(VOV5) - Hàng năm, ngay sau khi các sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, thành phố Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại.
Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Quỳnh Anh:
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là OCOP) được Chính phủ phê duyệt tháng 5 năm 2018 nhằm góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Hà Nội, Trung tâm OCOP lớn nhất cả nước, đang đẩy mạnh kết nối giao thương các sản phẩm OCOP với các địa phương.
Sản phẩm OCOP làng nghề làm gốm sứ Bát Tràng. Ảnh: Ngọc Anh/VOV5 |
Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ theo lợi thế ở mỗi địa phương, theo chuỗi giá trị. Sản phẩm OCOP được đánh giá theo 5 hạng (từ 1 sao đến 5 sao), trong đó hạng 5 sao là cao nhất, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Lộ trình sản phẩm OCOP quốc gia đến năm 2020 là khoảng 2.500 sản phẩm, trong đó Hà Nội chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 1000 sản phẩm OCOP.
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” phát triển mở ra cơ hội vàng cho các chủ thể từ làng nghề đến các cơ sở sản xuất nông nghiệp phát huy, khai thác được hết tiềm năng, tinh hoa của các địa phương. Khi tham gia vào chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” những sản phẩm truyền thống của mỗi địa phương được sản xuất theo quy chuẩn.
Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Hà Nội, nhấn mạnh: “Chương trình OCOP là chương trình hoàn thiện các sản phẩm để các sản phẩm có nhãn hiệu, tiêu chí, có tên riêng. Khi một sản phẩm đã định danh, thành sản phẩm hoàn chỉnh thì sản phẩm đó mới đem đi kết nối giao thương được còn nếu là sản phẩm thô thì cũng chỉ để mua bán trực tiếp ở chợ truyền thống. Các sản phẩm OCOP được vào các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại và các cửa hàng tiện ích và đặc biệt là vào hệ thống thương mại điện tử, làm gia tăng giá trị sản phẩm, tiếp cận người tiêu dùng một cách tốt nhất.”
Hàng năm, ngay sau khi các sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, thành phố Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, như tổ chức hội thảo kết nối tiêu thụ đặc sản vùng miền và các sản phẩm OCOP, tổ chức hội chợ sản phẩm OCOP Hà Nội với các địa phương, Lễ hội sản phẩm làng nghề và nông sản thực phẩm Hà Nội mở rộng. Thành phố Hà Nội sẽ sớm xây dựng một Trung tâm sáng tạo và thiết kế và giới thiệu các sản phẩm OCOP cùng gắn với du lịch, dịch vụ du lịch. Trung tâm được xây dựng ở gần sân bay quốc tế Nội Bài.
Sản phẩm OCOP làng nghề làm sừng Thụy Ứng (Thường Tín, Hà Nội). Ảnh: Ngọc Anh/VOV5- |
Bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, cho biết: “Giá trị đổi mới sáng tạo sản phẩm OCOP là quan trọng. Chúng tôi đã xây dựng Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt tại làng Bát Tràng. Đây là nơi để các sản phẩm OCOP Hà Nội tỏa sáng, giao lưu với các sản phẩm OCOP của cả nước. Đây cũng là đầu mối để xúc tiến thương mại. Hà Nội là đất trăm nghề, có thế mạnh làng nghề thủ công mỹ nghệ. Những sản phẩm tinh hoa thủ công mỹ nghệ Hà Nội cạnh tranh được với thị trường thế giới. Những làng nghề thủ công phát triển thì sẽ thu hút được rất nhiều lao động.”
Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam tiếp tục mời thành viên là các siêu thị, chuỗi cửa hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội và cả nước cùng gặp gỡ các nhà sản xuất sản phẩm OCOP để bàn thảo hoạt động mua/bán sản phẩm. Khi các nhà bán lẻ tiếp xúc trực tiếp với nhà sản xuất để mua/bán sản phẩm thì giảm được chi phí trung gian và người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ giá cạnh tranh. Để tạo thuận lợi cho các chủ thể OCOP, công ty, doanh nghiệp giao thương, Nhà nước đầu tư xây dựng thêm các khu giới thiệu, trưng bày sản phẩm. Qua đó, các chủ thể OCOP được hưởng nhiều quyền lợi.
Chị Bùi Thị Thanh Hà, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín, Hà Nội), đơn vị chuyên cung cấp các loại rau mầm, cho biết: “Tham gia chương trình OCOP chúng tôi nhận thấy có ý nghĩa tích cực. Đó là bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP rất kỹ càng, chi tiết và toàn diện. Nhờ có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP mà đơn vị được các siêu thị tạo điều kiện có một gian hàng trưng bày và có đơn đặt hàng lớn. Sản phẩm của đơn vị nhờ có được chứng nhận OCOP nên được nhiều người biết đến. Hiện nay, Hợp tác xã chúng tôi cung cấp hàng cho các siêu thị Big C, Aeon, Lotte, Intimex… và thông qua các siêu thị này hàng hóa chuyển đến các tỉnh, thành phố lân cận của Hà Nội là Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, xa nữa là Vinh.”
Hỗ trợ việc kết nối giao thương các sản phẩm OCOP có cổng thông tin điện tử OCOP quốc gia, sàn giao dịch các sản phẩm OCOP, các cuộc thi, bình chọn sản phẩm OCOP hàng năm ở các địa phương và cấp quốc gia. Kết nối giao thương các sản phẩm OCOP ở vùng miền, địa phương góp phần giúp Chương trình OCOP quốc gia phát triển nhanh và bền vững. Nhờ vậy, sản phẩm OCOP của Hà Nội không chỉ được tiêu thụ rộng rãi ở trong nước mà còn vươn xa ra thị trường thế giớ