự hậu thuẫn của họ là Nga và Mỹ từ lâu luôn mâu thuẫn trong vấn đề tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad. Trước đó, Nga đưa ra điều kiện phải giữ nguyên chính phủ hợp Hiến hiện nay, trong khi Mỹ nhất quyết không chịu. Ủy ban đàm phán cấp cao, đại diện phe đối lập chính ở Syria tham gia đàm phán tại Geneva đã nếu yêu sách thành lập “Hội đồng chuyển tiếp” để hiều hành đất nước trong 18 tháng chờ đến cuộc bầu cử Tổng thống mới và Tổng thống A. Assad phải ra đi.
Leo thang căng thẳng
Trong khi đó, tình hình chiến sự ngày càng leo thang nguy hiểm. Theo Tổ chức theo dõi nhân quyền Syria, số dân thường thiệt mạng trong các vụ xung đột mới tại Aleppo những ngày qua đã ở mức cao nhất kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực từ ngày 27/2. Tính riêng ngày 19/4, ít nhất đã có 44 dân thường thiệt mạng trong các vụ không kích của chính quyền nhắm vào hai chợ ở tỉnh Idlib phía Tây Bắc nước này, nơi nhóm Mặt trận Al-Nusra đang kiểm soát. Tính chung, nội chiến kéo dài gần 6 năm qua tại Syria đã cướp đi sinh mạng của hơn 270.000 người và khiến hàng triệu người khác phải rời bỏ quê hương đi tị nạn, gây ra cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ tại châu Âu.
Hiện, bất chấp việc các thủ lĩnh phe đối lập Syria đã rời khỏi đàm phán, các nỗ lực ngoại giao con thoi vẫn không ngừng diễn ra. Đặc phái viên Liên hợp quốc Staffan de Mistura đang tiếp tục những cuộc gặp giữa các bên nhằm nối lại cuộc hòa đàm trong tuần này. Ngoại trưởng Nga Seigey Lavrov thì khẳng định cuộc đàm phán hiện nay ở Geneva chưa bị "đóng băng”, đồng thời tin tưởng đề xuất của chính quyền Damascus thành lập chính phủ mở rộng gồm đại diện các phe phái do Tổng thống Assad đứng đầu, sẽ giúp giảm nhiệt căng thẳng hiện nay tại Syria. Tuy nhiên, đề xuất này lại không nhận được sự ủng hộ của Ủy ban Đàm phán Cấp cao, đại diện cho các nhóm đối lập chính ở Syria, khi Ủy ban này tuyên bố sẵn sàng chia sẻ ghế trong chính phủ chuyển tiếp với các thành viên trong chính phủ hiện nay, song không phải với Tổng thống Bashar al-Assad.
Câu hỏi đang đặt ra lúc này là làm thế nào để có thể chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hiện nay khi mà quan điểm của các bên còn khác xa nhau về tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad. Một giải pháp chính trị cho Syria dường như đang ngày càng trở nên khó khả thi.
Ánh Huyền