(VOV5) - Nghề dệt truyền thống được lưu giữ qua nhiều thế hệ trong hầu hết các gia đình người Ê Đê ở buôn Kmrơng Prong A, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nghề dệt thổ cẩm vốn là niềm tự hào của người Ê Đê ở buôn Kmrơng Prong A, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk từ nhiều đời nay. Trước tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sự phát triển của thời trang hiện đại, người dân nơi đây đang nỗ lực gìn giữ nghề truyền thống này cho thế hệ mai sau.
Bà H’Trên Êban (dân tộc Ê Đê) ở buôn Kmrơng Prong A, xã Ea Tu, cho biết bà bắt đầu làm quen với khung dệt và sợi chỉ màu từ khi còn rất nhỏ. Đến nay, bà H’Trên Êban đã có hơn 20 gắn bó với thổ cẩm, và là một trong những người có tay nghề giỏi ở buôn Kmrơng Prong A.
Tự hào với nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình, bà H’Trên Êban cho biết: “Tôi học dệt từ năm 12 tuổi và nghề này trong gia đình tôi được truyền 4 đời rồi, từ hồi bà cụ đến bà ngoại rồi tới mẹ và giờ tới tôi. Đây là đồ truyền thống của dân tộc mình, cho nên phải giữ gìn lâu dài để sau này, truyền dạy lại cho con, cháu của mình nữa.”
Nghề dệt thổ cẩm vẫn được lưu giữ qua nhiều thế hệ ở Kmrơng Prong A. |
Cũng với ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc, bà H’Biếk Byă ở buôn Kmrơng Prong A, xã EaTu, đã gắn bó với nghề dệt thổ cẩm hơn 30 năm. H’Biếk Byă tâm sự để làm ra được sản phẩm thổ cẩm đẹp phải tốn rất nhiều thời gian, công sức; đòi hỏi người dệt phải kiên trì, khéo léo. Sản phẩm thổ cẩm làm ra vừa để sử dụng trong gia đình, làm quà tặng trong các dịp cưới hỏi, mừng nhà mới, quà lưu niệm khách quý.
Mặc dù sản phẩm làm ra hiện nay tiêu thụ chậm nhưng gia đình vẫn quyết tâm duy trì nghề dệt thổ cẩm theo phong tục từ xưa để lại: “Có ngày dệt, có ngày không, đi bán cũng khó, không được ổn định, không đủ nuôi được gia đình, họ mà mở công ty mua thì được ổn định. Tuy vậy, để gìn giữ bản sắc văn hoá từ hồi xưa, từ ông bà để cho con cháu sau này nên phải tiếp tục làm nghề, để mãi không làm mất đi công việc của mình. Sau này, để cho con cái mình học hỏi lâu dài, tại vì phong tục mà."
Theo những nghệ nhân nghề dệt thổ cẩm ở buôn Kmrơng Prong A, để ra đời được những sản phẩm thổ cẩm đặc sắc, phải rất cầu kỳ từ việc tìm nguyên liệu tạo màu và trải qua nhiều công đoạn công phu như nung, ngâm, nhuộm để dệt nên những tấm vải thổ cẩm đặc sắc, được sử dụng theo những dịp lễ nhất định của người Ê Đê. Những tấm thổ cẩm đỏ rực thường dùng để trang trí trong các lễ hội, những buổi cúng Giàng (cúng Trời) chứ không được cắt may thành những món đồ gia dụng.
Đối với việc tạo hoa văn, công việc đòi hỏi người dệt phải nắm bắt ý đồ từ khi mắc sợi. Những bộ trang phục Eđê, màu sậm làm tăng tính trang nghiêm, đứng đắn, còn màu vàng, đỏ lại mạnh mẽ, lôi cuốn sự chú ý. Sự phối màu giữa đỏ - đen, đỏ - chàm sẫm, đen – vàng khiến dải hoa văn tạo nên hiệu ứng sinh động, là điểm nhấn của cả bộ trang phục.
Nhưng vẫn còn nhiều trăn trở để giữ gìn được lâu dài nghề dệt của người Êđê nơi đây. |
Trước nguy cơ nghề dệt thổ cẩm ở buôn Kmrơng Prong A, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột đang có nguy cơ mai một, chính quyền nơi đây có kế hoạch khuyến khích duy trì và phát triển nghề để tao nguồn thu nhập ổn định cuộc sống cho bà con. Nhiều hợp tác xã dệt thổ cẩm được thành lập, công tác truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ được chú trọng.
Chia sẻ những trăn trở trong công tác gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc, Buôn trưởng buôn Kmrơng Prong A, ông Y Bây Kbuôr cho biết: “Cái nghề này là buôn mình vẫn còn duy trì được cái nghề truyền thống của ông bà để lại. Hiện tại, nói chung là lớp trẻ ít biết được cái nghề này, tại vì đa số các bạn học xong rồi đi làm xa, các cụ già, gọi là các nghệ nhân cao tuổi đã chết. Nhưng mà sau này muốn cái nghề này sẽ tồn tại về lâu về dài, tôi mong muốn có một tổ hợp tác tập trung lại các chị em, hợp tác xã đó là sẽ thu mua lại các sản phẩm của chị em mình làm ra.”
Trước ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại, các sản phẩm thổ cẩm truyền thống dần bị lãng quên song những người dân ở buôn Kmrơng Prong A, xã Ea Tu vẫn tiếp tục duy trì nghề dệt và mong một ngày nào đó nghề này sẽ được vực dậy, sẽ có những thế hệ bước tiếp học hỏi và tâm huyết với nghề. Khi đó, nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Ê-Đê sẽ được vực dậy và mãi lưu truyền cho các thế hệ sau.