Tăng trưởng Xanh và mục tiêu toàn cầu 2030

(VOV5) - Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) diễn ra từ ngày 14-17/04 tại Hà Nội.

Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh ưu tiên tăng trưởng Xanh cùng việc thực hiện các mục toàn cầu 2030 đang đối mặt nhiều thách thức, đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới linh hoạt và quyết liệt hơn.

Tăng trưởng Xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 - ảnh 1Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ chủ trì họp báo quốc tế Hội nghị thượng đỉnh P4G Việt Nam 2025. Ảnh: baoquocte.vn

Với chủ đề “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm”, Hội nghị Thượng đỉnh P4G năm nay được kỳ vọng sẽ tạo nên cú hích mới cho các nỗ lực chuyển đổi xanh, tăng trưởng bền vững của các quốc gia vào thời điểm sự quan tâm và đầu tư của cộng đồng quốc tế cho lĩnh vực này có dấu hiệu bị phân tán.

Nguy cơ chệch hướng phát triển bền vững

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), do Liên hiệp quốc (LHQ) tổ chức tháng 9 năm ngoái tại trụ sở tổ chức này ở New York (Mỹ), các quan chức LHQ công bố những số liệu đáng báo động khi cho biết hầu hết trong số 17 SDGs mà cộng đồng quốc tế đặt mục tiêu hoàn thành vào năm 2030, trong đó có các mục tiêu về tăng trưởng xanh, có nguy cơ không thể đạt được. Theo Tổng thư ký (TTK) LHQ, ông Antonio Guterres, các nguyên nhân chính đến từ việc thiếu sự hỗ trợ tài chính và công nghệ cần thiết từ các nước phát triển cho các nước đang phát triển, thiếu các cơ chế hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia, cũng như giữa khu vực công và khu vực tư. Người đứng đầu LHQ nhận định: “Các mục tiêu phát triển bền vững là một tầm nhìn táo bạo, một sự cam kết cho một tương lai tốt đẹp hơn, mạnh khỏe hơn, an toàn hơn, thịnh vượng và bền vững hơn. Nhưng các mục tiêu này đang đối mặt với các làn gió ngược rất mạnh. Hơn 4/5 mục tiêu phát triển bền vững hiện đang đi chệch hướng”.

Trong khi đó, bà Amina Mohammed, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, nêu ra một nghịch lý khác, đó là ngày nay các nguồn năng lượng tái tạo đang ngày càng rẻ và dễ tiếp cận hơn nhưng việc chuyển đổi xanh tại các quốc gia lại có xu hướng mất công bằng hơn, khi các nước nghèo và các nước đang phát triển tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực xanh hóa nền kinh tế, hướng tới phát triển bền vững. Phó TTK LHQ cảnh báo: “Có một thực tế nguy hiểm là việc chuyển đổi năng lượng sạch đang lặp lại và khuyếch đại những bất công trong quá khứ: đó là các nước đang phát triển, vốn giàu các nguồn năng lượng tái tạo có ý nghĩa thiết yếu cho việc chuyển đổi, lại bị gạt xuống đáy của chuỗi giá trị, người dân bị bóc lột, môi trường bị hủy hoại, trong khi các nước khác lại tăng trưởng giàu có nhờ nguồn lực của các nước này”.

Chia sẻ quan điểm về thực trạng hiện nay trong bức tranh tăng trưởng xanh toàn cầu, bà Rebecca Grynspan, TTK Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển (UNCTAD) cho biết các nước đang phát triển và các nước kém phát triển nhất (LDCs) chỉ đóng vai trò thứ yếu trong việc phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, trong đó các LDCs chỉ chiếm dưới 4% phát thải carbon toàn cầu, nhưng các nước này lại đang phải hứng chịu những tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu. Do đó, các cơ chế hợp tác, hỗ trợ tài chính, tài trợ khởi nghiệp trong tăng trưởng xanh, phát triển bền vững cần phải thay đổi, nhất là khi các nước đang phát triển và kém phát triển còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai phá về phát triển thị trường tín chỉ carbon, thông qua các dự án lâm nghiệp, nông nghiệp và năng lượng tái tạo.

P4G và các cách tiếp cận mới

Được thành lập năm 2017 từ ý tưởng của Đan Mạch, Diễn đàn P4G có mục tiêu phối hợp chính sách, thúc đẩy hợp tác công - tư, kết nối các chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức chính trị - xã hội nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, đóng góp thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) toàn cầu năm 2030. Trọng tâm hợp tác của P4G hiện tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, gồm: Giảm thất thoát và lãng phí lương thực; Nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu; Nguồn nước bền vững; Năng lượng tái tạo và giao thông không phát thải. Từ khi đi vào hoạt động, P4G đã thu được nhiều kết quả đáng chú ý, như: thiết lập được hơn 100 mối quan hệ đối tác, huy động được hơn 100 triệu USD đầu tư cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong lĩnh vực chống biến đối khí hậu, giúp giảm được khoảng 10,8 triệu tấn khí thải C02, tác động tích cực đến hơn 1,6 triệu người tại các quốc gia.

Điểm khác biệt, cũng được coi là ưu thế của P4G so với các diễn đàn và cơ chế tăng trưởng xanh khác, là cách tiếp cận đa chiều và tập trung nhiều vào các giải pháp có tính địa phương hóa cao. Cụ thể, P4G ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong lĩnh vực chống biến đối khí hậu ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thông qua các giải pháp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, “biến” các doanh nghiệp này trở thành các dự án đầu tư tiềm năng, từ đó các doanh nghiệp này cung cấp các giải pháp cụ thể cho cộng đồng ở quy mô vừa và nhỏ. Cách tiếp cận này có thể giải quyết được phần nào thực trạng nhiều cam kết lớn ở quy mô toàn cầu, đặc biệt về tài chính khí hậu, không được thực hiện trong nhiều năm qua.

Tại Thượng đỉnh lần thứ tư tổ chức tại Việt Nam, P4G được chờ đợi sẽ thúc đẩy các cơ chế hợp tác lên tầm cao mới, tạo cú hích cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Theo bà Robyn McGuckin, Giám đốc điều hành P4G, Thượng đỉnh lần này diễn ra vào thời điểm rất quan trọng với các nỗ lực tăng trưởng xanh và phát triển bền vững bởi cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu đang có một số dấu hiệu chững lại, đồng thời Việt Nam cũng là địa điểm lý tưởng để lan tỏa và thúc đẩy các nỗ lực này. Bà Robyn McGuckin cho biết:“Việt Nam định vị rất tốt trong kinh doanh đổi mới sáng tạo và lĩnh vực công nghệ. Việt Nam có những yếu tố thiết yếu để thành công, với một nền kinh tế mới nổi và nhất là dân số trẻ có tinh thần doanh nghiệp rất cao, rất chăm chỉ. Bên cạnh đó, năng lực sản xuất của Việt Nam cũng rất tốt, không chỉ trong các ngành xuất khẩu truyền thống mà còn trong cả các ngành công nghệ cao, như xe điện, pin xe điện hay trí tuệ nhân tạo (AI)”

Thượng đỉnh P4G tại Việt Nam dự kiến thông qua Tuyên bố Hà Nội, khẳng định mạnh mẽ các cam kết về tăng trưởng xanh, bền vững, lấy con người làm trung tâm, các quốc gia quyết tâm cùng phối hợp hành động có trách nhiệm nhằm ứng phó với thách thức toàn cầu hiện nay.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác