(VOV5) - Để đạt được các mục tiêu đặt ra, cùng với sự lãnh đạo khéo léo, sâu sát của chính quyền, điều quan trọng chính là sự đồng thuận, ủng hộ của người dân.
Là các xã miền núi có điểm xuất phát phát triển khá thấp, nhưng nhờ sự khéo léo trong công tác chỉ đạo của chính quyền, sự đồng thuận ủng hộ của người dân, một số xã ở huyện Krông Pách, tỉnh Đắc Lắc đã đạt đủ 19 tiêu chí trong chương trình quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Kinh nghiệm, thành công bước đầu này đang khích lệ nhiều địa phương ở Đắc Lắc đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.
|
Nông dân huyện Krông Pách thu hoạch lúa (Ảnh: baodaklak.vn) |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Cách đây 3 năm khi mới triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Hòa Đông mới chỉ mới đạt được 7/19 tiêu chí về nông thôn mới. Trong đó một số tiêu chí quan trọng như: giảm tỉ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập bình quân đầu người còn rất hạn chế, việc xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế vẫn kém xa so với tiêu chí đặt ra. Hòa Đông còn là một xã “điểm nóng” về an ninh trật tự của tỉnh Đắc Lắc thời điểm đó.
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, các thôn, buôn đã tổ chức họp dân bầu Ban phát triển cấp thôn, buôn để triển khai các Nghị quyết, kế hoạch của cấp trên và của xã đến tận người dân dưới nhiều hình thức. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên là người đi đầu trong từng việc làm cụ thể để người dân thấy và ủng hộ, làm theo. Như trong quá trình làm đường giao thông trong xóm, một số cán bộ chính quyền đã gương mẫu làm trước, thậm chí thế chấp tài sản của gia đình để vay tiền ngân hàng làm đường. Những đoạn đường đầu tiên hoàn thành đã giúp người dân đi lại thuận tiện, nên bà con rất ủng hộ. Bà Lương Thị Đợi, ở thôn 17, xã Hòa Đông, huyện Krông Pách nói: “Được sự lãnh đạo của xã cũng như của thôn thì bà con đồng tình, chung tay chung sức, đoàn kết xây dựng nông thôn mới. Là một người dân, chúng tôi rất ủng hộ chương trình quốc gia này. Mọi người khi chưa có đường bê tông mưa một trận xuống là lầy lội, từ con cái đến chúng tôi, mỗi lần đi họp hay đi chơi hay đi tiệc trong thôn mà lội chân đất, kể cả xe máy cũng không đi được trên con đường này. Nhưng hiện nay, chúng tôi phấn đấu không chỉ vì chúng tôi mà cả con cháu chúng tôi, đường đi học, quan hệ với hàng xóm láng giềng, chúng tôi được đi trên con đường sạch sẽ, khang trang”.
Đến nay, sau gần 5 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến tháng 6 năm 2015, xã Hòa Đông đã đạt đủ 19 tiêu chí, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi khởi sắc, hệ thống giao thông xã được đổ bê tông cứng hóa tới hơn 90%, trường học các cấp được xây dựng đầy đủ, khang trang, số hộ nghèo giảm xuống còn 3,4%, thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu một năm, tăng gấp đôi so với năm 2010. Ông Nguyễn Đình Vượng, Chủ tịch UBND xã Hòa Đông cho biết, để đạt được những kết quả đó, điều quan trọng nhất chính là sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của người dân. Phải lấy người dân làm trung tâm và phải làm sao cho họ thấy, hiểu và ủng hộ thì quá trình thực hiện mới thành công được. Ông Nguyễn Đình Vượng, cho biết: “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới muốn đạt được 19 tiêu chí thì cần sự quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị, các cấp ngành. Trong quá trình thực hiện tiêu chí khó nhất là tiêu chí về An ninh trật tự. Trong những năm vừa qua chúng tôi tập trung xây dựng lực lượng quân sự, công an. Ngoài lực lượng công an xã, thành lập 19 đội dân phòng ở 19 thôn, buôn, được trang bị đầy đủ tư trang, công cụ hỗ trợ để họ hoạt động tuần tra kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự. Củng cố xây dựng trung đội dân quân cơ động, các tiểu đội ở các thôn buôn và sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra”.
Tháng 5/2015, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột chính thức được công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Đây là xã “về đích” sớm nhất trong quá trình thực hiện Chương trình Quốc gia xây dựng Nông thôn mới ở Đắc Lắc giai đoạn 2010 – 2015. Ông Phan Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Ea Kao cho biết, tính đến tháng 8 năm 2012, xã Ea Kao mới chỉ đạt 9/19 tiêu chí về Nông thôn mới (trong đó có 2 tiêu chí còn “non yếu”). Để đạt được 10 tiêu chí còn lại, chính quyền xã, các hội đoàn thể cùng vào cuộc với quyết tâm cao. Mỗi nội dung tiêu chí đều được đưa ra bàn bạc, thảo luận, lấy ý kiến thông qua hội nghị nhân dân ở từng thôn, buôn; phân công cho từng thành viên trong chính quyền xã phụ trách từng tiêu chí, từng thôn, buôn để tham mưu những vấn đề cụ thể trong từng tiêu chí. Nhờ đó, mỗi người dân đều nắm được chủ trương, đồng thuận và tích cực tham gia phong trào. Ông Phan Văn Trường nói: “Muốn làm được việc này thì chúng tôi cũng có sự chỉ đạo thống nhất , cả hệ thống chính trị cũng ra tay. Như bản thân tôi cũng phụ trách 2 tiêu chí khó nhất là Giao thông và Trường học. Mình cần chú ý đến tiêu chí có khả năng không đạt để tập trung, tìm cách tháo gỡ để làm thế nào mà tiêu chí đó đạt được theo quy định".
Thực tế triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới ở Đắc Lắc cho thấy, để đạt được các mục tiêu đặt ra, cùng với sự lãnh đạo khéo léo, sâu sát của chính quyền, điều quan trọng chính là sự đồng thuận, ủng hộ của người dân. Đây là yếu tố quan trọng giúp cho quá trình triển khai được thuận lợi và đạt hiệu quả.