(VOV5) - Các nhà khoa học nhận định hiếm khi nào mưa lớn đến sớm với cường độ bất thường như hiện nay.
Một loạt các quốc gia, tại nhiều khu vực trên thế giới, vừa trải qua những trận lũ lụt nghiêm trọng. Theo các chuyên gia, đây là 1 trong những tác động rõ rệt nhất của tình trạng biến đổi khí hậu, khiến trái đất nóng lên với tốc độ bất thường.
Từ đầu tháng 4, lũ lụt nghiêm trọng đã xảy ra ở hàng loạt các quốc gia, gồm: Nga, Kazakhstan, UAE, Oman, Burundi, Kenya, Trung Quốc… trong đó có những khu vực ghi nhận cường độ lũ lụt cao nhất trong vài chục năm qua. Tại miền Nam Trung Quốc, từ ngày 18/04, những trận mưa bất thường kéo dài với cường độ được cho là lớn nhất trong vòng gần 100 năm qua đã khiến nhiều địa phương tại tỉnh Quảng Đông ngập lụt nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng của ít nhất 11 người và buộc hàng trăm ngàn người phải sơ tán. Các nhà khoa học Trung Quốc nhận định hiếm khi nào mưa lớn đến sớm với cường độ bất thường như hiện nay.
Nước nhấn chìm nhiều khu đô thị tại Porto Alegre (Rio Grande do Sul, Brazil). Ảnh:Reuters |
Tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), cơn bão lớn hôm 16/04 đã gây ra trận lụt chưa từng có trong vòng 75 năm qua tại quốc gia nổi tiếng khô hạn này, nhấn chìm thành phố Dubai, gây ra thiệt hại ước tính lên tới hàng trăm triệu USD. Nước láng giềng Oman cũng chịu tình cảnh tương tự. Tại Đông Phi, các quốc gia, gồm: Burundi, Tanzania, Somalia và Kenya cũng bị lũ lụt tàn phá nghiêm trọng trong nhiều tuần qua, khiến gần nửa triệu người phải sơ tán, ít nhất hơn 100 người đã thiệt mạng, hàng triệu hectar đất canh tác chìm trong nước lũ. Trước đó, từ đầu tháng 4, nhiều địa phương tại Nga và Kazakhstan cũng trải qua đợt lũ lụt tồi tệ nhất trong 80 năm qua, buộc chính quyền 2 nước phải sơ tán hơn 100.000 dân.
Trong báo cáo phân tích công bố hôm 25/04, các nhà khoa học của World Weather Attribution (WWA), tổ chức chuyên đánh giá vai trò của biến đổi khí hậu đối với mô hình thời tiết cực đoan trên thế giới, nhận định tình trạng nóng lên toàn cầu do phát thải nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chính gây ra các trận lũ lụt bất thường, đặc biệt tại các khu vực hiếm khi chứng kiến hiện tượng này trước đây, như: UAE, Oman. Bà Friederike Otto, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Hoàng gia London, giải thích: "Một nguyên nhân khác được nhiều chuyên gia đề cập là hiện tượng khí hậu El-Nino, đang diễn ra trong năm nay, khiến nhiệt độ mặt biển gia tăng, từ đó gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan là hạn hán và lũ lụt."
Lực lượng cứu hộ trợ giúp người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở Nam Sulawesi.
Ảnh: The Guardian |
Điều đáng ngại, theo chuyên gia Yolanda Gonzalez Hernandez, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế về hiện tượng El Nino (CIIFEN), đó là sự chuyển tiếp từ El Nino sang hiện tượng đối nghịch là La Nina (mặt biển lạnh hơn) đang ngày càng nhanh hơn, khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra nhiều hơn: “Trước đây, chúng ta thường có các hiện tượng El Nino hay La Nina sau khoảng 2 đến 2 năm rưỡi, nhưng hiện nay giai đoạn chuyển tiếp ngày càng ngắn hơn và chúng ta gần như chuyển ngay lập tức từ hiện tượng này sang hiện tượng đối nghịch. Hiện tượng El Nino hiện nay bắt đầu ngay khi La Nina kết thúc vào cuối 2022-đầu 2023, tức chúng ta không còn giai đoạn chuyển tiếp”.
Việc Trái đất nóng lên không chỉ khiến các hiện tượng mưa lớn, lũ lụt, hạn hán xảy ra thường xuyên hơn, với cường độ gay gắt hơn mà còn thúc đẩy quá trình tan băng tại nhiều đỉnh núi lớn, gây ra lũ lụt cho các khu vực rộng lớn dưới chân núi. Theo Giáo sư về khoa học khí hậu của trường Đại học Reading (Anh), bà Maria Shahgedanova, đây là nguyên nhân chính gây ra trận lũ lụt lớn nhất trong 8 thập kỷ qua tại các địa phương của Kazakhstan và Nga quanh dãy núi Ural ở biên giới giữa 2 quốc gia này:
“Lũ lụt vào mùa Xuân là hiện tượng thường thấy ở các khu vực nhiều băng tuyết và cường độ lũ lụt phụ thuộc vào việc có bao nhiêu băng tuyết tích tụ trong mùa Đông và băng tăn nhanh đến mức nào. Năm nay, khu vực này có lượng băng tuyết lớn sau mùa Đông và việc nhiệt độ tăng nhanh trong mùa Xuân, từ mức độ âm lên đến 17-18 độ khiến băng tan rất nhanh và gây ra lũ lụt”.
Đối với Nga, nhiều chuyên gia cảnh báo nước này sẽ phải chứng kiến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, chủ yếu là mưa lớn và lũ lụt, trong những năm tới, khi trái đất nóng lên khiến các dòng sông băng tan nhanh hơn tại các khu vực vùng Cực của quốc gia này, cũng như gia tăng lượng nước tại các lưu vực sông ở vùng Archangelsk, Ural, Yenisei, Lena và ở nước Cộng hòa Komi. Các cảnh báo tương tự cũng được đưa ra với nhiều khu vực khác. Theo nhà khoa học về khí quyển của Đại học bang Colorado (Mỹ), ông Alex Desrosiers, do tác động của El Nino và trái đất nóng lên, khu vực Bắc Mỹ và Caribe sẽ chứng kiến nhiều cơn bão nhiệt đới siêu lớn trong nửa cuối năm nay, kéo theo nguy cơ lũ lụt nghiêm trọng.