(VOV5) - Dưới thời ông Donald Trump theo đuổi chính sách “nước Mỹ trước tiên” và đó sẽ là kim chỉ nam định hình các chính sách của nước Mỹ.
Hôm 20/01, ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ, quay trở lại Nhà Trắng sau 4 năm. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hiếm có sự thay đổi quyền lực nào tại Mỹ trong nhiều thập kỷ qua tạo ra nhiều tác động với thế giới như sự kiện này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký hàng loạt sắc lệnh hành pháp sau nhậm chức. Ảnh: Getty |
Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức Tổng thống Mỹ, hôm 20/01, ông Donald Trump đã ký hơn 100 sắc lệnh hành pháp quan trọng liên quan đến hàng loạt lĩnh vực đối nội và đối ngoại. Về đối ngoại, ông Trump quyết định rút nước Mỹ khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris 2015, rút khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO), rút khỏi Thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu. Chính quyền mới của ông Donald Trump cũng biến các lời đe dọa áp thuế trong giai đoạn tranh cử thành hiện thực, khi tuyên bố sẽ áp thuế 25% với hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico, thêm 10% với hàng hóa Trung Quốc và có thể cả hàng nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU). Người đứng đầu nước Mỹ cũng nhắc lại tuyên bố sẽ giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama với lí do an ninh quốc gia… Theo các chuyên gia, tất cả các tuyên bố và động thái này từ ông Donald Trump có thể gây nên các tác động sâu rộng ở quy mô toàn cầu.
Về mặt địa chính trị, một trong những chờ đợi lớn nhất đối với ông Donald Trump là các chính sách của người đứng đầu nước Mỹ liên quan các điểm nóng xung đột toàn cầu, đặc biệt tại Ukraine và Trung Đông.Theo chuyên gia Leslie Vinjamuri, giám đốc Chương trình Mỹ và châu Mỹ thuộc viện nghiên cứu Chatham House ở Anh, việc giải quyết sớm các xung đột này sẽ là một trong những ưu tiên lớn nhất của ông Donald Trump. Điều này cũng phù hợp với tuyên bố của ông Donald Trump trong ngày nhậm chức, khi ông cho rằng “di sản đáng tự hào” nhất của ông sẽ là việc trở thành một nhà trung gian hòa giải và người thống nhất được các bên. Do đó, chuyên gia Samir Puri, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm quản trị và an ninh toàn cầu thuộc Viện Chatham House, nhận định ông Donald Trump sẽ tìm mọi cách sớm thúc đẩy các đàm phán với Tổng thống Nga, Vladimir Putin để giải quyết xung đột Ukraine: “Ông Donald Trump đã đặt cược uy tín chính trị trong nước và cái tôi của mình vào việc đàm phán này. Đây cũng là một sự đặt cược lớn đối với cá nhân ông ấy. Vì thế, ông ấy rất muốn sớm đạt được một điều gì đó”.
Xung đột ở Trung Đông cũng là một ưu tiên đối ngoại lớn khác của ông Donald Trump trong nhiệm kỳ mới. Sanam Vakil, giám đốc Chương trình Trung Đông và Bắc Phi ở Chatham House, cho rằng chính quyền mới ở Mỹ sẽ định hướng chiến lược khu vực quanh hai trụ cột là đảm bảo an ninh cho Israel và kiềm chế Iran. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cảnh báo việc chính quyền mới ở Mỹ duy trì ủng hộ mạnh mẽ đối với Israel cần phải đi kèm với việc gây sức ép để Israel giảm quy mô hoạt động quân sự ở Gaza và Li-băng, nếu không muốn căng thẳng khu vực bùng phát mạnh hơn.
Trong lĩnh vực khí hậu, theo bà Christina Voigt, giáo sư Luật và chuyên gia pháp lý khí hậu, việc nước Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới và là quốc gia phát thải lớn thứ hai thế giới, rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris 2015 là tín hiệu hết sức tiêu cực bởi nhiều quốc gia khác có thể xem xét quyết định của Mỹ và giảm bớt các cam kết, khiến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu đi chệch hướng. Chia sẻ nhận định này, Giáo sư luật và là người sáng lập Trung tâm Sabin về luật biến đổi khí hậu thuộc Trường Đại học Columbia (Mỹ), ông Michael Gerrard, đánh giá:
“Chúng ta đều biết rằng thế giới sẽ không đạt mục tiêu giữ Trái đất không nóng thêm 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này, thậm chí theo một số tính toán thì hiện chúng ta đã vượt qua mốc này. Do đó, việc nước Mỹ càng đứng ngoài Thỏa thuận Paris lâu hơn và làm ít hơn để giảm lượng phát thải thì chúng ta càng tiến gần hơn đến việc nóng thêm 2 độ C, thậm chí là cao hơn”.
Về quan hệ thương mại trong thời gian tới giữa Mỹ với các đối tác kinh tế lớn, bao gồm cả các quốc gia đồng minh thân thiết của Mỹ, Giáo sư về chính sách thương mại của Trường Đại học Cornell (Mỹ), ông Eswar Prasad, nhiều khả năng các nước sẽ tìm giải pháp thỏa hiệp với chính quyền mới tại Mỹ. “Xuất khẩu quan trọng với nền kinh tế Mỹ, nhưng không quá quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng như hầu hết các quốc gia khác. Do đó, một cuộc chiến thương mại dựa trên việc leo thang thuế quan có thể gây hại cho các nước khác hơn là cho Mỹ. Vì thế, tôi cho rằng các nước khác sẽ cố gắng thỏa hiệp với ông Donald Trump”.
Về tổng thể, theo ông Ian Bremmer, chủ tịch Eurasia Group, nhóm tư vấn hàng đầu về rủi ro địa chính trị, điều quan trọng mà các đối thủ, đối tác, thậm chí là đồng minh thân cận nhất của nước Mỹ, cần nhận thức rõ, đó là nước Mỹ dưới thời ông Donald Trump theo đuổi chính sách “nước Mỹ trước tiên” và đó sẽ là kim chỉ nam định hình các chính sách của nước Mỹ.