Việt Nam và Trung Quốc ra Tuyên bố chung nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình

(VOV5) - Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình từ 14- 15/4, hôm nay (15/4), Việt Nam và Trung Quốc đã ra Tuyên bố chung. 

Tuyên bố khẳng định hai bên nhất trí cần kiên định thúc đẩy sự nghiệp hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc. Trung Quốc nhấn mạnh kiên trì chính sách hữu nghị với Việt Nam, luôn coi Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng. Việt Nam tái khẳng định luôn coi quan hệ với Trung Quốc là chủ trương nhất quán, yêu cầu khách quan và ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam. Đây là lựa chọn chiến lược của hai bên.

Việt Nam và Trung Quốc ra Tuyên bố chung nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình  - ảnh 1Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: VOV

Hai bên nhất trí cần kiên định ủng hộ lẫn nhau duy trì tự chủ chiến lược, tự chủ lựa chọn con đường phát triển phù hợp với tình hình đất nước mình; kiên trì phương châm "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai", tinh thần "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt" và mục tiêu tổng thể "6 hơn". 

Tiếp tục làm sâu sắc quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi giữa hai bên phát triển với chất lượng cao hơn, tạo hình mẫu tích cực cho xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại.

Hai bên cũng tái khẳng định cần kiên định ủng hộ lẫn nhau trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với tình hình mỗi nước.

Hai bên xác định cần cùng nhau nâng tin cậy chiến lược lên mức cao hơn. Phía Việt Nam khẳng định kiên định thực hiện chính sách "một Trung Quốc", công nhận trên thế giới chỉ có một Trung Quốc, Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là Chính phủ hợp pháp duy nhất đại diện cho toàn Trung Quốc, Đài Loan là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc. Ủng hộ quan hệ hai bờ eo biển phát triển hòa bình và sự nghiệp lớn thống nhất Trung Quốc, kiên quyết phản đối hành động chia rẽ "Đài Loan độc lập" dưới mọi hình thức, nhất quán ủng hộ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước. Phía Việt Nam không phát triển bất cứ quan hệ cấp nhà nước nào với Đài Loan. Các vấn đề Hong Kong, Tân Cương, Tây Tạng là công việc nội bộ của Trung Quốc, ủng hộ Trung Quốc duy trì sự phát triển ổn định của Hong Kong, Tân Cương, Tây Tạng.

Trung Quốc đánh giá cao các lập trường này của Việt Nam và bày tỏ ủng hộ Việt Nam duy trì ổn định xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia và phát triển, đoàn kết toàn dân tộc.

Hai bên tái khẳng định cần xây dựng trụ cột hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn; nhất trí ưu tiên đẩy nhanh kết nối hạ tầng giữa hai nước về đường sắt, đường bộ cao tốc, hạ tầng cửa khẩu. Hai bên nhất trí sớm bàn bạc, ký kết Hiệp định hợp tác nghề cá vịnh Bắc Bộ; triển khai hợp tác thả giống và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vịnh Bắc Bộ. Thực hiện tốt Thỏa thuận thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển Việt Nam - Trung Quốc và Thỏa thuận hợp tác tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Hai bên nhất trí triển khai tốt Bản ghi nhớ hợp tác giữa cơ quan chủ quản hai nước về truyền thông số. Việt Nam ủng hộ Trung tâm văn hóa Trung Quốc tại Hà Nội triển khai hoạt động. Trung Quốc hoan nghênh Việt Nam sớm thành lập Trung tâm văn hóa tại Bắc Kinh. Vận hành tốt Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc), khuyến khích du khách hai bên sang du lịch bên kia.

Hai bên tái khẳng định kiên định bảo vệ hệ thống quốc tế với Liên hợp quốc làm hạt nhân, trật tự quốc tế với luật pháp quốc tế làm nền tảng, kiên trì "Năm nguyên tắc chung sống hòa bình" và các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế với tôn chỉ và nguyên tắc Hiến chương Liên hợp quốc làm nền tảng.

Việt Nam sẵn sàng trao đổi về việc trở thành nước đối tác của BRICS, sẵn sàng tăng cường hợp tác với Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.

Hai bên chú ý đến các biện pháp hạn chế thương mại, đầu tư, khẳng định duy trì thể chế thương mại đa phương cởi mở, minh bạch, bao trùm, không phân biệt đối xử với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là hạt nhân, quy tắc là nền tảng, thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế phát triển theo hướng cởi mở, bao trùm, mang lại lợi ích chung, cân bằng, cùng thắng.

Hai bên sẽ thúc đẩy triển khai Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực" (RCEP) với chất lượng cao; tích cực hoan nghênh đơn gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) của Khu hành chính đặc biệt Hong Kong, Trung Quốc. 

Phía Việt Nam ủng hộ Trung Quốc gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trên cơ sở phù hợp với các tiêu chuẩn và trình tự của hiệp định.

Hai bên nhất trí kiểm soát và giải quyết thỏa đáng bất đồng, giữ gìn đại cục hữu nghị Việt – Trung. Hai bên nhấn mạnh cần kiểm soát tốt hơn và tích cực giải quyết bất đồng trên biển, cùng duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Nhất trí tuân thủ nhận thức chung quan trọng giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, tích cực tìm kiếm các giải pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được, phù hợp với "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc", luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp, cùng duy trì ổn định trên biển. 

Thúc đẩy bàn bạc về phân định vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ và bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển sớm đạt tiến triển thực chất; tích cực triển khai hợp tác trên các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển, tăng cường hợp tác tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Hai bên khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện toàn diện, hiệu quả "Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC), trên cơ sở hiệp thương thống nhất sớm đạt được "Quy tắc ứng xử ở Biển Đông" (COC) hiệu lực, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Hai bên nhất trí tăng cường quản lý khu vực biên giới; tích cực thúc đẩy mở và nâng cấp cửa khẩu biên giới. Tiếp tục triển khai hiệu quả "Hiệp định tàu thuyền đi lại tại khu vực tự do đi lại ở cửa sông Bắc Luân".

Hai bên nhất trí cho rằng chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình là dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai Đảng, hai nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình trân trọng mời Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường sớm thăm lại Trung Quốc. Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường bày tỏ cảm ơn và vui vẻ nhận lời.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác